Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, trong tuần sau, Bộ Giao thông Vận tải sẽ họp bàn với địa phương về phương án giảm phí cũng như triển khai thu phí trở lại với trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang) trong thời gian sớm nhất.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ đánh giá việc triển khai thực hiện các dự án BOT giao thông và giải quyết các tồn tại, bất cập vào ngày 8/11 vừa qua, với dự án BOT Cai Lậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải làm việc với địa phương nghiên cứu triển khai theo phương án 1 (giữ nguyên trạm thu phí, giảm mức phí cho các phương tiện khu vực lân cận) để tránh ảnh hưởng dây chuyền đến các dự án khác.
[BOT Cai Lậy: 'Phương án giữ nguyên trạm và giảm sâu mức thu là tối ưu’]
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công an phối hợp với địa phương đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu phí, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình chống đối, quậy phá, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật.
“Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến trong tuần sau Bộ Giao thông Vận tải sẽ họp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang về phương án giảm phí chung cho tất cả các phương tiện, mở rộng vùng giảm phí cho các phương tiện khu vực lân cận trạm Cai Lậy… báo cáo Chính phủ để triển khai thực hiện,” Thứ trưởng Nhật cho hay.
Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất 2 phương án xử lý với BOT Cai Lậy. Phương án 1 giữ nguyên vị trí trạm hiện tại, tiếp tục giảm giá chung cho tất cả các phương tiện qua trạm khoảng 30% so với ban đầu. Các phương tiện nhóm 1 (xe 4 chỗ) sẽ giảm từ 25.000 đồng/lượt xuống còn 15.000 đồng/lượt. Đây là mức thu thấp nhất trong tất cả các dự án BOT trên Quốc lộ 1 hiện nay.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải cũng tính toán mở rộng phạm vi miễn giảm giá cho các phương tiện vùng lân cận. Đối với thị xã Cai Lậy sẽ áp dụng miễn giảm thêm xã Long Khánh và phường 2. Đối với huyện Cái Bè giảm thêm xã An Cư, xã Mỹ Hội. Giảm giá 100% cho các loại xe buýt và các loại phương tiện không sử dụng để kinh doanh; giảm 50% cho các loại phương tiện sử dụng để kinh doanh. Với phương án này, thời gian hoàn vốn đầu tư dự án khoảng 15 năm 9 tháng.
[Thủ tướng chủ trì họp Thường trực Chính phủ về các dự án BOT]
Phương án 2, lập thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả 2 trạm. Trạm trên Quốc lộ 1 sẽ thu giá 15.000 đồng/lượt, trạm trên tuyến tránh thu giá 25.000 đồng/lượt đối với các phương tiện nhóm 1.
Liên quan đến vấn đề này, theo lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, trạm thu phí BOT Cai Lậy đã dừng hoạt động hơn một năm, trong thời gian đó doanh nghiệp dự án vẫn duy trì bộ máy quản lý, người lao động và hàng tháng vẫn phải trả lãi vay thực hiện dự án cho ngân hàng với số tiền gần 10 tỷ đồng/tháng.
“Đến nay nguồn tài chính của doanh nghiệp dự án gần như cạn kiệt khó có thể duy trì doanh nghiệp hoạt động, công tác duy tu bảo trì dự án không đảm bảo và nguồn vay thực hiện dự án có nguy cơ cao bị chuyển thành nợ xấu,” lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang nhấn mạnh./.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy được lập ra để hoàn vốn cho dự án cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km Quốc lộ 1 qua Tiền Giang, đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1km với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Dự án do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang làm chủ đầu tư.
Từ 1/8/2017, BOT Cai Lậy chính thức thu phí. Tuy nhiên, trạm thu phí này vấp phải sự phản đối của người dân vì cho rằng đặt trạm BOT trên Quốc lộ 1 thu phí cho tuyến tránh là bất hợp lý. Họ dùng tiền lẻ, tiền xu…trả phí để cố tình kéo dài thời gian, buộc phải xả trạm và dừng thu phí cho đến nay.