Trở ngại trong nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran

Việc kéo dài các cuộc đàm phán để đưa Tehran và Washington trở lại tuân thủ toàn bộ hiệp ước có nghĩa là quá trình xóa bỏ các lớp trừng phạt của Mỹ sẽ bắt đầu sau cuộc bỏ phiếu ngày 18/6.
Trở ngại trong nỗ lực hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1Toàn cảnh nhà máy hạt nhân Natanz, cách thủ đô Tehran, Iran 270km về phía Nam. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng Reuter, bất chấp những nỗ lực trong thời gian dài, các chuyên gia đàm phán dường như ngày càng khó có khả năng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và các cường quốc trước cuộc bầu cử tổng thống của nước Cộng hòa Hồi giáo này vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, việc kéo dài các cuộc đàm phán lại có thể mang đến lợi ích chính trị cho nhà lãnh đạo tối cao của Iran.

Theo các quan chức và những người trong cuộc, Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, nhân vật quan trọng nhất trong vấn đề hạt nhân Iran, muốn tiến hành các cuộc đàm phán giữa Tehran và 6 cường quốc (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp và Anh) tại Vienna (Áo) để chấm dứt khoảng thời gian Iran bị cô lập kinh tế. Tuy nhiên, ông Khamenei cũng muốn tiến trình đàm phán phải được diễn ra vào một thời điểm thuận lợi.

Hiện tại, bất kỳ phe phái chính trị nào trong cơ cấu quyền lực phức tạp của Iran cũng sẽ đứng trước mối đe dọa nếu nhận trách nhiệm loại bỏ các lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt, sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Washington khỏi hiệp ước hạt nhân 2015 cách đây 3 năm.

Việc kéo dài các cuộc đàm phán để đưa Tehran và Washington trở lại tuân thủ toàn bộ hiệp ước có nghĩa là quá trình xóa bỏ các lớp trừng phạt của Mỹ sẽ bắt đầu sau cuộc bỏ phiếu ngày 18/6, khi một đồng minh cứng rắn của Khamenei dự kiến sẽ thay thế Tổng thống đương nhiệm Hassan Rouhani, một người theo chủ nghĩa thực dụng.

[Iran và các nước bắt đầu vòng đàm phán mới về thỏa thuận hạt nhân]

Mặc dù cuộc bỏ phiếu chỉ tác động rất ít đến các chính sách đối ngoại hoặc hạt nhân của Iran, trong đó Khamenei đã có quyết định cuối cùng, song việc chấm dứt sự cô lập kinh tế của Iran khi một tổng thống cứng rắn lên nắm quyền có thể củng cố quyền lực trong nước của ông Khamenei.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Iran cho biết: "Cuối cùng, nhà lãnh đạo Iran muốn các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, ông ấy sẽ không bận tâm nếu các cuộc đàm phán kéo dài thêm chút nữa… Nếu thỏa thuận được cứu vãn vào thời điểm muộn nhất có thể, tổng thống tiếp theo sẽ được hưởng lợi từ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để cải thiện nền kinh tế. Đây là thời điểm thuận lợi nhất cho ông ấy.”

Trong một động thái mà giới phân tích cho rằng nhằm mục đích trì hoãn, hôm 23/5, Iran cho biết cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc sẽ ngừng thu thập hình ảnh các cơ sở hạt nhân do thỏa thuận giám sát kéo dài 3 tháng giữa Tehran và cơ quan này đã hết hạn.

Ngày 24/5, Iran đã gia hạn thỏa thuận giám sát thêm 1 tháng, nhằm tránh việc đàm phán hạt nhân Vienna có thể sụp đổ.

Một nhà ngoại giao khu vực, sau khi nghe tóm tắt của các quan chức phương Tây liên quan đến đàm phán hạt nhân, cho biết "một thỏa thuận làm rõ nghĩa vụ của Tehran và Washington trong việc xúc tiến đàm phán" sẽ được công bố tại Vienna trong tuần này.

Những người anh hùng

Trên thực tế, việc ông Khamenei muốn trì hoãn thời điểm chấm dứt các lệnh trừng phạt có vẻ trái ngược với các nỗ lực ngăn chặn thiệt hại mà Mỹ - quốc gia bị ông coi là "kẻ thù số một" của Iran - gây ra cho nền kinh tế nước này.

Tuy nhiên, các quan chức và nhà phân tích cho biết đối với ông Khamenei, tầm quan trọng của việc giải cứu nền kinh tế phải cân bằng với sự cần thiết trong việc bảo vệ quyền lực của bản thân ông trước bất kỳ mối đe dọa nào. Các nhà cầm quyền giáo sỹ của Iran lo ngại tình trạng bất ổn trong nhóm người dân có thu nhập trung bình và thấp sẽ tái diễn.

