Triển vọng lãi suất cơ bản ở mức thấp trong dài hạn

Các nhà đầu tư kỳ vọng BoE sẽ vượt qua sự lưỡng lự trước đây trong việc sử dụng tùy chọn tỷ giá âm nếu nền kinh tế quốc gia tiếp tục xấu đi trong năm 2021.
Triển vọng lãi suất cơ bản ở mức thấp trong dài hạn ảnh 1Trụ sở Ngân hàng trung ương Anh. (Nguồn: CNN)

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) mới đây nhất đã quyết định sẽ tiến thêm một bước nữa trong việc xem xét khởi động mức lãi suất âm, giữa bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và khủng hoảng thất nghiệp "rình rập" quốc gia này.

Ủy ban Chính sách Tiền tệ của Anh (MPC) ngày 17/9 đã nhất trí bỏ phiếu giữ lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,1%, nhưng cho biết đang "tìm hiểu cách để triển khai một tỷ lệ lãi suất âm có hiệu quả, nếu triển vọng lạm phát và sản lượng kinh tế đảm bảo cho điều đó."

MPC cho biết trong báo cáo tháng 9/2020 rằng BoE đang thảo luận về cách vượt qua các rào cản kỹ thuật và đặt mình vào tình thế cắt giảm lãi suất hơn nữa, “do lãi suất toàn cầu giảm trong một số năm.”

[Bức tranh màu xám của kinh tế châu Âu trong đại dịch COVID-19]

Tuy nhiên, có rất ít khả năng lãi suất cơ bản của Anh sẽ bị cắt giảm xuống dưới 0% trong năm nay khi MPC khẳng định: “BoE và Cơ quan quản lý thận trọng sẽ bắt đầu tham gia một cách có cấu trúc vào các cân nhắc hoạt động trong quý 4/2020.”

Philip Shaw, một nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng Investec của Anh, cho biết các nhà đầu tư kỳ vọng BoE sẽ vượt qua sự lưỡng lự trước đây trong việc sử dụng tùy chọn tỷ giá âm nếu nền kinh tế quốc gia tiếp tục xấu đi trong năm 2021. Ông nói sự kết tinh của những rủi ro tiêu cực trong thời gian tới sẽ khiến BoE có cái nhìn nghiêm túc hơn với lựa chọn đưa ra mức lãi suất cơ bản âm.

Trước đó, các ngân hàng trung ương, bao gồm Ngân hàng Trung ương Nhật bản (BoJ), Ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố mức tỷ lệ lãi suất xuống dưới 0, áp dụng đối với các công ty.

Có khả năng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ làm điều tương tự, để ngăn cản việc các công ty tích trữ tiền mặt, nhưng không gây tác động tiêu cực tới người dân, dẫn đến kết quả là họ phải trả tiền cho các ngân hàng để duy trì các khoản tiền gửi của mình.

Fed duy trì mức lãi suất thấp

Quyết sách mới nhất của BoE được cho là đi theo xu hướng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Ngày 16/9, Fed đã công bố giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức gần bằng 0% và cho biết sẽ giữ mức đó cho đến khi lạm phát trên đà "vượt ngưỡng" mục tiêu lạm phát 2% của ngân hàng trung ương Mỹ trong "một số khoảng thời gian."

Triển vọng lãi suất cơ bản ở mức thấp trong dài hạn ảnh 2Đồng USD tại Fort Worth, Texas, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Những tuyên bố của Fed là một phần của sự thay đổi trong chính sách tiền tệ đã được cơ quan này đưa ra vào tháng trước, nhằm bù đắp cho những năm lạm phát yếu sắp tới và cho phép nền kinh tế tiếp tục tăng thêm việc làm càng lâu càng tốt.

Tại cuộc họp báo công bố về thông tin nói trên, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục duy trì khả năng thích ứng cao cho đến khi nền kinh tế phục hồi. Ông khẳng định đây là một tuyên bố rất mạnh mẽ trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế, hướng tới việc đưa mục tiêu lạm phát trở về mức 2% nhanh hơn.

Với quyết sách của mình, Fed cũng bắt đầu chuyển hướng từ ổn định thị trường tài chính sang kích thích nền kinh tế.

Chủ tịch Powell cho biết Fed sẽ giữ mức mua trái phiếu chính phủ hiện tại ít nhất là 164 tỷ USD mỗi tháng và mô tả mục tiêu một phần là để đảm bảo các điều kiện tài chính "phù hợp" trong tương lai.

Các dự báo kinh tế mới được đưa ra cùng với tuyên bố chính sách của Fed cho thấy mức lãi suất cơ bản của Mỹ sẽ được giữ ít nhất cho đến năm 2023, với khả năng lạm phát khó phá ngưỡng 2% trong thời gian đó.

Các nhà hoạch định chính sách đã chứng kiến nền kinh tế Mỹ suy giảm 3,7% trong năm nay, ít hơn nhiều so với dự báo suy giảm 6,5% vào tháng 6/2020 và tỷ lệ thất nghiệp, chiếm 8,4% trong tháng 8/2020, có thể sẽ giảm xuống 7,6% vào cuối năm.

Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ, đơn vị ấn định tỷ lệ lãi suất cơ bản, cho biết đại dịch COVID-19 "đang gây ra khó khăn to lớn cho con người và kinh tế" và "Fed cam kết sẽ sử dụng đầy đủ các công cụ của mình để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ trong thời điểm đầy thách thức này."

Thời điểm khó khăn cho các ngân hàng trung ương

Trên khắp thế giới, các ngân hàng trung ương hiện đang tiếp cận gần với thời điểm "chế độ bản vị vàng" mới.

Trong vòng hơn một thập kỷ vừa qua, với ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng toàn cầu, biến đổi khí hậu, và giờ đây là đại dịch COVID-19, môi trường hoạt động của các ngân hàng trung ương đã bị thay đổi đáng kể, nhưng ngày càng không nhận được sự ủng hộ từ công chúng.

Hai trong số những thay đổi lớn nhất từ dư luận đối với chính sách tiền tệ mà các ngân hàng trung ương đã thực hiện trong thời gian vừa qua có thể kể tới:

Thứ nhất là biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn khiến nhiều người tin rằng các chính phủ, bao gồm cả các ngân hàng trung ương, cần phải thúc đẩy trách nhiệm cao hơn nữa để giải quyết vấn đề này.

Thứ hai là phản ứng của các ngân hàng trung ương đối với cuộc khủng hoảng tài chính và đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng bất bình đẳng giàu nghèo. Bằng chính sách hạ thấp tỷ lệ lãi suất xuống 0, hoặc thậm chí là thấp hơn nữa, cùng với động thái mua vào một số lượng lớn trái phiếu chính phủ, các ngân hàng trung ương đã khiến tỷ lệ lãi suất dọc theo đường cong lợi tức bị hạ cuống mức thấp chưa từng có.

Tại một số quốc gia, đặc biệt là Đức, lợi tức trên tất cả các khoản nợ chính phủ đến hạn đã bị giảm xuống dưới mức 0%.

Mặc dù những biện pháp này là cần thiết để tạo ra sự thúc đẩy cho nền kinh tế hồi phục, nhưng chúng đã khiến giá cả gia tăng trên tất cả các loại tài sản, bao gồm cổ phiếu, chứng khoán và giá trị bất động sản. Đó là cách chính sách tiền tệ hoạt động.

Nhưng phần lớn công chúng thấy rằng trong khi nhiều người vẫn đang phải chịu cảnh thất nghiệp và khó khăn kinh tế là kết quả của hai cuộc khủng hoảng nói trên, thì những người sở hữu tài sản vẫn thu được những khoảng lợi nhuận vượt mong đợi.

Hành động của ECB

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang trong quá trình xem xét chính sách của riêng mình, một chính sách do Chủ tịch mới nhậm chức Christine Lagarde đưa ra vào đầu năm nay.

So với Fed, ECB dường như có nhiều lý do hơn để xem xét lại các chính sách vì lạm phát hàng năm của EU thậm chí còn thấp hơn so với mục tiêu 2%, kể từ năm 2012.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Howard Davies, Chủ tịch đầu tiên của Cơ quan Tài chính Anh, ECB không có nhiệm vụ kép như Fed. Cơ quan này giữ nhiệm vụ hỗ trợ chính sách kinh tế cho EU, nhưng phụ thuộc vào việc duy trì ổn định giá cả chung của các thành viên khối này.

Hơn nữa, ECB bị phụ thuộc vào Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức, nơi các thẩm phán không ưa thích chính sách nới lỏng định lượng và sẵn sàng ngăn chặn chính sách này.

Việc xem xét cơ bản sẽ liên quan đến các chính phủ và có khả năng làm thay đổi hiệp ước chung châu Âu, đây là lãnh thổ nguy hiểm đối với ECB. Các chính phủ dân túy có thể ủng hộ những mục tiêu nào khác?

Nhiều ý kiến cho rằng sự trì trệ của nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) là do kích thích tài khóa yếu hơn chứ không phải là do lỗi chính sách của ECB. Điều này sẽ tạo ra áp lực để ECB xem xét cách tiếp cận bắt kịp của Fed.

Nhưng điều đó cũng có nghĩa là giá cả sẽ tăng vọt, nếu các nhà hoạch định chính sách EU thực sự muốn phục hồi tất cả những gì đã mất kể từ năm 2010.

Vậy BoE thì như thế nào? Ông Davies nhận định, sự cần thiết thay đổi của BoE sẽ ít mạnh mẽ hơn, vì lạm phát trung bình của Anh ít nhiều đã đạt mục tiêu, được hỗ trợ bởi việc giá trị đồng bảng Anh suy giảm.

Và việc xem xét lại nhiệm vụ này thực sự thuộc về Chính phủ Anh, mà không phải của BOE, vì chính phủ chịu trách nhiệm đặt mục tiêu lạm phát.

Bước đi tiếp theo của các ngân hàng trung ương

Các sửa đổi đối với triển vọng chính sách tiền tệ của Fed phù hợp với các dự báo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khi kỳ vọng rằng tác động của đại dịch đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ ít nghiêm trọng hơn dự báo ban đầu, tùy thuộc vào diễn biến của của bệnh dịch và vắcxin.

Tuyên bố của Fed cho biết, đại dịch sẽ tiếp tục đè nặng lên hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát trong thời gian tới "và gây ra những rủi ro đáng kể đối với triển vọng kinh tế trong trung hạn."

Dựa trên các chính sách mới nhất của mình, Fed sẽ tìm cách tạo ra, thay vì kiềm chế, lạm phát. Mức trần lạm phát 2% sẽ trở thành mức trung bình theo thời gian khi Fed cố gắng tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn.

Nhà kinh tế trưởng tại khu vực châu Âu của Quỹ Capital Economics, Andrew Kenningham, cho rằng ECB có thể sẽ quyết định chuyển mục tiêu lạm phát sang mức 2%, tương tự như Mỹ, nhưng xem xét việc chuyển đổi dựa trên yếu tố "trong trung hạn" hay "trung bình theo thời gian" như cách thức của Fed.

Ông nói: “Động thái của Fed có lẽ cũng là một hướng dẫn tốt cho ECB về hướng đi sắp tới. Một mục tiêu lạm phát trung bình có thể nâng cao kỳ vọng một chút, nhưng điều đó cũng có thể gây ra tác động giúp tăng tỷ lệ lạm phát thực tế."

Ông cũng gợi ý rằng đánh giá của ECB sẽ cần cân nhắc những thay đổi quan trọng khác. Nó có thể cho phép các nhà hoạch định chính sách xem xét sự khác biệt về tỷ lệ lạm phát quốc gia trong Eurozone.

Hoặc nó có thể xem xét việc thực hiện một loạt các mục tiêu, bao gồm bảo vệ việc làm, tăng trưởng kinh tế cân bằng và bảo vệ môi trường, và cũng có thể hướng tới mục đích bảo vệ chính liên minh tiền tệ của EU.

Tuy nhiên, dù bất kỳ mục đích nào, thì trong mọi trường hợp, một điều gần như chắc chắn rằng cả Fed, ECB lẫn BoE đều sẽ không sớm tăng mức lãi suất cơ bản thấp kỷ lục như hiện nay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục