TP.HCM đảm bảo việc điều trị cho người mắc COVID-19 tự cách ly tại nhà

Việc cách ly người mắc COVID-19 tại nhà phải đảm bảo không lây lan ra cộng đồng xung quanh bằng cách có phòng cách ly và nhà vệ sinh riêng biệt cho người bệnh, giảm thiểu việc tiếp xúc.
TP.HCM đảm bảo việc điều trị cho người mắc COVID-19 tự cách ly tại nhà ảnh 1Nhân viên y tế trạm y tế lưu động phường 25, quận Bình Thạnh phát túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Chiều tối 22/9, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp báo định kỳ về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố với nhiều nội dung được quan tâm như công tác theo dõi và điều trị cho người mắc COVID-19 tự cách ly tại nhà, việc phân bổ vaccine cho phụ nữ mang thai, số lượng giường hồi sức cấp cứu cho người mắc COVID-19, kế hoạch kiểm soát người lưu thông trong thời gian tới…

Người mắc COVID-19 phải biết cách theo dõi sức khỏe của mình

Về việc xét duyệt cho người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà, bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết, việc cách ly người mắc COVID-19 tại nhà có nhiều ưu điểm so với các chiến lược cũ như giảm tải áp lực cho ngành Y tế thành phố, giảm sử dụng các nguồn lực, tạo điều kiện cho người bệnh có điều kiện phục hồi tốt hơn... 

Tuy nhiên, việc cách ly người mắc COVID-19 tại nhà phải đảm bảo không lây lan ra cộng đồng xung quanh bằng cách có phòng cách ly và nhà vệ sinh riêng biệt cho người bệnh, giảm thiểu việc tiếp xúc giữa người bệnh với gia đình và các hộ khác trong khu dân cư.

Khi xảy ra tình huống xấu, phải đảm bảo người bệnh được cấp cứu, chuyển viện kịp thời. Ngoài ra, người mắc COVID-19 được cách ly tại nhà phải là người từ 50 tuổi trở xuống, không có bệnh nền, không có triệu chứng bệnh như mệt mỏi, khó thở… hoặc có triệu chứng nhẹ, không phải phụ nữ mang thai...

[TP. HCM tiếp nhận ủng hộ 4 triệu bộ xét nghiệm COVID-19]

Bên cạnh đó, bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm lưu ý, người mắc COVID-19 cách ly tại nhà phải biết cách theo dõi sức khoẻ và diễn tiến tình trạng bệnh của mình cũng như biết cách liên lạc với đường dây nóng (tổ phản ứng nhanh, trạm y tế lưu động tại địa phương…) trong trường hợp bệnh tiến triển nặng.

Gia đình, người thân cần hỗ trợ theo dõi sức khỏe và thực hiện cách ly đúng chuẩn cho người bệnh. Ngoài ra, việc người mắc COVID-19 chuyển nặng khi đang điều trị tại nhà là chuyện rất bình thường do diễn tiến bệnh ở mỗi người là khác nhau. Ngành Y tế thành phố đã dự trù những trường hợp và có phương án thích hợp để hỗ trợ một cách tốt nhất.

Phân bổ vaccine cho phụ nữ mang thai

Về việc tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước đây, phụ nữ mang thai là một trong những đối tượng thận trọng khi tiêm ngừa, cần phải quan sát và kiểm soát chặt chẽ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Do đó, trong hai đợt tiêm vaccine thứ 3 và thứ 4 vừa qua, thành phố chưa tiến hành tiêm cho nhóm thai phụ. 

TP.HCM đảm bảo việc điều trị cho người mắc COVID-19 tự cách ly tại nhà ảnh 2Bác sỹ Bệnh viện Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh tiêm vaccine phòng COVID-19 cho thai phụ. (Ảnh: TTXVN phát)

Tuy nhiên, ngày 22/9,  Bộ Y tế đã có văn bản mới hướng dẫn tiêm phòng cho phép phụ nữ có thai hơn 13 tuần có thể tiêm vaccine phòng COVID-19 tại các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa với điều kiện các sản phụ xác nhận đồng ý tiêm chủng sau khi được nghe nhân viên y tế giải thích nguy cơ/lợi ích khi tiêm vaccine.

Đến nay, Sở Y tế thành phố đã phân bổ trên 100.000 liều vaccine cho các bệnh viện có khoa sản trên địa bàn để tiêm cho nhóm này.

Về số lượng giường hồi sức cấp cứu (ICU) của Thành phố Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, hiện thành phố có 90 cơ sở thu dung của 3 tầng điều trị COVID-19.

Tầng 1 có 12 cơ sở cách ly dành cho người nhiễm không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Tầng 2 có 68 bệnh viện thu dung, điều trị dã chiến và các bệnh viện hạng 2, hạng 3 và hạng 1 (bệnh viện tách đôi) dành cho bệnh nhân cần cấp cứu, điều trị từ nhẹ, trung bình đến nặng, có kèm hoặc không kèm theo bệnh lý nền.

Tầng 3 có 10 cơ sở điều trị, trong đó có 5 bệnh viện hạng nhất (bệnh viện Trung ương tại Thành phố Hồ Chí Minh) và Trung tâm Hồi sức cấp cứu COVID-19 do Bộ Y tế và các bệnh viện Trung ương hỗ trợ cho thành phố dùng để hồi sức chuyên sâu các trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch.

Theo thống kê, số giường hồi sức của thành phố đang tập trung tại tầng 3 với khoảng 3.286 giường, đảm bảo tính năng gắn các thiết bị hiện đại để cấp cứu, cứu chữa bệnh nhân.

“Với số giường này, hiện nay, theo đánh giá của ngành Y tế thành phố, vẫn có thể đủ sức cấp cứu, cứu chữa kịp thời cho bệnh nhận nặng trên địa bàn. Song song đó, thành phố có thêm việc điều chuyển ở các tầng. Bệnh nhân tầng 3 qua điều trị tình trạng có chuyển biến tốt sẽ chuyển xuống tầng 2, từ tầng 2 chuyển xuống tầng 1. Qua kiểm tra, đánh giá, các bệnh viện làm việc rất nhuần nhuyễn, nhịp nhàng, kịp thời để cứu chữa cho bệnh nhân,” bà Mai Nguyễn Thị Huỳnh nói.

Tăng cường kiểm tra lưu động 

Về kế hoạch kiểm soát người lưu thông trong thời gian tới, Thượng tá Huỳnh Văn Tiến, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lãnh đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo công an các quận, huyện và thành phố Thủ Đức chủ động, linh hoạt trong việc bố trí các chốt, trạm kiểm soát trên địa bàn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của người dân thuộc đối tượng được phép lưu thông trên đường nhưng đồng thời vẫn đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu về phòng, chống dịch của thành phố.

Bên cạnh đó, Công an Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương tiến hành tăng cường các tổ tuần tra, kiểm soát lưu động để kiểm tra người đi đường, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp người dân ra đường không có lý do chính đáng hoặc không thuộc đối tượng được phép ra đường; tụ tập đông người…

Song song đó, lực lượng chức năng tiếp tục tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu về sự nguy hại của đại dịch COVID-19, vận động người dân thực hiện nghiêm túc các quy định 5K, 5T và các biện pháp phòng, chống dịch để bảo đảm an toàn cho bản thân và cộng đồng. 

Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 còn có những diễn biến phức tạp. Người dân nên hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết và chấp hành quy định về phòng, chống dịch của thành phố. 

Liên quan đến công tác hỗ trợ các doanh nghiệp tự xét nghiệm cho lực lượng nhân viên giao hàng (shipper), ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã phối hợp với Sở Y tế tổ chức hướng dẫn lấy mẫu xét nghiệm cho 34 doanh nghiệp giao hàng công nghệ với sự tham gia của các y bác sỹ.

Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố đã tập huấn cho các doanh nghiệp cách thức cập nhật dữ liệu xét nghiệm lên phần mềm ứng dụng y tế của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong ngày 22/9, các doanh nghiệp đang làm quen với sử dụng tài khoản và cập nhật thông tin xét nghiệm lên hệ thống. 

Chiều 22/9, Sở Công Thương đã nhận 63.000 bộ xét nghiệm kháng nguyên từ HCDC và sẽ bàn giao cho các doanh nghiệp quản lý shipper để tự tổ chức xét nghiệm. Các bộ xét nghiệm này do thành phố cấp trên cơ sở số lượng đăng ký của shipper với Sở Công Thương theo nguyên tắc mẫu gộp 3 người, xét nghiệm 3 ngày/lần. 

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, việc cho phép shipper hoạt động liên quận, tăng thời gian hoạt động với lực lượng này trong những ngày qua đã giúp lượng đơn hàng được giải quyết của người dân tăng lên đến hơn 500.000 đơn một ngày so với 250.000 đơn trong thời gian thành phố siết chặt việc giãn cách, đồng thời giải quyết được vấn đề việc làm cho một lượng lớn người lao động.

Tuy nhiên, việc gia tăng đột biến số lượng shipper lưu thông trên đường đã dẫn tới việc quá tải tại các điểm xét nghiệm lưu động trên địa bàn. Để khắc phục, các sở ngành đã tham mưu cho lãnh đạo thành phố về đề xuất được tự tổ chức xét nghiệm của các doanh nghiệp.

“Việc để cho doanh nghiệp tự tổ chức xét nghiệm cho shipper và tự chịu trách nhiệm là một xu hướng bắt buộc phải thực hiện nhằm phát huy được tính chủ động của các doanh nghiệp và phù hợp với tình hình hiện tại khi tới đây, thành phố sẽ từng bước phục hồi kinh tế,” ông Phương nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục