Ngày 26/7, các nhân viên cứu hộ của tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Libya cho biết đã vớt được thi thể của 62 người di cư ở vùng biển ngoài khơi Libya, một ngày sau vụ đắm tàu được cho là tồi tệ nhất tại Địa Trung Hải trong năm nay.
Trước đó, khoảng hơn 140 người di cư đã được lực lượng bảo vệ bờ biển Libya giải cứu hôm 25/7 sau khi chiếc thuyền chở họ bị đắm vì quá tải tại vùng biển phía Đông thủ đô Tripoli, gần thành phố cảng Khoms.
Những người sống sót sau vụ chìm tàu cho biết có khoảng 400 người di cư ở trên tàu khi tàu rời bến.
Các cơ quan cứu hộ lo ngại số người di cư bị chết đuối còn tiếp tục tăng cao, khi số người mất tích ban đầu là 110 người.
Người đứng đầu đơn vị cứu hộ của tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Libya, Abdelmoneim Abu Sbeih cho biết hiện vẫn còn nhiều thi thể đang trôi nổi ngoài khơi nên chưa thể xác định chính xác số người thiệt mạng.
Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR), Filippo Grandi đánh giá đây là thảm kịch chìm tàu tồi tệ nhất trong năm nay.
Phát ngôn viên Hải quân Libya, Tướng Ayoub Kacem cho biết hầu hết những người được cứu sống mang quốc tịch Eritrea. Một vài người trong số này đến từ Sudan và Palestine. Hiện những người này đang chờ được đưa đến các trung tâm tiếp nhận tại thành phố Khoms.
Từ New York, phóng viên TTXVN thường trú tại đây cho biết Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 26/7 bày tỏ ông quá sốc trước vụ việc trên và kêu gọi cần nối lại việc bố trí lực lượng cứu hộ ở khu vực biển Địa Trung Hải.
Lời kêu gọi của ông Guterres đã được nhiều quan chức cấp cao Liên hợp quốc lên tiếng ủng hộ và cho rằng cần phải có những tuyến đường hợp pháp và an toàn để cứu giúp người di cư.
Người phát ngôn của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn đã phát biểu tại cuộc họp báo sáng 26/7 rằng thảm họa thiệt hại về người nhiều như vậy cho thấy mức độ cấp thiết của việc các quốc gia cần nối lại mạng lưới cứu hộ trên biển để giúp hàng nghìn người tị nạn và di cư bị mắc kẹt trong cuộc chiến ở Libya.
Cao ủy Liên hợp quốc cũng nhắc lại lời kêu gọi của tổ chức này về việc cần có thêm các khu tái định cư cho người di cư cũng như cần có các biện pháp tăng cường để bắt giữ và xét xử những kẻ tổ chức buôn người.
[Giải pháp mới tránh cuộc khủng hoảng di cư mới ở châu Âu]
Thảm họa trên xảy ra chỉ 3 ngày sau khi các quan chức Liên hợp quốc vừa tổ chức hội nghị ở Paris bàn về tình hình Libya và khu vực Địa Trung Hải, kêu gọi cần sớm nối lại việc triển khai lực lượng cứu hộ người di cư trên biển đồng thời không hình sự hóa các vụ việc di cư, tị nạn hay gửi họ trở lại Libya.
Libya là một "điểm nóng" về người di cư, nhiều người trong số đó tìm cách đến châu Âu bằng thuyền không đảm bảo an toàn trên biển.
UNHCR và các cơ quan khác của Liên hợp quốc đã nhiều lần kêu gọi những người còn sống sót không nên trở về Libya, nơi những người di cư được cứu thường bị bỏ tù trong các điều kiện khổ cực./.