Trung Quốc nêu rõ 5 mong muốn để cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung

Tại buổi trao đổi trực tuyến với Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đưa ra 5 mong muốn của Trung Quốc đối với Mỹ.
Trung Quốc nêu rõ 5 mong muốn để cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung ảnh 1Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Nhân dân Nhật báo, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có cuộc trao đổi trực tuyến với Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR) vào cuối tháng Tư.

Phát biểu tại cuộc trao đổi trực tuyến, ông Vương Nghị cho biết cuộc điện đàm quan trọng trong đêm giao thừa giữa lãnh đạo hai nước đã chỉ ra phương hướng chung của quan hệ Trung-Mỹ và Đối thoại chiến lược tại Anchorage đã mở ra triển vọng trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo cấp cao hai nước trong bối cảnh của dịch bệnh.

Tuy nhiên, chính sách đối với Trung Quốc của chính quyền mới của Mỹ vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của chính quyền trước đó, vẫn chưa khắc phục được sự hiểu lầm trong nhận thức về Trung Quốc và vẫn chưa tìm ra con đường đúng đắn để quan hệ với Trung Quốc.

Ông Vương Nghị đã đưa ra 5 mong muốn của Trung Quốc đối với Mỹ như sau:

Thứ nhất, hy vọng Mỹ sẽ hiểu một cách khách quan và đối xử lý tính đối với sự phát triển của Trung Quốc. Trung Quốc kiên trì con đường phát triển hòa bình, kiên trì chung sống hòa bình, hợp tác cùng thắng với các nước trên thế giới, không bao giờ tìm cách bá chủ thế giới, sẽ đi theo con đường trỗi dậy hòa bình không giống với quỹ đạo của các cường quốc truyền thống. Trí tuệ lịch sử mà Trung Quốc tích lũy qua hàng nghìn năm qua là “quốc gia bá quyền ắt suy tàn,” chứ không phải “quốc gia hùng mạnh ắt sẽ bá quyền.”

Sự phát triển của Trung Quốc dựa vào nỗ lực của bản thân, vì cuộc sống hạnh phúc hơn cho người dân chứ không phải thay thế hay đánh bại bất kỳ ai. Trung Quốc nhấn mạnh “xem xét cân bằng,” điều mong muốn là sự bình đẳng. Trung Quốc không chấp nhận sự mong muốn có được xuất phát từ “sức mạnh,” đưa ra mệnh lệnh cho các nước khác. Cho dù là quốc gia hay cá nhân, đều nên giành được sự tôn trọng thông qua nỗ lực của chính mình. Các nước lớn nên bắt đầu từ chính mình, có đạo đức, tuân thủ các quy tắc và làm gương.

Thành công của Trung Quốc và Mỹ không có nghĩa là bên còn lại phải thất bại. Thế giới có thể đón nhận một Trung Quốc tốt hơn và một nước Mỹ tốt hơn. Tách rời nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và đối đầu với 1,4 tỷ người Trung Quốc sẽ không chỉ không giúp Mỹ giải quyết những mâu thuẫn khác nhau mà nước này phải đối mặt, mà còn làm thế giới trở nên rối ren.

Thứ hai, hy vọng rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ bắt tay đi một con đường mới là chung sống hòa bình và hợp tác cùng thắng. Mỹ xác định mối quan hệ Trung-Mỹ gồm 3 mặt “cạnh tranh, hợp tác và đối đầu.”

Trung Quốc không có ý định cạnh tranh với Mỹ, điều mà Trung Quốc coi trọng là không ngừng vượt qua bản thân, nâng cao bản thân. Kết cục của cuộc đối đầu chắc chắn là có được có mất và hợp tác mới là con đường đúng đắn nên kiên trì.

Và hợp tác nên "đôi bên cùng có lợi," không chỉ một bên phải trả giá, nhấn mạnh ưu tiên nước mình. Tư duy đúng đắn trong xử lý quan hệ Trung-Mỹ là tăng cường đối thoại, đi sâu hợp tác, thu hẹp bất đồng và tránh đối đầu.

Mấu chốt nằm ở chỗ liệu Mỹ có thể chấp nhận sự trỗi dậy hòa bình của nước lớn với chế độ xã hội, lịch sử văn hóa và các giai đoạn phát triển khác nhau hay không, và liệu có thừa nhận rằng người dân Trung Quốc cũng có quyền mưu cầu phát triển và một cuộc sống tốt đẹp hơn hay không.

[Trung Quốc đề xuất 4 biện pháp cải thiện quan hệ Trung-Mỹ]

Thứ ba, hy vọng rằng Mỹ sẽ tôn trọng và bao dung chế độ và con đường mà Trung Quốc đã lựa chọn. Thực tiễn đã chứng minh rằng con đường chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc không chỉ đưa 1,4 tỷ dân Trung Quốc thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu mà còn cho phép dân tộc Trung Quốc đóng góp to lớn vào sự tiến bộ của nhân loại.

Nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa mà Trung Quốc đang thực hiện là dân chủ toàn diện và rộng khắp nhất, thể hiện ý chí của nhân dân, phù hợp với điều kiện tình hình đất nước Trung Quốc và được nhân dân ủng hộ. Chỉ vì hình thức dân chủ khác không giống với Mỹ mà Trung Quốc bị chụp mũ là “uy quyền,” “chuyên chế.” Điều này vốn dĩ đã là một biểu hiện của sự không dân chủ.

Trung Quốc chủ trương tất cả các nước đi theo con đường phát triển phù hợp với tình hình và nhu cầu của người dân nước mình, đồng thời khởi xướng giá trị cộng đồng chung vận mệnh toàn nhân loại hòa bình, phát triển, công bằng, chính nghĩa, dân chủ và tự do.

Một thế giới hòa bình nên có những nền văn minh đa dạng, một trật tự ổn định nên có những chế độ khác nhau, một cường quốc tự tin nên bao dung những giá trị khác nhau. Sự gợi ý lớn nhất thông qua mấy chục năm giao lưu giữa Trung Quốc và Mỹ là, mặc dù Trung Quốc và Mỹ có chế độ xã hội khác nhau, nhưng điều đó không ngăn cản việc tìm kiếm điểm chung, gác lại bất đồng, hợp tác cùng thắng, cùng tồn tại hòa bình.

Thứ tư, hy vọng rằng Mỹ sẽ thực hiện chủ nghĩa đa phương thực sự. Trung Quốc là nước khai sáng, cống hiến và bảo vệ hệ thống quốc tế hiện nay. Chính quyền nhiệm kỳ trước của Mỹ đã rút khỏi nhóm, phá vỡ thỏa thuận, từ bỏ các trách nhiệm quốc tế, trở thành kẻ phá vỡ lớn nhất của trật tự quốc tế hiện hành.

Trung Quốc hoan nghênh việc Chính quyền Joe Biden quay trở lại chủ nghĩa đa phương, đồng thời cho rằng chủ nghĩa đa phương thực sự cần phải cởi mở bao dung, chấp hành nghiêm luật pháp, tham vấn hợp tác, phát triển cùng thời đại.

Không thể giương cao ngọn cờ chủ nghĩa đa phương để thành lập các nhóm đối kháng mới, hình thành các “vòng tròn nhỏ” khép kín. Kiên trì hệ thống quốc tế với Liên hợp quốc làm nòng cốt và trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế, đó mới là thực hành chủ nghĩa đa phương thực sự.

Thứ năm, hy vọng rằng Mỹ sẽ ngừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ có ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi của quốc gia. Về nguyên tắc quan trọng này, Trung Quốc quyết không thỏa hiệp. Vấn đề Đài Loan là vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong quan hệ Trung-Mỹ.

Việc tuân thủ nguyên tắc "Một Trung Quốc," phản đối “Đài Loan độc lập,” duy trì hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan cũng nằm trong lợi ích chiến lược của Mỹ. Sử dụng quân bài Đài Loan vô cùng nguy hiểm, đó là “đùa với lửa.”

Hy vọng rằng Mỹ sẽ tuân thủ nguyên tắc "Một Trung Quốc" và các quy định của 3 thông cáo chung Trung-Mỹ, sẽ không gửi bất kỳ tín hiệu sai lầm nào đến lực lượng ly khai đòi “Đài Loan độc lập” và sẽ không cố gắng thách thức hoặc phá vỡ “lằn ranh đỏ” chính sách của Trung Quốc.

Trung Quốc nêu rõ 5 mong muốn để cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung ảnh 2Cờ Mỹ và Trung Quốc. (Nguồn: Chinabrands)

Các vấn đề liên quan đến Tân Cương không phải là vấn đề nhân quyền, dân tộc hay tôn giáo mà là các vấn đề chống bạo lực khủng bố, chống chủ nghĩa ly khai và chống chủ nghĩa cực đoan. Hoan nghênh những người bạn Mỹ đến tìm hiểu về Tân Cương thực tế, chứ không phải từ những lời đồn, lời nói dối.

Việc Trung Quốc ban hành Luật An ninh quốc gia đối với Hong Kong và sửa đổi cách thức bầu cử tại Hong Kong đều nhằm mục đích hoàn thiện hệ thống “Một nước, hai chế độ” và đảm bảo sự ổn định phát triển lâu dài của “Một nước, hai chế độ,” “người Hong Kong lãnh đạo Hong Kong,” “mức độ tự trị cao.”

Mỹ nên tôn trọng những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc thực hiện “Một nước, hai chế độ.” Một trong những truyền thống ngoại giao của Trung Quốc là tất cả các quốc gia lớn nhỏ đều bình đẳng, không bao giờ có hành vi gây áp lực, cũng như kiên quyết phản đối việc gây áp lực của các quốc gia khác.

Khi chủ quyền quốc gia và tự tôn dân tộc bị gây áp lực và xâm phạm, tất nhiên Trung Quốc phải có những biện pháp đối phó hợp lý và hợp pháp, mục đích là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình và bảo vệ công bằng chính nghĩa quốc tế.

Trung Quốc không bao giờ đe dọa các nước khác bằng vũ lực, không bao giờ tham gia các liên minh quân sự, không bao giờ xuất khẩu ý thức hệ, không bao giờ gây chuyện với các nước khác, không bao giờ can thiệp vào công việc của nước khác.

Trung Quốc cũng không chủ động tiến hành chiến tranh thương mại, không gây sức ép đối với doanh nghiệp nước khác một cách vô lý. Trung Quốc sẵn sàng cùng với các quốc gia khác cùng nhau phản đối tất cả các loại hành vi gây áp lực trên thế giới này.

Trung Quốc và Mỹ phải vượt qua tiền lệ “các cường quốc mới nổi chắc chắn sẽ xung đột với các cường quốc trước đây,” vượt qua sự khác biệt về hệ tư tưởng và chế độ xã hội, vượt qua tư duy Chiến tranh Lạnh và tư duy đối đầu nhóm, tích cực tìm kiếm con đường chung sống hòa bình, hợp tác cùng thắng giữa hai cường quốc.

Hy vọng rằng, hội đồng đối ngoại Mỹ sẽ giữ vững lập trường khách quan, công bằng và phát huy vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ trở lại đúng quỹ đạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục