TP.HCM luân phiên cán bộ y tế giúp người dân vùng sâu, vùng xa

Việc luân phiên cán bộ y tế nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực ở một số bệnh viện tuyến dưới, nâng chất lượng khám chữa bệnh.
TP.HCM luân phiên cán bộ y tế giúp người dân vùng sâu, vùng xa ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực ở một số bệnh viện tuyến quận, huyện; giúp người nghèo, người dân vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được các dịch vụ y tế chất lượng cao và góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối là những ưu điểm của Đề án luân phiên cán bộ y tế mà Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai tại các bệnh viện trên địa bàn.

Đề án “Thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với cán bộ y tế tại cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2013-2020” (còn gọi tắt là Đề án luân phiên cán bộ y tế) được Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện từ tháng 12/2013 với 37 cán bộ hỗ trợ cho 2 bệnh viện quận (quận 6 và quận 9) và 4 bệnh viện huyện (huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Bình Chánh).

Hầu hết các cán bộ y tế được cử đi luân phiên là những người có trình độ chuyên môn cao về hồi sức cấp cứu, ngoại tổng quát, ngoại chấn thương chỉnh hình, nhi khoa, nội tổng quát, sản, nhiễm, mắt, tai mũi họng… Các cán bộ này đều có kinh nghiệm trong việc hỗ trợ chuyên môn, hướng dẫn thực hành.

Sau 6 tháng triển khai, tổng số lượt bệnh nhân được cán bộ luân phiên trực tiếp khám và điều trị ngoại trú là 37.000 lượt người. Cán bộ đi luân phiên đã thực hiện 104 ca phẫu thuật, chuyển giao kỹ thuật cho 120 cán bộ y tế cơ sở.

Lần đầu tiên trẻ em ở các huyện Củ Chi, Cần Giờ... được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2 khám chữa bệnh ngay tại cơ sở; các sản phụ sẽ được chăm sóc y tế từ các bác sĩ đến từ Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, Hùng Vương...

Một số bệnh viện đã ghi nhận được tỷ lệ chuyển viện giảm đáng kể sau khi thực hiện đề án. Riêng Bệnh viện Cần Giờ trước đây không có bàn khám nhi, song khi có Đề án luân phiên cán bộ, dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ đến từ Bệnh viện Nhi Đồng 2, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho gần 100 bệnh nhi; nhiều trường hợp cấp cứu, phẫu thuật về sản nhi và ngoại khoa được thực hiện ngay tại bệnh viện và tỷ lệ chuyển viện chỉ còn dưới 10%.

Với những kết quả khả quan từ Đề án này, ngày 3/7, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đợt 2 đề án, nhằm đảm bảo sự phát triển của các bệnh viện tuyến quận, huyện. Đợt này có 14 bác sĩ ở các bệnh viện chuyên khoa và bệnh viện thành phố được luân chuyển xuống các bệnh viện tuyến dưới.

Các cán bộ này sẽ về các bệnh viện quận 5, quận 8, quận 12, Gò Vấp, Củ Chi và các Trạm y tế phường 9 (quận 10), Trạm y tế xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) công tác. Các bác sĩ sẽ trực tiếp khám, chữa bệnh cho người dân và chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ y tế tuyến dưới. Theo Đề án luân phiên cán bộ y tế của thành phố, thời gian luân chuyển tối thiểu là 12 tháng.

Bên cạnh việc hỗ trợ nhân lực, mới đây, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cho Ban Khảo sát hài lòng người bệnh thuộc Hội đồng Quản lý chất lượng khám, chữa bệnh thực hiện khảo sát sự hài lòng người bệnh tại khoa khám bệnh, khu điều trị nội trú của các bệnh viện quận, huyện nhằm chủ động nắm bắt những bức xúc về giao tiếp ứng xử, y đức, cách tổ chức dịch vụ khám chữa bệnh, chuyên môn kỹ thuật và các điều kiện thực hiện công tác khám chữa bệnh.

Các giải pháp trên đang được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến hoạt động khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến quận, huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục