Trao giải thưởng “Giọt hồng” về phong trào hiến máu tình nguyện

Ngày 13/11, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức buổi lễ trao giải thưởng “Giọt hồng” cho 12 cá nhân và 15 tập thể có thành tích nổi bật trong phong trào hiến máu tình nguyện.
Trao giải thưởng “Giọt hồng” về phong trào hiến máu tình nguyện ảnh 1Các cá nhân được trao tại giải thưởng Giọt hồng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 13/11, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức buổi lễ trao giải thưởng Giọt hồng cho 12 cá nhân và 15 tập thể tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có thành tích nổi bật trong phong trào hiến máu tình nguyện.

Giải thưởng Giọt hồng là sáng kiến của Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương nhằm tri ân, ghi nhận và biểu dương những đóng góp quý báu, thiết thực của các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức hiến máu, phát triển và duy trì ổn định nguồn máu an toàn.

[Cần 90.000 đơn vị máu để phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị]

Các cá nhân được trao tặng giải thưởng này như Ông Shim Won Hwan - Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam, bà Lê Nhật Thùy - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, ông Nguyễn Văn Dung - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Văn Cơ – Bí thư đoàn thanh niên Bộ Tài chính…

Tiến sỹ Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho hay, năm 2018, tiếp nhận trên 320.000 đơn vị máu. Trong đó, 65% lượng máu của Viện tiếp nhận từ Hà Nội, phần còn lại là từ các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Thậm chí, nhiều thời điểm khan hiếm Viện phải tiếp nhận máu từ các tỉnh khu vực miền Trung Tây nguyên như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Phú Yên…. để cung cấp đáp ứng nhu cầu máu cho điều trị của hơn 150 bệnh viện khu vực phía Bắc, nhờ đó đã có hàng trăm ngàn người bệnh được cứu sống.

Dự kiến năm 2019, Viện sẽ tiếp nhận được tối thiểu 350.000 đơn vị máu. Ước tính riêng trong 3 tháng cuối năm và Tết Nguyên đán (từ tháng 12/2018 - tháng 2/2019), Viện cần tối thiểu 90.000 đơn vị máu để phục vụ cho nhu cầu cấp cứu và điều trị.

Những năm qua, phong trào hiến máu đã phát triển rộng khắp, trong đó vai trò của các nhà lãnh đạo, các nhà quản lý không chỉ khuyến khích mà còn tạo điều kiện, kêu gọi cán bộ, nhân viên, người lao động, sinh viên, người dân của đơn vị mình hiến máu.

“Nhiều lãnh đạo và các nhà quản lý đã trực tiếp hiến máu nhiều lần, vận động gia đình, bạn bè cùng hiến máu. Hình ảnh 3 nữ phó giáo sư –Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại Thương năm nào cũng tham gia hiến máu trong suốt gần 10 năm qua; Hình ảnh của các đồng chí Lãnh đạo Samsung Việt Nam bao giờ cũng hiến máu đầu tiên để nêu gương và sau đó có hàng chục ngàn cán bộ, nhân viên người Hàn Quốc và Việt Nam cùng hiến máu vào mỗi dịp Hè hàng năm. Đó còn là hình ảnh các bác, các anh chị cán bộ Chữ thập Đỏ các cấp, có người đã nghỉ hưu hàng chục năm, mái tóc đã bạc trắng nhưng vẫn đến từng hộ gia đình, từng khu phố trên địa bàn mình để vận động hiến máu…,” Viện trưởng Bạch Quốc Khánh bày tỏ.

Trong 10 năm tổ chức (2008 - 2017), giải thưởng đã được xét tặng và trao cho 78 tập thể, đơn vị thuộc các khối quận/huyện, xã/phường, trường học, cơ quan hành chính sự nghiệp/doanh nghiệp, hội/câu lạc bộ/tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang, đơn vị đồng hành và 20 cá nhân đồng hành với hoạt động hiến máu.

Giải thưởng Giọt hồng đã trở thành giải thưởng tôn vinh nét đẹp của lòng nhân ái và trách nhiệm, sự tâm huyết vì cộng đồng, được các tập thể, các cá nhân quan tâm và phấn đấu đạt được./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục