Triển lãm CES 2022: Khi vũ trụ ảo hiện hữu trong thế giới thực

Metaverse là một chủ đề nóng tại CES năm nay, khi các công ty khởi nghiệp trình diễn các xu hướng công nghệ tương lai với nhiều thiết bị hứa hẹn trải nghiệm thú vị cho người dùng trong thế giới ảo.
Triển lãm CES 2022: Khi vũ trụ ảo hiện hữu trong thế giới thực ảnh 1Nhân viên sắp xếp một gian hàng tại CES 2022 ở Las Vegas (Mỹ), ngày 4/1/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Một chiếc áo khoác được trang bị các cảm biến cho phép người mặc cảm thấy mình đang được ôm chặt hoặc thậm chí giáng cho đối thủ một cú đấm trong môi trường thực tế ảo là một trong những sự đổi mới mang lại cho Metaverse (vũ trụ ảo) một lợi thế rõ ràng hơn tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES) 2022 đang diễn ra tại Las Vegas (Mỹ).

Metaverse được biết đến như một tập hợp các ứng dụng thực tế ảo đa người dùng, được kết nối để cho phép mọi người xây dựng môi trường ảo và điều khiển hình đại diện.

Đây cũng là một chủ đề nóng tại CES năm nay, trong bối cảnh các công ty khởi nghiệp mang tới sự kiện trình diễn những xu hướng công nghệ của tương lai này những chiếc máy tính, tai nghe và nhiều thiết bị khác, hứa hẹn sẽ cống hiến nhiều trải nghiệm thú vị cho người dùng trong thế giới ảo.

Công ty khởi nghiệp Owo có trụ sở tại Tây Ban Nha quảng cáo rằng chiếc áo khoác của công ty này có thể khiến người mặc choáng ngợp, dù là trong trò chơi điện tử hay trong metaverse, cho phép họ cảm nhận về "tiếng súng nổ, một cơn gió, ai đó đang nắm vào cánh tay và thậm chí là một cái ôm trìu mến từ một người thân yêu."

Chiếc áo khoác bó sát có các dải băng dính vào da của người dùng và các cảm biến đồng bộ hóa với ứng dụng di động. Trước khi đeo tai nghe thực tế ảo, người dùng có thể chọn cường độ của từng cảm giác.

Ông Jose Fuertes, người sáng lập công ty Owo, cho biết: "Nhiệm vụ của chúng tôi là biến thế giới ảo thành hiện thực với lớp da thứ hai, bổ sung những nhận thức về xúc giác trong metaverse hoặc trò chơi điện tử." Trang phục của Owo dự kiến có giá khoảng 450 USD khi tung ra thị trường vào cuối năm 2022.

Thực tế ảo chủ yếu được sử dụng cho các trò chơi điện tử, mặc dù tiềm năng của công nghệ này có thể giúp cung cấp cho người dùng nhiều trải nghiệm khác nữa, như đến thăm viện bảo tàng, những địa điểm du lịch xa xôi trong khi họ chỉ cần ngồi tại nhà và chăm chú theo dõi như khi đang xem một bộ phim vậy.

Nhà sáng lập, đồng thời là Giám đốc công ty Touchcast - ông Edo Segal - khẳng định xu hướng Metaverse là “không thể ngăn cản.” Touchcast đã giới thiệu một nền tảng dành cho sự hợp tác của các công ty trong thực tế ảo, với phần tên miền là ".metaverse" tương tự như tên miền “.com” của các địa chỉ web thông dụng hiện này.

[Khai mạc Triển lãm Điện tử tiêu dùng 2022 tại thành phố Las Vegas]

Tuy nhiên, tên miền “.metaverse” sẽ được đăng ký trên cơ sở dữ liệu blockchain, thay vì trên các máy chủ. Ông Segal cho biết: "Vào năm 1999, thật khó để tin rằng mọi người sẽ mua sắm trực tuyến. Nhưng hãy nhìn xem chúng ta đang ở đâu ngày hôm nay, nhân loại đang dịch chuyển theo xu hướng nào."

Các báo cáo cho thấy doanh số bán thiết bị thực tế ảo đã được thúc đẩy trong đại dịch COVID-19 khi người dân thế giới dựa vào internet để chơi game, làm việc, học tập và giao lưu.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu hạn chế sự di chuyển của mọi người, anh Takuma Iwasa đã dành những ngày cuối tuần trên nền tảng thực tế ảo, nơi mọi người trò chuyện và tiệc tùng trong một thế giới ảo với hình đại diện làm proxy của họ. Proxy đóng vai trò là cánh cửa để kết nối người dùng và Internet.

Khi năm 2020 sắp kết thúc, doanh nhân trẻ người Nhật Bản này lại tập trung vào những cách thức giúp chuyển động chân hoặc thân của ai đó có thể được phản chiếu bằng hình đại diện và các giải pháp khiến những “chuyến đi” đến thế giới ảo trở nên thực tế hơn.

Công ty khởi nghiệp Shiftall của anh Iwasa - một công ty con của Panasonic - đã mang tới CES 2022 loại kính thực tế ảo nhẹ và có độ phân giải cao. Dự kiến sẽ được tung ra thị trường vào mùa Xuân năm nay, chiếc kính này có tích hợp cảm biến phát hiện chuyển động của cơ thể để điều khiển hình đại diện ảo trên màn hình.

Kính cũng có một micro cho phép người dùng trò chuyện riêng tư với những người khác trong thế giới ảo, đồng thời thay đổi nhiệt độ tuỳ thuộc vào môi trường người dùng đang ở.

Triển lãm CES 2022: Khi vũ trụ ảo hiện hữu trong thế giới thực ảnh 2Màn hình chơi game khổng lồ Odyssey Ark của Samsung được giới thiệu tại CES 2022 ở Las Vegas (Mỹ), ngày 5/1/2022. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Trong khi đó, công ty khởi nghiệp Wearable Devices của Israel cũng giới thiệu tại CES 2022 một vòng đeo tay có thể phát hiện tín hiệu điện từ do não gửi đến tay. Chỉ bằng một cái búng tay, người đeo chiếc vòng tay này có thể kiểm soát những thứ đã được đồng bộ hóa trước đó. Chức năng này thực sự hữu ích khi người sử dụng kính thực tế tăng cường và cần chọn các mục hiển thị trên kính.

Tất nhiên, Metaverse cũng vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn hảo. Tuy các công ty như Meta và HTC đã đầu tư rất nhiều vào tai nghe thực tế ảo, nhưng những thiết bị này vẫn bị đánh giá là chưa đủ nhẹ và thoải mái để sử dụng trong một thời gian dài.

Ông Paddy Cosgrave - nhà sáng lập hội nghị công nghệ lớn nhất châu Âu Web Summit - cho biết: "Tôi là một người rất yêu thích thực tế ảo và thực tế tăng cường, nhưng tôi phải thừa nhận rằng chúng ta vẫn còn ở rất xa những điều thú vị của Metaverse." Theo dự đoán của ông Cosgrave, thế giới sẽ phải chờ hơn 10 năm nữa để Metaverse trở thành hiện thực.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia cũng đã cảnh báo về nguy cơ hàng giả xuất hiện trong Metaverse khi thị trường này phát triển. Theo các chuyên gia, các mặt hàng làm giả sẽ có thể gây ra những thông tin sai lệch, quấy rối người dùng và gây mất liên lạc với thế giới thực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục