Triển vọng đàm phán Mỹ-Triều sau các động thái mới của hai bên

Mỹ và Triều Tiên bày tỏ hy vọng có nhiều cuộc đàm phán nữa, song sự không chắc chắn đã gia tăng khi có những lời khó nghe từ Washington và những nghi ngờ về cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.
Triển vọng đàm phán Mỹ-Triều sau các động thái mới của hai bên ảnh 1Hình ảnh do vệ tinh của công ty Digital Globe chụp vào ngày 22/2/2019 cho thấy hoạt động tại phóng Sanumdong của Triều Tiên. (Ảnh: WFSB/ TTXVN)

Theo hãng tin Yonhap, kể từ khi Hội nghị thượng đỉnh Hà Nội không đạt được thỏa thuận, Mỹ và Triều Tiên đã bày tỏ hy vọng có nhiều cuộc đàm phán nữa, song sự không chắc chắn đã gia tăng khi có những lời khó nghe từ Washington và những nghi ngờ về cam kết phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Hàn Quốc đã và đang đóng vai trò "trung gian" để giữ cho các cuộc đàm phán hạt nhân khỏi "trật bánh," tuyên bố sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Mỹ và tăng cường hợp tác liên Triều với niềm tin rằng mối quan hệ tốt hơn với Triều Tiên có thể giúp ngăn chặn sự đình trệ trong quá trình phi hạt nhân hóa.

Hội nghị thượng đỉnh tuần trước tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ dẫn tới một thỏa thuận phi hạt nhân hóa khác sau thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim đầu tiên ở Singapore hồi tháng 6/2018.

Tuy nhiên, lịch trình 2 ngày đàm phán đột ngột bị cắt ngắn và kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Ngay sau Hội nghị thượng đỉnh này, Trump đổ lỗi cho Bình Nhưỡng khi đòi dỡ bỏ "toàn bộ" các lệnh trừng phạt trong khi đề xuất phi hạt nhân hóa các khu vực "ít quan trọng hơn" so với yêu cầu của Mỹ.

Sau đó, các quan chức Triều Tiên đã bác bỏ tuyên bố của Mỹ và đáp lại rằng họ chỉ yêu cầu nới lỏng một phần các lệnh trừng phạt và sẵn sàng phá hủy vĩnh viễn tất cả các cơ sở phân hạch tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon của nước này với sự thanh sát của các chuyên gia Mỹ.

Washington dường như đang tăng cường cảnh báo về các biện pháp trừng phạt mới. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton, người được biết đến với quan điểm diều hâu đối với Triều Tiên, gần như ngày nào cũng yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn kèm theo lời cảnh báo sẽ có thêm lệnh trừng phạt nếu Triều Tiên không thực hiện.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CBS được phát sóng hôm 3/3, Bolton nói rằng Triều Tiên đã đưa ra một "sự nhượng bộ rất hạn chế" liên quan đến tổ hợp hạt nhân Yongbyon.

Quan chức này nhấn mạnh rằng chính các biện pháp trừng phạt đã đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán và Mỹ sẽ giữ nguyên các lệnh trừng phạt này cho đến khi Triều Tiên hoàn tất phi hạt nhân hóa.

Ông Bolton tuyên bố: "Chúng tôi duy trì chiến dịch gây áp lực tối đa ngay cả trước Hội nghị thượng đỉnh và chúng tôi đang tìm cách thắt chặt nó để ngăn chặn, ví dụ như các vụ chuyển hàng bằng tàu biển mà Triều Tiên đang làm để trốn tránh các lệnh trừng phạt. Và chúng tôi cũng sẽ trao đổi với các nước khác để đảm bảo việc thắt chặt trừng phạt Triều Tiên. Chính các biện pháp trừng phạt đã đưa Triều Tiên tới bàn đàm phán và đó là các biện pháp trừng phạt mà họ muốn dỡ bỏ và họ có thể đạt được điều đó nếu họ phi hạt nhân hóa."

[5 lựa chọn cho ông Kim Jong-un sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2]

Mỹ cũng bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đàm phán khi Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng ông hy vọng sẽ cử một nhóm chuyên viên đến Bình Nhưỡng trong những tuần tới.

Ông Pompeo nói: "Mặc dù tôi chưa cam kết song tôi hy vọng chúng tôi sẽ quay lại đàm phán. Sẽ có một nhóm chuyên viên đến Bình Nhưỡng trong hai tuần tới để tiếp tục đàm phán nhằm tìm kiếm những điểm hai bên có chung mối quan tâm."

Trong khi đó, sau sự kiện tại Hà Nội, Triều Tiên dường như đang đi hai "nước cờ": Một mặt, các phương tiện truyền thông nhà nước mô tả Hội nghị thượng đỉnh tuần trước là thành công và kiềm chế chỉ trích Mỹ; Mặt khác lại cho thấy các dấu hiệu đáng lo ngại, như gia tăng các hoạt động tại các cơ sở thử vũ khí quan trọng, như bãi thử tên lửa tầm xa Dongchang-ri.

Một ngày sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thất bại, Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Kim và Trump đã đồng ý tiếp tục "đối thoại hữu ích," đồng thời tuyên bố thêm rằng đối thoại là cơ hội quan trọng để tăng cường sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau giữa hai nhà lãnh đạo.

Ngày 7/3, Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên cũng phát sóng một bộ phim tài liệu về Hội nghị thượng đỉnh này, tái khẳng định sự sẵn sàng tiếp tục đàm phán.

Tuy nhiên, về phía Triều Tiên, không phải tất cả các phản ứng là tích cực. Ngay sau Hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui nói với các phóng viên rằng Triều Tiên có thể sẽ phải suy nghĩ lại về các cuộc đàm phán hạt nhân, bày tỏ rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như thất vọng bởi thái độ của Mỹ.

Trong khi đó, Cơ quan Tình báo Hàn Quốc cho biết họ đã phát hiện các dấu hiệu Triều Tiên khôi phục một phần cơ sở Dongchang-ri, còn được gọi là Trạm phóng vệ tinh Sohae, cơ sở đã bị dỡ bỏ một phần hồi năm ngoái.

Một trang web của Mỹ chuyên theo dõi Triều Tiên (38 độ Bắc) cũng trích dẫn hình ảnh chụp từ vệ tinh thương mại hôm 6/3 cho thấy "Sohae dường như đã trở lại trạng thái hoạt động bình thường."

Trump đã lên tiếng bày tỏ lo ngại, nói rằng ông sẽ "thất vọng" nếu các tin tức trên là đúng. Nhiều nhà phân tích nhìn nhận các động thái của Triều Tiên, ngay cả khi được xác nhận, như một chương trình được dàn dựng để gây áp lực lên Mỹ chứ không phải để kích hoạt lại chương trình vũ khí của nước này.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều mối lo ngại rằng thế bế tắc kéo dài này có thể làm mờ đi triển vọng về các cuộc đàm phán hạt nhân trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục