Trung Đông, anh là ai?

Giới thiệu khái quát: "Trung Đông, anh là ai?"

Kể từ số này, Vietnam+ sẽ khởi đăng loạt bài của một nhà báo TTXVN, người đã nhiều năm trải nghiệm với thực tế ở Trung Đông.
Bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, nhiều quốc gia ở Trung Đông vẫn như “người ngoài cuộc,” vẫn là một đại công trường, là điểm đến của hàng chục nghìn người lao động Việt Nam.

Đa số họ thành công, song cũng đã có không ít điều đáng tiếc xảy ra, để rồi cuối cùng chính người lao động chịu thiệt đơn, thiệt kép.

Để đại công trường này mang lại lợi ích thực sự cho tất cả, các bên đang còn quá nhiều việc phải tìm hiểu, phải biết và phải làm...

Kể từ số này, Vietnam+ sẽ khởi đăng loạt bài của một nhà báo TTXVN, người đã nhiều năm trải nghiệm với thực tế ở Trung Đông, sống, làm việc và đi lại tại hầu hết các quốc gia trong vùng, với hy vọng góp một viên gạch nhỏ để con đường đến với vùng đất mới này của người lao động Việt Nam thực sự thênh thang...

Bài 1: Trung Đông, anh là ai?


Về địa lý, Trung Đông là một trong những khu vực rộng lớn nhất thế giới, trải dài từ Iran, qua Vịnh Persian, ôm gọn bán đảo Arập, ngược kênh đào Suez, tràn xuống bờ Đông Địa Trung Hải, rồi kéo tới tận Tây Bắc Phi, nơi có Mauritania, Morocco, trước khi đi qua các nước ở bờ Nam Địa Trung Hải như Algeria, Libya, Tunisia...

Tuy trải dài qua hai châu lục (Á và Phi) như vậy, song trên thực tế Trung Đông chỉ gồm hơn 20 quốc gia vì nhiều nước ở đây rất rộng, dân số trên 300 triệu người, là trung tâm của ba tôn giáo lớn là đạo Do Thái, đạo Kitô và đạo Hồi. Hiện có hàng chục dân tộc, bộ tộc với ngôn ngữ, phong tục tập quán và tôn giáo khác nhau đang sinh sống ở đây.

Đấy là về địa lý thuần túy, còn về địa-chính trị, Trung Đông lớn hơn nhiều, nó bao gồm cả vùng Đông Phi, Tây Nam Á, thậm chí có cả quốc gia nằm ở cả châu Á lẫn châu Âu như Thổ Nhĩ Kỳ nữa.

Cũng bởi thế, những xung đột chính trị ở đây bao giờ cũng rối như mớ bòng bong, chẳng khác gì chữ viết Arập của một dân tộc cùng tên sống ở vùng này. Đến phần lớn các nước ở Trung Đông, bạn sẽ rất khó, thậm chí là không thể mua được chiếc áo đi mưa, đơn giản vì ở đấy ông Trời tiếc “nước mắt” lắm, mỗi năm chỉ mưa vài lần, không đủ ướt áo.

Ai ở Việt Nam sang cũng ngỡ ngàng hỏi chúng tôi tại sao các ngôi nhà và phố xá ở đây đều thiếu hệ thống đường ống thoát nước như ở Việt Nam. Hơn chục năm làm việc ở đấy, thay mấy đời xe công vụ, nhưng hình như chúng tôi chỉ được vài lần dùng gạt nước kính ôtô, chủ yếu để có “cảm giác Việt Nam,” chứ thực ra, có mưa gấp năm, gấp mười như thế vẫn chưa phải dùng đến thiết bị ấy.

Nói như thế, nhưng không phải ở vùng này chỗ nào cũng chang chang đội nắng, hứng cát sa mạc quanh năm, thế nên năm nào ở Mauritania cũng có những vụ đổ nhà vì mưa, rồi miền bắc Sudan, mưa làm lở đất, gây chết người không hiếm, hay nhớ lần đến Tehran, anh lái xe chuyên nghiệp của Hãng Thông tấn nhà nước Iran IRNA khi đang chở chúng tôi phải dừng xe giữa đường vì... mưa như thác.

Lạ đời là ngay chính ở những chỗ quanh năm “bói” không ra trận mưa ấy, rau quả lại nhiều vô kể, đủ chủng loại, lại rẻ như... cho không, chẳng hạn 1kg quýt quả to tướng, ngọt như đường, bán giữa thủ đô Cairo 20 triệu dân của Ai Cập, mà giá chỉ tương đương... 2.000 đồng Việt Nam, hoặc 1kg xoài “đầu vườn” mua ở Tripoli của Libya cũng chưa đến 10.000 đồng tiền Việt...

Có thể nói ở Trung Đông, trên là nắng gió, bão cát và sa mạc, còn dưới là lớp lớp tài nguyên thiên nhiên, nhưng chủ yếu nhất vẫn là dầu mỏ và khí đốt, chiếm 75% tổng trữ lượng đã thăm dò được của toàn thế giới, và hơn một nửa tổng trữ lượng khí đốt thiên nhiên trên Trái Đất.

Về dầu mỏ, Arập Xêút vẫn là “Vua,” với trữ lượng 264 tỷ thùng, Iran bằng một nửa, tiếp sau là Iraq, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE)... mỗi nơi có trên dưới 100 tỷ thùng, trong khi chỉ tính riêng Algeria, Qatar và Iran đã nắm chừng 40% trữ lượng khí đốt toàn thế giới.

Người Arập vẫn dùng câu cửa miệng “Thánh Allah vừa cho, vừa lấy!” để an ủi một thực tế nhiều nơi ở đây nước sinh hoạt luôn đắt hơn xăng, thế nên mới có những cuộc cãi vã, tranh chấp, và suýt "choảng nhau" to giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria, Iraq, hay Israel với Syria, Jordan; hoặc ngay giữa những con người cùng bản làng, dòng họ ở Sudan, Morocco, Yemen chỉ vì... những xô nước.

Nước quý hơn xăng, nên mọi dòng sông, nhánh chảy ở đây đều được người ta gọi là “Mẹ,” và những năm gần đây, khi dường như hết chỗ cất những đồng USD dầu mỏ, người Arập đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc để tạo ra những “Mẹ” nhân tạo nhằm bù cho thực tế chỉ có mấy “Mẹ” tự nhiên, không đủ đếm trên đầu ngón tay.

Đã hơn một lần người viết bài này được đến với “Mẹ” của Libya, mà thế giới gọi là “Dòng sông thế kỷ” với hệ thống đường ống cực lớn, chôn dưới sa mạc, dẫn nước ngầm bơm lên từ một hoang mạc, cấp cho thủ đô và một số thành phố lớn ở nước này.

Và, nơi ấy đang có phần công sức không nhỏ của hàng nghìn lao động Việt Nam. Kinh tế phát triển không đồng đều là điều dễ thấy nhất trong cơ cấu kinh tế của khu vực này, nhất là tại các nước Arập nhiều dầu lửa.

May mà mấy năm nay người ta đã nhận ra sự ấy, và bắt đầu điều chỉnh bằng việc thuê người trồng cấy, hay rót vốn vào những ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng... chứ không chăm chăm vào khai thác, lọc hóa dầu như bấy lâu nay nữa.

Đúng là sản xuất có mở mang, nhưng dân gốc ở đây vẫn là những người giữ kỷ lục thế giới về... ngại làm việc, chỉ quen dùng tiền (phần nhiều là từ dầu mỏ) để nhập tất tật, từ que tăm đến sức lao động.

Ngay đến người giúp việc, mà tiếng Việt mới gọi là “ôsin” cũng đủ loại, từ lái xe, lau dọn nhà, làm bếp, bế em và cả ôsin... trang điểm nữa, dù ai cũng biết, son phấn xong, bà chủ lại trùm áo choàng đen kín mít đầu! Phải “đủ bộ” ôsin như thế mới đáng mặt ông hoàng, bà chúa, những cái danh mà ở nhiều quốc gia tại vùng này, rất nhiều người có nếu tính theo số tài sản họ đang sở hữu.

Nhiều nước ở Trung Đông theo chế độ quân chủ, quyền lực tập trung vào hoàng tộc, số còn lại tuy là cộng hòa, nhưng cũng chỉ là hình thức, vẫn na ná nhóm đầu, nơi quyền cai quản đất nước vẫn theo kiểu "cha truyền, con nối."

Người Trung Đông, đặc biệt phụ nữ, luôn được coi là những người đẹp nhất thế giới, hội tụ đầy đủ những nét tinh túy nhất của vẻ đẹp bốn phương, còn nam giới, bề ngoài khá dữ dằn, nhưng thực ra họ rất hiền, cởi mở và ai cũng có đức tin đến độ mê muội vào thánh thần, tôn giáo.

Và chính đức tin ấy đã biến họ thành người dễ bị sai khiến nhất trong tay giới trục lợi chính trị, để rồi dẫn tới không ít cuộc tàn sát, xung đột, thậm chí chiến tranh đẫm máu ở vùng này chỉ vì những lý do hết sức vu vơ...

Phạm Phú Phúc (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục