TP.HCM thông tin về vấn đề vaccine cho trẻ em và bắn pháo hoa dịp 30/4

Theo thông tin vừa được công bố, gần 100.000 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ở TP.HCM đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 và dịp 30/4, thành phố sẽ bắn pháo hoa tại hai địa điểm.
TP.HCM thông tin về vấn đề vaccine cho trẻ em và bắn pháo hoa dịp 30/4 ảnh 1(Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN)

Chiều tối 21/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố.

Nhiều nội dung liên quan việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và các hoạt động kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của thành phố được đại diện các cơ quan chức năng thông tin.

Đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 93.500 trẻ

Thông tin về việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bà Lê Thị Huỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tính đến ngày 20/4, thành phố đã tiêm cho 93.562 trẻ. Bên cạnh đó, có 1.798 trẻ hoãn tiêm do đã mắc COVID-19 và chưa đủ thời gian để tiêm vaccine.

Ngoài ra, có 458 trẻ được chỉ định chuyển đến bệnh viện để tiêm do có bệnh nền hoặc có cơ địa béo phì. Các trường hợp trẻ có phản ứng sau tiêm đều được được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hiện sức khoẻ ổn định. Công tác tổ chức tiêm chủng diễn ra trật tự, an toàn, đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.

Về trường hợp của một số phụ huynh có con học tiểu học nhưng chưa có mã định danh, mong muốn được tiêm, bà Lê Thị Huỳnh Như cho biết ngành y tế sẵn sàng hỗ trợ cho các cháu được tiêm. Trong quá trình tiêm, cơ quan chức năng sẽ ghi nhận lại thông tin của trẻ để tiêm xong thì tiến hành cấp mã định danh sau.

[TP.HCM: Cảnh báo hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ sau mắc COVID-19]

Bà Lê Thị Huỳnh Như khuyến nghị phụ huynh, gia đình của trẻ trong trường hợp sau khi tiêm vaccine trẻ bị sốt cao, đau nhức tay nhưng chưa liên hệ được số điện thoại đã cung cấp thì có thể gọi đến tổng đài 1022 nhánh 3.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Như, kênh này có sự tham gia tình nguyện của đội ngũ bác sỹ, giáo sư, phó giáo sư đầu ngành, giàu kinh nghiệm thuộc Hội Y học và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và dịch tễ học của các bệnh viện thành phố.

Đội ngũ này sẽ tư vấn tất cả các ngày trong tuần, buổi sáng từ 8 giờ đến 12 giờ, buổi chiều từ 14 giờ đến 16 giờ, buổi tối từ 19 giờ đến 21 giờ.

Về việc có nên xem bệnh COVID-19 như bệnh đặc hữu, bà Lê Thị Huỳnh Như cho biết hiện nay số ca mắc mới và chuyển nặng của Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm sâu, nhiều ngày gần đây không ghi nhận ca tử vong. Điều này cho thấy hiệu quả của công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đã tạo được miễn dịch trong cộng đồng; đồng thời, thấy được hiệu quả của chiến dịch bảo vệ nhóm người có nguy cơ.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thận trọng khả năng dịch bùng phát khi xuất hiện biến chủng mới. Về việc công nhận bệnh dịch thành bệnh truyền nhiễm thành bệnh đặc hữu thì phải ở cấp độ quốc gia, châu lục chứ không phải dựa vào tình hình dịch ở một địa phương. Việc này sẽ do Bộ Y tế đánh giá,” bà Như thông tin.

Bắn pháo hoa tại hai địa điểm dịp 30/4

Về kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố sẽ bắn pháo hoa nghệ thuật vào tối 30/4 (từ 21 giờ đến 21 giờ 15 phút) tại hai địa điểm.

TP.HCM thông tin về vấn đề vaccine cho trẻ em và bắn pháo hoa dịp 30/4 ảnh 2Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bắn pháo hoa nghệ thuật vào tối 30/4 (từ 21 giờ đến 21 giờ 15 phút) tại hai địa điểm. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Điểm bắn pháo tầm cao được tổ chức tại khu vực đầu hầm sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức) với 1.500 quả pháo hoa tầm cao, 30 giàn pháo hoa tầm thấp và 10 giàn pháo hoa hỏa thuật.

Điểm bắn tầm tầm thấp được tổ chức tại Công viên Văn hóa Đầm Sen, số lượng 90 giàn pháo hoa tầm thấp, 30 giàn pháo hoa hỏa thuật, 1.000 ống tầm thấp và hỏa thuật. Ngoài ra, còn có chương trình trang trí ánh sáng nghệ thuật đường phố, chủ yếu tập trung tại trục đường Lê Duẩn (quận 1).

Trước đó, trong năm 2021, Thành phố Hồ Chí Minh đã 4 lần không tổ chức bắn pháo hoa vào các dịp 30/4, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán nhằm hạn chế tụ tập đông người trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức Ngày hội “Non sông thống nhất” nhằm kỷ niệm ngày 30/4 với những hoạt động chính gồm: Triển lãm kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 136 năm Ngày Quốc tế Lao động, dự kiến diễn ra vào ngày 27/4; Lễ viếng Nghĩa trang Liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 29/4; Lễ dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (quận 4) vào ngày 29/4.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh còn tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ và thể dục thể thao như: chương trình biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 136 năm ngày Quốc tế Lao động vào đêm 29/4; Giải Việt dã truyền thống 30/4 lần thứ 46 vô địch Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng năm 2022…

Tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cũng sẽ lần lượt diễn ra 10 chương trình biểu diễn nghệ thuật trong hai đêm (30/4 và 1/5)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục