Trưng bày các hiện vật quý nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi kháng chiến

Trưng bày bổ sung nhằm cung cấp thêm những tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc và viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946.
Trưng bày các hiện vật quý nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi kháng chiến ảnh 1Khách tham quan trưng bày tại di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông (Hà Nội). (Ảnh: Đinh Thuận/TTXVN)

Chiều 19/12, tại Di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946 (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khai mạc trưng bày bổ sung "Về nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946."

Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 76 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2022), 50 năm Chiến thắng "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không" (12/1972-12/2022).

Trưng bày bổ sung nhằm cung cấp thêm những tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở, làm việc và viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946, giúp khách tham quan hiểu rõ hơn về tinh thần yêu nước của gia đình ông Nguyễn Văn Dương, nhân dân Vạn Phúc đối với cách mạng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trưng bày bổ sung được thực hiện tại nhà 2 tầng - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ ngày 03/12/1946 đến ngày 19/12/1946.

Phương pháp trưng bày kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tôn trọng yếu tố gốc cấu thành di tích; khai thác, sử dụng tài liệu, hồi ký, sự kiện nhân chứng lịch sử đảm bảo tính chính trị, khách quan, khoa học phù hợp với công tác giáo dục, tuyên truyền tại Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nội dung trưng bày giới thiệu tới công chúng gần 100 tài liệu, hiện vật Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng trong thời gian Người ở và làm việc tại Vạn Phúc; hiện vật liên quan đến gia đình ông Nguyễn Văn Dương; tài liệu, hiện vật về truyền thống yêu nước cách mạng, nghề làm thuốc bắc lâu đời của gia đình ông Nguyễn Văn Dương - vừa là để khám chữa bệnh cho nhân dân quanh vùng, vừa là nơi các cán bộ cách mạng ngụy trang che mắt địch lấy cớ đến khám chữa bệnh để hội họp, giao nhận thông tin liên lạc.

[Những địa điểm ghi dấu lịch sử ngày toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội]

Bên cạnh đó, nội dung trưng bày còn giới thiệu không gian trải nghiệm với các mẫu cổ phục được làm từ sản phẩm lụa Vạn Phúc để tăng tính tương tác, sinh động, hấp dẫn cho không gian trưng bày.

Tại lễ khai mạc trưng bày bổ sung, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng chia sẻ: Trưng bày góp phần tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, góp phần tôn vinh, tri ân những cống hiến, đóng góp của nhân dân đối với cách mạng; khẳng định tầm vóc, ý nghĩa trọng đại của Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến ngay chính tại ngôi nhà ở Vạn Phúc - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở và viết lời Kêu gọi Toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946.

Nội dung trưng bày một lần nữa khắc ghi công ơn của Đảng, của Bác Hồ, tưởng nhớ những chiến sỹ cộng sản kiên cường, các Anh hùng Liệt sỹ, đồng chí, đồng bào đã trọn đời hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Sự hy sinh ấy càng tô thắm thêm lá cờ cách mạng quang vinh của Đảng, làm nở hoa độc lập, kết trái tự do và mở đường cho dân tộc ta đi tới ấm no, hạnh phúc; vững bước trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.

Di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946 tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông là một trong 14 địa điểm thuộc hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, gắn với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta.

Di tích Nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tháng 12/1946 tại phường Vạn Phúc đã được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1975, hiện do Ban Quản lý Di tích Danh thắng Hà Nội quản lý./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục