Quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc đang trên đà suy thoái nghiêm trọng khi mới đây Bắc Kinh thông báo không tiến hành kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Tokyo. Quyết định này khiến dư luận Nhật Bản cho rằng khủng hoảng “chính trị lạnh” giữa Nhật Bản với Trung Quốc sẽ mở rộng sang “kinh tế lạnh”, trong bối cảnh hai bên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng.
Mạng tin "Nikkei" của Nhật Bản và một số nguồn tin cho biết phái đoàn gồm 20 nhân vật cấp cao của Liên đoàn tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) - dự định sẽ tới Bắc Kinh nhân sự kiện hai nước tổ chức kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao - đã bị hủy bỏ. Theo kế hoạch, phái đoàn này sẽ có cuộc gặp với Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cùng các quan chức bộ phụ trách thương mại và thuộc ủy ban cải cách phát triển quốc gia Trung Quốc để thảo luận các vấn đề như Hiệp định Thương mại Tự do Nhật-Trung, vấn đề đất hiếm…, gặp lãnh đạo các tập đoàn kinh tế Trung Quốc và thị sát một số cơ sở sản xuất địa phương. Chuyến thăm cũng được dự kiến sẽ mở ra hàng loạt cơ hội đầu tư và kinh doanh cho giới doanh nghiệp hai nước. Sau khi tuyên bố không kỷ niệm quan hệ ngoại giao với Tokyo, Bắc Kinh đã thông qua Hiệp hội kinh tế Trung-Nhật bày tỏ mong muốn vẫn được đón tiếp phái đoàn Keidanren. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trị căng thẳng, dư luận Nhật Bản đánh giá cho dù chuyến thăm có diễn ra thì cũng khó có thể mang lại kết quả như mong muốn. Trước khi căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc leo thang về tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, quan hệ Nhật-Trung đã từng có những thời điểm “chính trị lạnh”, song vẫn tạo được “kinh tế nóng”, mức độ ảnh hưởng của chính trị tới quan hệ kinh tế Nhật-Trung được cho là không nhiều. Đối với Nhật Bản, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại, xuất nhập khẩu số 1. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đánh giá Nhật Bản là đối tác thương mại thứ hai, sau Mỹ. Theo thống kê, số doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Trung Quốc năm 2010 vào khoảng 23.300 công ty, và Nhật Bản đã vượt qua Mỹ để trở thành nước có nhiều nhà đầu tư nhất tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, với diễn biến tình hình hiện nay, tâm lý bất an của các nhà đầu tư Nhật Bản ngày một lớn khi cho rằng rất có thể chính trị lạnh “sẽ lan sang kinh tế lạnh”. Một số chuyên gia đánh giá “kinh tế lạnh” giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang bắt đầu hình thành khi mới đây Trung Quốc áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ việc thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu từ Nhật Bản. Việc này thể hiện lập trường cứng rắn của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản. Không loại trừ khả năng Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp cứng rắn khác, khiến căng thẳng trong quan hệ kinh tế Trung-Nhật tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ đẩy Trung Quốc tới một nguy cơ mới về việc đầu tư nước ngoài sụt giảm và lượng tiêu dùng thấp. Do đó, Trung Quốc sẽ phải cân nhắc trước khi để cục diện lao vào một vòng xoáy mới. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cũng cảnh báo Trung Quốc rằng những phản ứng mang tính khiêu khích xuất phát từ tranh chấp biển đảo, từ biểu tình bạo động đến trừng phạt thương mại không chính thức, có thể gây tổn hại cho nền kinh tế mong manh của Trung Quốc vì sẽ khiến cho các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại. Trả lời Wall Street Journal, Thủ tướng Noda nói rằng Trung Quốc nên phát triển kinh tế thông qua các nhà đầu tư nước ngoài đã đến với họ, và bất cứ điều gì ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài sẽ gây tổn hại cho kinh tế Trung Quốc. Ông Noda nói: “Các vụ chậm trễ thông quan và cấp thị thực thời gian gần đây cũng là điều đáng quan tâm” - ý ông muốn nói đến các công ty Nhật Bản đang đối mặt với một dạng sách nhiễu kinh tế của Trung Quốc. Thủ tướng Nhật cho rằng các nước khác nhìn cách đối xử của Trung Quốc với Nhật sẽ nghĩ đến thân phận của chính họ, và có thể nghĩ đến chuyện giảm bớt đầu tư.
Một chiếc xe của Nhật Bản sản xuất bị đập phá ở Trung Quốc (Nguồn: AFP)
Trong khi đó, theo giới phân tích, Trung Quốc có quá nhiều thứ để mất nếu áp đặt bất kỳ lệnh trừng phạt nghiêm trọng nào. Giáo sư Ivan Tselichtchev của Đại học Quản trị Niigata nói: "Làm suy yếu Nhật Bản về mặt kinh tế rốt cục là đi ngược lại lợi ích của chính Trung Quốc". Tuy nhiên, ông cũng cho rằng những đe dọa trên của Trung Quốc phần lớn là những tuyên bố nhằm gây áp lực về tâm lý. Ông khẳng định: "Sẽ không có đòn trả đũa kinh tế lớn nào từ phía Trung Quốc và việc này sẽ tạo ra áp lực trong những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Trung Quốc áp dụng một số biện pháp mang tính biểu tượng trên mặt trận kinh tế để chứng tỏ sự tức giận của mình, ví dụ như ngừng một số dự án đầu tư hoặc ngăn cản các vụ giao dịch xuất-nhập khẩu". Zhou Yongsheng - Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Các vấn đề đối ngoại của Trung Quốc tại Bắc Kinh - nhận định: "Các lệnh trừng phạt thương mại chắc chắn là con dao hai lưỡi... nhất là nếu bên kia áp dụng các biện pháp trả đũa. Trừng phạt thương mại sẽ là một chính sách thất bại hoàn toàn"./.
(Vietnam+)