Trẻ em lên tiếng về an toàn giao thông cho người đi bộ

Theo ngành y tế Việt Nam ghi nhận, trung bình mỗi ngày có 5 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm từ 24 – 26% tổng số trẻ em chết do tai nạn thương tích.
Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong tình hình hệ thống giao thông đang quá tải ở Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

“Hàng ngày em phải đi bộ đến trường, mất khoảng 15 phút. Vào giờ đi học và giờ ra về có rất nhiều xe cộ và bạn bè cùng đi nên thường bị kẹt xe. Em và các bạn đi trên vỉa hè nhưng nhiều khi phải xuống đường đi, những lúc xe cộ qua lại nhiều, đặc biệt là xe tải lớn, em cảm thấy rất sợ. Nhiều bạn khác cũng có cảm giác giống em, nhưng tụi em phải đi, đi riết rồi quen mặc dù em biết rất nguy hiểm,” em Nguyễn Ngọc Mai Anh, học sinh lớp 6/1 trường Trung học cơ sở Phước Bình, quận 9 (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẽ.

Mỗi ngày, 5 trẻ tử vong vì tai nạn giao thông

Theo số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia trong năm 2013, trên cả nước xảy ra 29.108 vụ tai nạn giao thông đường bộ, gây ra 9.156 ca tử vong và 29.441 ca bị thương. Ước tính, người đi bộ, điều khiển xe đạp và xe máy chiếm 80% các ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ.

Riêng trẻ em, theo ngành y tế Việt Nam ghi nhận, trung bình mỗi ngày có 5 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông, chiếm từ 24 – 26% tổng số trẻ em chết do tai nạn thương tích. Một khảo sát của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) tại tỉnh Đồng Nai cho thấy xấp xỉ 6.952 học sinh tiểu học trong tỉnh này từng bị thương do tai nạn giao thông khi đang đi bộ đến trường và từ trường về nhà. Thêm vào đó, tại Bệnh viện nhi đồng tỉnh Đồng Nai, 1/4 các ca thương tích do va chạm giao thông đều là trẻ em đi bộ. Ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, tất cả các ca người đi bộ thương tích đều dưới 16 tuổi.

Việc giáo dục thường xuyên sẽ giúp tăng cường nhận thức và hành vi của trẻ em về an toàn đi bộ. (Ảnh: TTXVN)

Trong số các nguyên nhân gây ra tử vong cho trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 14 thì tai nạn giao thông đường bộ đứng thứ 2. Những kết quả của điều tra này cho thấy vấn đề an toàn giao thông cho trẻ em đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo cấp thiết, đòi hỏi phải có sự quan tâm của toàn thể xã hội nhằm bảo vệ sự an toàn cho trẻ em – thế hệ tương lai của đất nước.

Cần nhiều nỗ lực hơn để bảo vệ an toàn đường bộ cho trẻ em

“Tai nạn giao thông là một trong những rủi ro có nguy cơ cao đối với quá trình trưởng thành và phát triển của mỗi trẻ em, và là một trong những trở lực cần phải khắc phục trên con đường phát triển đất nước. Tạo dựng một môi trường giao thông an toàn, thân thiện đối với trẻ em là điều kiện tiên quyết để ngăn ngừa rủi ro tai nạn giao thông, là cơ sở để giáo dục và hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn cho các em và là nhiệm vụ chung của mỗi người lớn, mỗi tổ chức, không phân biệt đó là cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ hay doanh nghiệp,” tiến sĩ Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia chia sẽ tại lễ công bố chương trình Đi bộ An toàn diễn ra tại quận 9 (Thành phố Hồ Chí Minh) vừa qua.

Chương trình Đi bộ An toàn do Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP), kết hợp cùng Công ty chuyển phát nhanh FedEx và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức. Đây là một trong những chương trình lâu dài và bài bản nhất nhằm giáo dục về an toàn giao thông và cải thiện môi trường đi bộ cho trẻ em.

Nằm trong kế hoạch dài hạn của chương trình, AIP vừa mới phát động cuộc thi "Những tấm ảnh biết nói" nhằm cung cấp kiến thức và kỹ năng đi bộ an toàn cho gần 12.000 học sinh trung học cơ sở tại quận 9, giúp các em thể hiện ý kiến của mình về môi trường sống và điều kiện giao thông xung quanh và trình bày suy nghĩ, kiến nghị của mình lên các cơ quan ban ngành các cấp liên quan thông qua những “tấm hình biết nói” mà các em tự chụp được. 

Trong khuôn khổ cuộc thi, những tấm hình và đề xuất giải pháp cải thiện môi trường đi bộ an toàn xung quanh các trường học của các em sẽ được trình bày tại lớp, tại trường và sang tháng 5/2015, nhân sự kiện Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ ba do Liên hợp quốc tổ chức với chủ đề “Trẻ em và an toàn đường bộ”, các em sẽ cùng hòa mình với trẻ em trên toàn thế giới cất tiếng nói của mình kêu gọi hành động của mỗi người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp vì sự an toàn của trẻ em trên đường tới trường.

Dự án “Những tấm ảnh biết nói” sẽ giúp 48 em học sinh nòng cốt đến từ 12 trường trung học cơ sở của quận 9 hoàn thiện kỹ năng và kiến thức để trở thành đại sứ  trẻ tuổi cho chương trình Đi bộ an toàn. Các em được tham gia những buổi tập huấn kiến thức, kỹ năng đi bộ an toàn, kỹ năng chụp ảnh, kỹ năng thuyết trình.

Với vai trò là đại sứ của chương trình, các em sẽ có ảnh hưởng tích cực lên các bạn cùng lớp, cùng trường, thu hút sự tham gia của các bạn vào việc đề xuất các giải pháp cải thiện môi trường đi bộ an toàn xung quanh và vận động sự ủng hộ của cộng đồng và các cấp chính quyền,” bà Bùi Thị Diễm Hồng, đại diện của Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) nói.

“Thông qua hoạt động của cuộc thi này, chúng tôi hy vọng nhận thức và hành vi của các em học sinh, gia đình các em và cộng đồng xung quanh về an toàn đi bộ sẽ được nâng cao. Và khi những đề xuất giải pháp cải thiện môi trường xung quanh trường học của các em được triển khai, điều này không những mang lại sự an toàn hơn cho toàn bộ học sinh mà còn khiến các bậc phụ huynh an tâm hơn khi con em mình tự đi bộ đến trường,” bà Hồng chia sẻ thêm.

Nhấn mạnh vào vai trò bảo vệ an toàn giao thông cho trẻ em là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, không phân biệt đó là cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ hay doanh nghiệp, ông Khuất Việt Hùng đánh giá cao chương trình “Đi bộ An toàn” nói chung và cuộc thi "Những tấm ảnh biết nói" nói riêng mà Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cùng tham gia tổ chức thực hiện thí điểm với sự hỗ trợ về mặt tài chính, kỹ thuật, và sáng kiến của công ty FedEx Việt Nam và Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao nhận thức, kỹ năng và cải thiện điều kiện giao thông, tăng cường an toàn cho trẻ em khi đi bộ tới trường.

Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ có đánh giá, tổng kết để nhân rộng trong cả nước những mô hình như vậy nhằm chỉ đạo các Ban An toàn Giao thông địa phương tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ  nhằm làm tốt hơn công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung, đem lại an toàn và hạnh phúc cho người tham gia giao thông, đặc biệt là cho các thế hệ tương lai của đất nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục