Triển khai điều trị thay thế bằng Methadone tại 30 tỉnh

Ban Tuyên giáo TW và Bộ Y tế tổ chức hội nghị “Vận động triển khai chương trình điều trị thay thế bằng Methadone” tại 30 tỉnh, thành phố.
Ngày 14/8, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức hội nghị “Vận động triển khai chương trình điều trị thay thế bằng Methadone.”

Mục đích của hội nghị nhằm tạo sự đồng thuận trong việc triển khai điều trị thay thế bằng Methadone tại 30 tỉnh, thành phố trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS. Qua đó, chương trình đảm bảo đến năm 2015 cung cấp dịch vụ điều trị thay thế bằng Methadone cho 80.000 người tại 30 tỉnh, thành phố.

Việt Nam hiện có 170.000 người sử dụng ma túy có hồ sơ quản lý và 200.000 người bị nhiễm HIV đang sống. Qua 5 năm triển khai chương trình điều trị thay thế bằng Methadone, toàn quốc hiện có 61 cơ sở điều trị Methadone tại 30 tỉnh, thành phố, với tổng số bệnh nhân gần 14.000 người.

Quá trình điều trị cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị đạt 93%; không có bệnh nhân nào tử vong do điều trị quá liều hoặc do tác dụng phụ của thuốc. Sau 24 tháng điều trị, tỷ lệ bệnh nhân tham gia điều trị sử dụng ma túy đã giảm chỉ còn 14%; tỷ lệ nhiễm HIV mới trong bệnh nhân tham gia điều trị là 0,5%. Tỷ lệ bệnh nhân còn sử dụng chung bơm kim tiêm đã giảm hẳn và tỷ lệ sử dụng bao cao su thường xuyên tăng lên theo thời gian điều trị.

Tình trạng bệnh nhân xung đột với gia đình cũng giảm nhanh xuống còn 2%; tỷ lệ vi phạm pháp luật giảm xuống còn hơn 1%; tỷ lệ có việc làm đạt gần 76%. Chương trình điều trị thay thế bằng Methadone cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao với quy mô điều trị 250 bệnh nhân/cơ sở điều trị, chi phí trung bình chỉ khoảng 15.000 đồng/người/ngày (trong khi trung bình 1 người sử dụng ma túy tiêu tốn 230.000 đồng/ngày).

Tuy nhiên, chương trình điều trị thay thế bằng Methadone đang gặp phải một số khó khăn. Đó là chưa có sự đồng thuận, phối hợp cao giữa các ban, ngành, địa phương trong việc triển khai chương trình. Nguồn lực tài chính cho chương trình đang có nguy cơ thiếu hụt. Thiếu sự đồng bộ trong hệ thống quy phạm điều chỉnh người nghiện ma túy. Chưa chủ động được nguồn thuốc Methadone...

Thời gian tới, các ngành, các cấp, đặc biệt là 30 tỉnh, thành phố trọng điểm về ma túy sẽ tăng cường nguồn lực tài chính cho chương trình từ ngân sách trung ương, địa phương và xã hội hóa. Các văn bản quy phạm pháp luật sẽ được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Công tác đào tạo y, bác sĩ, cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này sẽ được chú trọng. Đặc biệt, ngành y tế sẽ thực hiện đấu thầu mua Methadone, đẩy nhanh việc sản xuất thuốc tại Việt Nam và đa dạng hóa mô hình điều trị.

Trước đó, các đại biểu tham dự hội nghị đã có chuyến đi thực tế tại 2 cơ sở điều trị Methadone của thành phố Đà Nẵng./.

Đỗ Trưởng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục