TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành tiêm mũi 3 trong tháng 1 năm 2022

Về tiến độ tiêm mũi 3, Bộ Y tế yêu cầu hết quý 1 năm 2022, TP.HCM hoàn thành tiêm mũi nhắc lại cho người dân 18 tuổi trở lên, tuy nhiên thành phố đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành vào tháng 1/2022.
TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành tiêm mũi 3 trong tháng 1 năm 2022 ảnh 1TP Hồ Chí Minh triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho lực lượng tuyến đầu. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Một tuần qua, số ca mắc mới tại Thành phố Hồ Chí Minh giảm dưới 1.000 ca mỗi ngày. Trung bình mỗi ngày, địa bàn ghi nhận dưới 50 ca tử vong, trong đó có nhiều ca từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến.

Đây là nội dung nổi bật được đưa ra trong cuộc họp thông tin phòng, chống dịch COVID-19 định kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 27/12.

Theo Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai, việc phát hiện kịp thời F0 trong nhóm nguy cơ để can thiệp ngay góp phần giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong.

Do đó, các quận, huyện đang tiếp tục triển khai xét nghiệm tầm soát cho tất cả người dân thuộc nhóm nguy cơ và cung cấp ngay thuốc kháng virus cho F0 thuộc nhóm này.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 đầu tiên và nhiều nhất cả nước. Đến nay, tổng số mũi vaccine trên địa bàn được triển khai là hơn 14 triệu mũi, trong đó có 7,9 triệu mũi 1 và 6,9 triệu mũi 2 và hơn 438.000 mũi 3 (với 133.000 mũi bổ sung). 

Về tiến độ tiêm mũi 3, Bộ Y tế yêu cầu hết quý 1 năm 2022, thành phố hoàn thành tiêm mũi nhắc lại cho người dân 18 tuổi trở lên, tuy nhiên thành phố đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành vào tháng 1/2022. 

“Đây là một thử thách gồm nhiều điều kiện khách quan và trong bối cảnh thời gian chỉ còn hơn 1 tháng. Các đơn vị, quận, huyện đã có kế hoạch cụ thể. Sở Y tế sẽ phối hợp, điều phối các đội tiêm công lập, tư nhân, phòng khám đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn để đảm bảo nhân lực theo yêu cầu,” bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói. 

[Hà Nội yêu cầu hoàn thành tiêm mũi 3 trước ngày 31/1/2022]

Về phương án xét nghiệm của thành phố, theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), từ tháng 9 đến nay, phương án xét nghiệm của thành phố không thay đổi.

thành phố vẫn thực hiện xét nghiệm tầm soát tại cộng đồng, trường học, doanh nghiệp, bệnh viện. Bên cạnh đó, công tác đánh giá tình hình dịch không phải chỉ dựa trên số ca nhiễm mà còn so sánh số ca nhập viện, chuyển nặng, tử vong. 

"Không chỉ nhìn vào số ca nhiễm SARS-CoV-2 mà chúng ta có thể quan sát số ca nhập viện, số ca chuyển nặng, tử vong đã được kéo giảm. Đây là tín hiệu lạc quan về tình hình dịch COVID-19 nhưng chúng ta chưa thể chủ quan", ông Nguyễn Hồng Tâm lưu ý.

Ông Nguyễn Hồng Tâm cho rằng, địa bàn đã và sẽ trải qua nhiều sự kiện lễ hội lớn, thành phố cũng sắp mở rộng việc học trực tiếp đối với một số khối lớp, do vậy số ca F0 có thể sẽ tăng khi các hoạt động tập trung tăng lên.

Tuy nhiên, nếu số F0 tăng nhưng thành phố có thể dự đoán, nắm bắt tình hình để đưa ra phương án ứng phó trong tình hình mới.

Tính đến 18 giờ ngày 26/12, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận hơn 544 ca mắc COVID-19. thành phố đang điều trị 7.929 bệnh nhân, trong đó có 241 trẻ em dưới 16 tuổi, 403 bệnh nhân nặng đang thở máy, 16 bệnh nhân được can thiệp ECMO.

Cùng ngày, ngành Y tế ghi nhận hơn 436 bệnh nhân nhập viện và 543 bệnh nhân xuất viện, 30 trường hợp tử vong. Tổng số tử vong cộng dồn đến nay hơn 19.000 trường hợp. Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì dịch ở mức độ 2./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục