Trung Quốc đã kêu gọi các nước giàu tôn trọng các cam kết tài chính đã đưa ra hồi năm 2009, theo đó bắt đầu từ năm 2020 phải cung cấp cho các quốc gia đang phát triển 100 tỷ USD/năm để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Phát biểu ngày 30/11 tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại thủ đô Paris (Pháp), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu rõ các quốc gia giàu có nên gánh vác phần trách nhiệm hơn nhằm hạn chế tình trạng ấm lên toàn cầu, hỗ trợ các nước nghèo thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu nghiêm trọng.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước phát triển cần chuyển giao các công nghệ thân thiện với môi trường cho nước đang phát triển.
Tại Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2009 tại Copenhagen (Đan Mạch), các nước công nghiệp phát triển đã cam kết bắt đầu từ năm 2020 sẽ dành 100 tỷ USD mỗi năm hỗ trợ các nước nghèo đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu cũng như hỗ trợ tài chính lớn hơn cho các nước này sau đó.
Số tiền này sẽ được sử dụng để giảm lượng phát thải khí CO2 cũng như đối phó với tình trạng nước biển dâng cao, khắc phục hậu quả hạn hán và các thảm họa thiên nhiên khác.
Cũng phát biểu tại Hội nghị COP21, Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe đã chỉ trích các nước phát triển cố tình đẩy gánh nặng trách nhiệm hạn chế lượng khí phát thải carbon sang các nước nghèo.
Ông nhấn mạnh về mặt lịch sử, các quốc gia phát triển luôn phải chịu trách nhiệm về môi trường khí hậu, thời tiết "bất ổn" hiện nay.
Tổng thống Mugabe cho rằng thật phi lý khi các quốc gia phát triển - những nước thải ra môi trường lượng lớn khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính - không chỉ do dự trong việc hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, mà còn muốn đẩy gánh nặng này sang các nước nghèo.
Theo một nghiên cứu của Viện Môi trường và phát triển quốc tế (IIED) về vấn đề biến đổi khí hậu vừa công bố, 48 nước nghèo nhất trên thế giới cần có 1.000 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2030 để có thể thực hiện kế hoạch chống biến đổi khí hậu.
Con số trên được tính toán dựa vào kế hoạch mà các nước kém phát triển nhất thế giới (LDC) cam kết để thực hiện thỏa thuận kiềm chế tình trạng nóng lên toàn cầu của Liên hợp quốc.
Theo ước tính, mỗi năm các nước này sẽ cần có 93 tỷ USD, bao gồm 53,8 tỷ USD cho giảm khí phát thải và 39,9 tỷ USD đối phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan và tình trạng nước biển dâng cao cao.
IIED cho biết hiện các nước kém phát triển mới chỉ được tiếp cận với một phần ba quỹ khí hậu quốc tế do các nước giàu có cung cấp.
Được xem là hội nghị về chống biến khí hậu có ý nghĩa quyết định, COP21 được kỳ vọng sẽ thông qua được một thỏa thuận cụ thể ngăn chặn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thay thế cho Nghị định thư Kyoto năm 1997.
Hiện một trong những bất đồng lớn nhất hiện nay giữa các nước giàu và các nước đang phát triển chính là cách thức hạn chế khí phát thải làm Trái Đất nóng lên từ việc sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch khổng lồ cũng như việc những quốc gia nào sẽ phải chi tài chính.
Theo các chuyên gia, hội nghị cần đề ra một thỏa thuận công bằng và hiệu quả theo hướng ưu tiên cho đầu tư từ khu vực tài chính công quốc tế cho nhóm các nước nghèo, để giúp họ thực hiện được kế hoạch chống biến đổi khí hậu của mình và thu hút được nguồn tài chính tư cho lĩnh vực khí hậu./.