Những năm gần đây, các cuộc biểu tình định kỳ của nhóm người này cho thấy giới cầm quyền rất dễ bị tác động trước nỗi bức xúc của người dân về vấn đề kinh tế.

Sự bất mãn của công chúng tại Iran cũng đang nhen nhóm trước việc nước Cộng hòa Hồi giáo này gia tăng áp lực đối với những người phát ngôn bất đồng, cũng như ban hành một số quy định hạn chế đối với các quyền tự do chính trị và đời sống xã hội.

Vài tuần gần đây, các nhà hoạt động đã kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử, người dân Iran trong và ngoài nước cũng chia sẻ rộng rãi hashtag #NoToIslamicRepublic (tạm dịch là “Phản đối Cộng hòa Hồi giáo”) trên mạng xã hội Twitter.

Sự bất đồng chính kiến này đang thách thức quyền lực to lớn của ông Khamenei. Hiện tại, ông Khamenei kiểm soát cơ quan tư pháp, lực lượng an ninh, các đài truyền hình công cộng và các quỹ nắm giữ phần lớn nền kinh tế Iran. Một quan chức cấp cao thân cận với cơ quan ban hành quyết sách của Iran nhận định: “Những người theo chủ nghĩa cứng rắn chiếm đa số trong Quốc hội Iran ... Giám đốc tư pháp sẽ do Khamenei bổ nhiệm, và như dự kiến, nếu một người theo chủ nghĩa cứng rắn thắng cử, chúng ta có thể nói rằng các đồng minh cứng rắn của nhà lãnh đạo tối cao sẽ có toàn quyền kiểm soát đất nước… Nếu các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ sau cuộc bầu cử, thì những người có quan điểm cứng rắn thân cận với nhà lãnh đạo sẽ được coi là những người hùng của đất nước.”

Một quan chức cấp cao của châu Âu cho rằng tốc độ sẽ là yếu tố cốt lõi trong bối cảnh cuộc bầu cử của Iran đang cận kề. Quan chức này khẳng định: “Sự cấp bách nằm ở đó. Chúng ta cần một thỏa thuận trước cuộc bầu cử... Chúng ta phải nắm lấy cơ hội này ngay bây giờ chứ không chờ đợi vài tháng. Tôi không chắc liệu Mỹ có đưa ra đề nghị này hai lần hay không”

Kể từ khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận, khẳng định rằng Mỹ đã quá khoan dung với Iran, Tehran đã xây dựng lại các kho dự trữ uranium làm giàu ở mức thấp, sau đó làm giàu uranium lên mức độ tinh khiết phân hạch cao hơn và lắp đặt các máy ly tâm tiên tiến để đẩy nhanh quá trình sản xuất.

Áp lực tài chính

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Washington sẽ quay trở lại hiệp ước nếu Tehran lần đầu nối lại việc tuân thủ các giới hạn nghiêm ngặt về việc làm giàu urani, một con đường tiềm năng dẫn đến bom hạt nhân. Nếu có một vấn đề cốt lõi trong cuộc bầu cử của Iran, thì đó là liệu tổng thống tiếp theo có thể vực dậy nền kinh tế, đồng thời giảm bớt áp lực tài chính sâu sắc mà đa số người dân Iran đang phải đối mặt hay không.

Sự kết hợp giữa hai mối nguy hại, gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và khả năng quản lý kém cỏi của Iran, đã đẩy hơn một nửa trong số 83 triệu người dân nước này rơi vào cảnh nghèo khổ, buộc họ phải vật lộn hàng ngày để đối phó với tình trạng giá cả leo thang và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Các cuộc thăm dò dư luận chính thức, trong đó có một cuộc thăm dò ý kiến do đài truyền hình nhà nước Iran thực hiện hồi tháng 5/2021, cho thấy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu có thể xuống tới mức 30%, thấp hơn đáng kể so với các cuộc bầu cử trước đây.

Một quan chức khác của Iran, có mối liên hệ gần gũi với những người theo chủ nghĩa cứng rắn, cho biết nguy cơ bất ổn mới sẽ giảm bớt nếu các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ sau cuộc bỏ phiếu, vì khi đó người dân Iran sẽ có hy vọng về tình hình khả quan hơn trong thời gian tới.

Ông cho biết: “Sau cuộc bầu cử, việc cải thiện nền kinh tế sẽ là điều cần thiết để nâng cao mức sống của người dân chúng tôi… Bất kỳ sự bất ổn nào về kinh tế đều có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho quốc gia Cộng hòa Hồi giáo này”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục