TP.HCM chuyển chiến lược điều trị COVID-19 từ 5 tầng về 3 tầng

Theo phương án mới, tầng điều trị thứ nhất gồm các bệnh nhân COVID-19 (các F0) được chăm sóc sức khỏe tại nhà, cùng cơ sở cách ly tập trung tại các quận, huyện.
Bên trong phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng của Trung tâm Hồi sức Tích cực COVID-19 bệnh viện Việt Đức tại Bệnh viện Dã chiến 13 (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: TTXVN phát)
Bên trong phòng cấp cứu bệnh nhân COVID-19 nặng của Trung tâm Hồi sức Tích cực COVID-19 bệnh viện Việt Đức tại Bệnh viện Dã chiến 13 (huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: TTXVN phát)

Thành phố Hồ Chí Minh đang thí điểm điều trị người mắc COVID-19 tại nhà với túi thuốc an sinh theo sự cho phép của Bộ Y tế.

Mục tiêu của Thành phố là điều trị người mắc COVID-19 hiệu quả, qua đó giảm thiểu áp lực cho ngành y tế, tập trung nguồn lực điều trị ca bệnh nặng và rất nặng.

Nội dung trên được Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đưa ra tại cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố trưa 16/8.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, địa phương đã triển khai gói chăm sóc sức khỏe tại nhà đối với người mắc COVID-19. Gói này cũng được áp dụng đồng thời tới các bệnh viện điều trị COVID-19, khu cách ly, khu vực phong tỏa. Cụ thể, gói chăm sóc này có sáu hoạt động chính gồm xác định, lập danh sách trường hợp F0 trên địa bàn; hướng dẫn F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà; khám bệnh, theo dõi sức khỏe F0; hướng dẫn F0 áp dụng ba bước điều trị; xét nghiệm cho các F0; tư vấn sức khỏe, hỗ trợ cấp cứu F0 kịp thời.

Ông Dương Anh Đức cho biết thêm, gói chăm sóc sức khỏe sẽ góp phần tạo môi trường cách ly tại nhà đối với F0 được thoải mái nhất, với sự hỗ trợ tích cực của ngành y tế. Thời gian qua, 70-80% người mắc COVID-19 tự chăm sóc sức khỏe với điều kiện tốt đã khỏi bệnh trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ từ các loại thuốc thông thường kết hợp với tư vấn sức khỏe, nhiều người mắc COVID-19 điều trị tại nhà đã khỏi hoàn toàn, cho kết quả âm tính SARS-CoV-2 chỉ sau một tuần.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), hiện số người mắc COVID-19 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà là 41.209 người, trong đó 15.554 trường hợp F0 mới và 25.655 F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 13.569 người. Số F1 đang cách ly tập trung là 3.357 trường hợp. Số trường hợp F1 đang được cách ly tại nhà là 12.656 người.

[TP.HCM hướng dẫn gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người mắc COVID-19]

Về năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19, theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thời điểm trước đây, Thành phố phân ra năm tầng điều trị bệnh nhân COVID-19, tuy nhiên hiện tại đang chuyển đổi về còn ba tầng.

“Với ba tầng điều trị, Thành phố sẽ bố trí các bệnh nhân COVID-19 theo mức độ nhẹ, trung bình và nặng. Việc chuyển đổi sẽ giúp Thành phố tập trung nguồn lực về y tế, trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân một cách phù hợp tại các tầng," ông Nguyễn Hữu Hưng nói.

Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo phương án mới, tầng điều trị thứ nhất gồm các bệnh nhân COVID-19 (các F0) được chăm sóc sức khỏe tại nhà, cùng cơ sở cách ly tập trung tại các quận, huyện. Bệnh nhân được phân vào tầng này gồm các trường hợp không có triệu chứng, không có bệnh nền hoặc bệnh nền ổn định.

Tầng điều trị thứ hai gồm các bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ, trung bình và nặng, kèm theo những bệnh lý nền. Hiện tại tầng điều trị thứ hai của Thành phố Hồ Chí Minh có 74 bệnh viện điều trị COVID-19, 24 bệnh viện dã chiến, 15 bệnh viện cấp thành phố, tám bệnh viện cấp quận, huyện, 41 bệnh viện chuyên khoa và chín bệnh viện tuyến Trung ương.

Tầng điều trị thứ ba sẽ là khu vực hồi sức chuyên sâu cho bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch ở các bệnh viện tuyến cuối. Hiện tại, toàn Thành phố có tám bệnh viện hồi sức COVID-19 với quy mô gần 3.400 giường.

TP.HCM chuyển chiến lược điều trị COVID-19 từ 5 tầng về 3 tầng ảnh 1Xe lưu động đặt tại điểm tiêm chủng phục vụ cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh trên 65 tuổi. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Về tiến độ tiêm chủng, từ đầu đợt năm tới nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận được 4,4 triệu liều vaccine từ Bộ Y tế. Trong đó, bốn quận, huyện gồm Cần Giờ, Quận 5, Quận 11 và quận Phú Nhuận đã tiêm xong mũi một cho người từ 18 tuổi trở lên. Những quận, huyện này đang tiếp tục rà soát, tiếp cận đối tượng chưa được tiêm đợt một, đồng thời tiến hành tiêm mũi hai. Các quận, huyện còn lại đang tổ chức tiêm vaccine và chủ động đến từng nhà, từng khu, tạo điều kiện cho người không có điều kiện đi đến điểm tiêm được tiêm vaccine.

Đối với vaccine Vero Cell của Sinopharm, Thành phố đã nhận hai đợt, mỗi đợt 1 triệu liều, riêng đợt hai đang chờ Bộ Y tế kiểm định để tiếp tục tiêm cho người dân. Với loại vaccine này, Thành phố đã tiêm hơn 200.000 liều, tất cả đều an toàn.

Theo HCDC, tính đến 6 giờ ngày 16/8, thành phố có 151.904 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 397 ca nhập cảnh. Thành phố đang điều trị cho 33.149 bệnh nhân; có 2.122 trẻ em dưới 16 tuổi, 1.858 bệnh nhân nặng phải thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 15/8, có 2.146 bệnh nhân xuất viện, 282 trường hợp tử vong. Tổng số bệnh nhân được xuất viện cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến nay là 72.873 bệnh nhân.

Hiện có 28 ổ dịch đã được khoanh vùng, giám sát chặt. Kết quả xét nghiệm từ ngày 27/4 đến 14/8, thành phố đã lấy 1.240.654 mẫu (trong đó có 743.772 mẫu đơn, 496.882 mẫu gộp), với 4.547.556 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất...). Tổng số mẫu chưa có kết quả là 6.555 mẫu, trong đó 5.495 mẫu đơn và 1.060 mẫu gộp./.

TP.HCM chuyển chiến lược điều trị COVID-19 từ 5 tầng về 3 tầng ảnh 2
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục