Trung Quốc có vai trò gì trong chương trình hạt nhân Ấn Độ-Pakistan?

Việc Trung Quốc nâng cao nhận thức về các mối đe dọa sẽ kích thích các biện pháp đối phó của Ấn Độ, và gây ra hiệu ứng bậc thang lên khả năng hạt nhân của Pakistan.
Trung Quốc có vai trò gì trong chương trình hạt nhân Ấn Độ-Pakistan? ảnh 1Pakistan thể hiện sức mạnh quân sự. (Nguồn: forpakistan.org)

Ngày 7/5, trang tin The Strategist của Viện Chính sách chiến lược Australia đăng bài viết về vai trò của Trung Quốc trong việc hạt nhân hóa ở khu vực Nam Á của Ramesh Thakur, cựu trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Sau đây là nội dung bài viết:

Như chúng ta đã biết nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân với những hậu quả thảm khốc cho cuộc sống ngày nay có thể cao hơn so với thời Chiến tranh Lạnh.

Thế giới đã nhận được một lời nhắc nhở sắc nét về mối đe dọa này vào cuối tháng Hai vừa qua.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một quốc gia có vũ khí hạt nhân đã tấn công một mục tiêu bên trong một quốc gia có vũ khí hạt nhân khác và hai bên đã có một cuộc không chiến vượt qua Đường kiểm soát ở Kashmir.

[Mối quan hệ sâu sắc Trung Quốc-Pakistan và cái khó của Ấn Độ]

Nguy cơ bùng phát xung đột khác vẫn còn hiện hữu vì tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết: các nhóm thánh chiến có căn cứ ở Pakistan phát động cuộc chiến tranh lai (hybrid warfare) ở Ấn Độ; phát triển các kho dự trữ hạt nhân và mở rộng nền tảng hạt nhân; sự thống trị của quân đội ở Pakistan trong việc kiểm soát các chính sách hạt nhân, an ninh và Kashmir; sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Hindu ở Ấn Độ; việc Ấn Độ thiết lập lại ma trận phản ứng mặc định chống các cuộc tấn công khủng bố.

Hầu hết các nhà phân tích quốc tế tập trung vào phương trình hạt nhân Ấn Độ-Pakistan như là một vấn đề song phương, nhưng về cơ bản, đây là mối quan hệ ba bên cả về nguồn gốc và động lực cốt lõi.

Trung Quốc gần như đã thoát khỏi trách nhiệm giải trình đối với vai trò của mình trong việc hạt nhân hóa khu vực. Sự thiếu trách nhiệm của Bắc Kinh cần phải được nêu ra.

Một báo cáo nghiên cứu lớn của Viện Brookings được công bố năm 2017 kết luận rằng các nhân tố hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh đã biến thành các chuỗi hạt nhân liên kết với nhau, tạo ra các mối quan hệ răn đe phức tạp giữa các cường quốc hạt nhân.

Với các nhận thức về mối đe dọa đồng thời giữa ba hoặc nhiều quốc gia có vũ khí hạt nhân, những thay đổi trong năng lực hạt nhân của một quốc gia có thể có “hiệu ứng bậc thang” đối với các quốc gia khác.

Hãy xem xét sự sụp đổ của Hiệp ước các lực lượng Hạt nhân tầm Trung (INF) khi cả Mỹ và Nga cùng tuyên bố rút khỏi hiệp ước này.

Do hiệp ước đã giúp củng cố sự ổn định chiến lược ở châu Âu trong 30 năm, nhiều đồng minh châu Âu tỏ ra không hài lòng với quyết định của Mỹ.

Tuy nhiên, không giống như các nước châu Âu, Mỹ có một chuỗi lợi ích hạt nhân toàn cầu.

Với hơn 90% tên lửa trong phạm vi bị cấm bởi INF, Trung Quốc có lợi thế cạnh tranh rất lớn trong cuộc đua giành quyền thống trị chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, nếu Mỹ phát triển và triển khai các tên lửa mặt đất như vậy ở Thái Bình Dương, tài sản hạt nhân nằm sâu trong nội địa của Trung Quốc sẽ trở nên dễ bị tổn thương.

Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo nhỏ và tỏ ra hiếu chiến ở Biển Đông, nhưng chính sách hạt nhân của nước này bị hạn chế đáng kể.

Mặc dù có sự tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô kinh tế và độ tinh vi kỹ thuật, Trung Quốc mới có chưa đến hơn 300 đầu đạn hạt nhân, không thể so với Mỹ và Nga với khoảng 6.500-7.000 đầu đạn hạt nhân mỗi nước.

Nếu các tên lửa mặt đất mới của Mỹ đe dọa khả năng trả đũa của Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ chống lại bằng cách mở rộng và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân.

Nhưng bất kỳ sự gia tăng nào về khả năng hạt nhân đều gặp phải sự phản ứng của nhiều bên.

Việc Trung Quốc nâng cao nhận thức về các mối đe dọa sẽ kích thích các biện pháp đối phó của Ấn Độ, và gây ra hiệu ứng bậc thang lên khả năng hạt nhân của Pakistan.

Lập luận về chuỗi hạt nhân được ngầm nhắc tới trong một bức thư Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee gửi cho Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào năm 1998 để biện minh cho các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ. Vajpayee đã nêu ra ba lý do.

Thứ nhất, Trung Quốc, một quốc gia có vũ khí hạt nhân công khai, đã có sự xung đột với Ấn Độ vào năm 1962.

Thứ hai, Trung Quốc đã giúp đỡ Pakistan "trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân bí mật."

Và thứ ba, trong 10 năm qua, Ấn Độ là nạn nhân của các cuộc khủng bố liên tiếp và các hoạt động đối đầu, bạo lực do Pakistan bảo trợ.

Trong một quyết sách lớn được đưa ra vào đầu năm 1982, Trung Quốc đã xác định Pakistan là một khách hàng xứng đáng cho việc tiếp nhận bí quyết nguyên tử.

Vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên của Pakistan đã được Trung Quốc giúp đỡ thực hiện vào tháng 5/1990: "Đó là lý do tại sao người Pakistan nhanh chóng phản ứng với các vụ thử hạt nhân của Ấn Độ vào năm 1998. Họ chỉ mất hai tuần và ba ngày."

Đó là kết luận không phải của các quan chức hay nhà phân tích tình báo Ấn Độ mà là của hai cựu sỹ quan cơ sở hạt nhân Mỹ. Thomas Reed nguyên là một nhà thiết kế vũ khí hạt nhân tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore và là thư ký về không quân dưới thời Tổng thống Gerald Ford và Jimmy Carter. Danny Stillman là cựu Giám đốc tình báo tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos.

Trung Quốc có vai trò gì trong chương trình hạt nhân Ấn Độ-Pakistan? ảnh 2Lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ tuần tra tại khu vực ngoại ô Amritsar, biên giới Ấn Độ-Pakistan, ngày 27/2/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 1/2009, Reed đã giải thích cho sự hỗ trợ hạt nhân của Trung Quốc đối với Pakistan là để có một sự cân bằng quyền lực: Ấn Độ là kẻ thù của Trung Quốc và Pakistan là kẻ thù của Ấn Độ.

Đổi lại, mạng lưới Abdul Qadeer Khan của Pakistan đã trở thành "siêu thị Walmart hạt nhân" để xuất khẩu các vật liệu và công nghệ nhạy cảm sang các nước như Iran, Libya và Triều Tiên.

Từ năm 1998, Pakistan đã tiến hành chiến tranh phi truyền thống chống lại Ấn Độ.

Các hoạt động bạo lực và cực đoan xuyên biên giới được nhà nước bảo trợ liên quan đến các quốc gia có vũ khí hạt nhân là một thực tế đương đại, cũng giống như nỗi sợ hãi về khủng bố hạt nhân.

Pháp, Anh và Mỹ đã nỗ lực trong việc kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc coi thủ lĩnh nhóm khủng bố có căn cứ tại Pakistan (Jaish-e-Mohammed- JeM) Masood Azhar là một kẻ khủng bố toàn cầu. Nhưng Trung Quốc đã 4 lần phủ quyết vấn đề này.

Tức giận vì sự bướng bỉnh của Trung Quốc, các đồng minh phương Tây đã ban hành dự thảo nghị quyết trong Hội đồng Bảo an, theo đó liệt Azhar vào danh sách khủng bố.

Trên trang Twitter cá nhân ngày 27/3, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ ra điều mà ông gọi là cách hành xử hai mặt của Trung Quốc. Ông viết: "Thế giới không thể chấp nhận thói đạo đức giả đáng xấu hổ của Trung Quốc đối với người Hồi giáo.

Một mặt, Trung Quốc đối xử tệ với hơn 1 triệu người Hồi giáo trong nước. Mặt khác, lại bảo vệ các nhóm khủng bố Hồi giáo bạo lực khỏi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Đến ngày 1/5, Trung Quốc đã phải dừng thực hiện quyền phủ quyết và tên Azhar hiện đang phải chịu lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Theo đó, tất cả các nước được yêu cầu đóng băng tài sản, cấm đi du lịch nước ngoài và cấm vận vũ khí đối với nhân vật này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục