TP.HCM cần phát triển hệ thống phần mềm quản lý thông tin trạm y tế

Từ năm 2019, với sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm sử dụng một phần mềm tổng hợp chung của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tại 110 trạm y tế trên địa bàn.
Đoàn công tác Bộ Y tế kiểm tra việc sử dụng phần mềm quản lý thông tin của bác sỹ Trạm Y tế phường 15, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh, Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển ứng dụng phần mềm quản lý thông tin tại các trạm y tế, từ đó hoàn tất liên thông với nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở (V20) của Bộ Y tế trong thời gian sớm nhất.

Đây là yêu cầu của ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế trong buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Y tế với Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chiều 26/11.

Tại buổi làm việc, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước đây trung bình một trạm y tế trên địa bàn có khoảng 80 cuốn sổ ghi chép các hoạt động của trạm, điều này khiến cho nhân viên y tế các trạm y tế gặp nhiều khó khăn, chưa đạt hiệu quả cao trong công việc do mất quá nhiều thời gian để làm công tác báo cáo và các thủ tục hành chính khác.

Sau đó, địa phương này đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm quản lý điện tử tại trạm y tế. Tuy nhiên, do mỗi phần mềm chỉ quản lý được một nội dung nên việc quản lý hoạt động của trạm thông qua quá nhiều phần mềm cũng tồn tại nhiều bất cập.

[Y tế TP.HCM: Đột phá kỹ thuật chuyên sâu hướng đến y tế thông minh]

Từ năm 2019, với sự chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm sử dụng một phần mềm tổng hợp chung của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam tại 110 trạm y tế trên địa bàn.

Kể từ khi sử dụng chỉ một phần mềm quản lý, các công việc hành chính của đội ngũ nhân viên y tế đã trở nên dễ dàng hơn nhiều, đồng thời việc quản lý thông tin về sức khỏe của người dân cũng trở nên đồng bộ.

Hiện quản lý hơn 300 hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, Trạm Y tế phường 15 quận Tân Bình là một trong 110 trạm y tế đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh ứng dụng phần mềm quản lý thông tin hơn một năm qua.

Theo bác sỹ trạm trưởng Châu Quang Khải, từ khi liên thông một phần mềm duy nhất, hoạt động của trạm trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.

"Trước đây khi mỗi người bệnh đến với mình trong tình trạng chóng mặt, xây xẩm, nhức đầu, đo thì thấy cao huyết áp, lúc này buộc mình phải lục tìm lịch sử bệnh của bệnh nhân trong nhiều phần mềm khác nhau, rất mất thời gian mà nhiều khi thông tin có thể chưa chính xác.

Tuy nhiên, kể từ khi sử dụng một phần mềm, chỉ cần nhập thông tin người bệnh thì toàn bộ thông tin về bệnh nhân sẽ hiện ra, bao gồm cả bệnh sử, các loại thuốc đã sử dụng, tiền sử dị ứng..." bác sỹ Khải nêu ví dụ.

Bác sỹ Châu Quang Khải, Trạm trưởng Trạm Y tế phường 15, quận Tân Bình báo cáo về việc sử dụng phần mềm quản lý thông tin trạm y tế trong thời gian thí điểm. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Bên cạnh đó, theo bác sỹ Khải, thông qua một phần mềm quản lý, việc làm báo cáo của nhân viên y tế cũng nhanh, gọn hơn, cập nhật dữ liệu chính xác, đầy đủ. Nếu trước đây phải cần nhiều người cùng làm báo cáo thì nay đã được giảm lại, tăng hiệu quả kinh tế cho trạm y tế.

Sau hơn một năm triển khai thí điểm, dự kiến đến năm 2021 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn tất việc triển khai phần mềm quản lý thông tin đồng bộ tại tất cả 319 trạm y tế xã, phường trên địa bàn.

"Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra mục tiêu đến năm 2025, 90% người dân được lập hồ sơ sức khỏe điện tử và các trạm y tế là nơi quản lý những hồ sơ sức khỏe điện tử này, do đó, việc triển khai phần mềm quản lý thông tin trạm y tế liên thông với nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở (V20) của Bộ Y tế là điều kiện vô cùng lý tưởng," Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng khẳng định.

Ông Hà Anh Đức, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho biết, cả nước hiện có 11.500 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Sau thời gian triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin, hiện đã có 7.300 trạm y tế sử dụng phần mềm của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, 3.300 trạm y tế sử dụng phần mềm của Tổng Công ty Viễn thông Viettel và gần 1.000 trạm y tế sử dụng các phần mềm của các doanh nghiệp khác.

Tuy nhiên, theo ông Đức, dù lựa chọn sử dụng phần mềm nào vẫn phải đảm bảo được tính thống nhất, có thể tích hợp được 22 modun mà các trạm y tế phải quản lý như: sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số, khám chữa bệnh, tiêm chủng, bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm...

Đặc biệt, các dữ liệu của mỗi phần mềm phải liên thông được với nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở (V20) do Bộ Y tế quản lý.

Là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh, ông Hà Anh Đức đề nghị Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển ứng dụng phần mềm quản lý thông tin tại các trạm y tế, từ đó hoàn tất quá trình liên thông với nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở (V20) trong thời gian sớm nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục