Trung Quốc phản đối kịch liệt thuế khí hậu

Trung Quốc đã kịch liệt phản đối đề nghị của Mỹ đòi áp dụng thuế carbon đối với nhập khẩu từ những nước từ chối hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Trung Quốc đã kịch liệt phản đối đề nghị của các nhà làm luật Mỹ đòi áp dụng thuế carbon đối với nhập khẩu từ những nước từ chối hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Hà Á Phi cho rằng biện pháp này của Mỹ có thể làm tổn hại tới nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, đồng thời khẳng định Trung Quốc phản đối những ý đồ nhằm đẩy mạnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch núp dưới danh nghĩa biến đổi khí hậu.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra dự luật về thay đổi khí hậu và được Hạ viện nước này thông qua vào tuần trước.

Đây là dự luật nhằm cắt giảm tình trạng rò rỉ khí thải gây hiệu ứng nhà kính qua một hệ thống được gọi là “hạn chế và thương mại”. Tuy nhiên, các nhà làm luật đã bổ sung một điều khoản áp đặt thuế trừng phạt đối với hàng hóa từ những nước không khống chế rò rỉ khí thải.

Mặc dù dự luật này được ca ngợi là bước đi đầu tiên chưa từng thấy của Mỹ nhằm chống lại tình trạng biến đổi khí hậu trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Copenhagen (Đan Mạch) vào tháng 12 tới, song điều khoản thuế carbon này đã bị Trung Quốc và Ấn Độ chỉ trích.

Bắc Kinh cho rằng thương mại và môi trường không thể gắn liền với nhau. Trong khi đó, hy vọng về việc thảo luận một hiệp định mới thay thế Nghị định thư Kyoto tại hội nghị Copenhagen sắp tới đang ngày càng trở nên mờ mịt, vì sự khác biệt có xu hướng gia tăng giữa các nước đang phát triển và phát triển.

Mới đây, Thụy Điển - nước đang đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên của Liên minh Châu Âu (EU) cho rằng sẽ rất nghiêm trọng nếu các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil không tham gia vào tiến trình cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

Trong khi đó, chuyên gia về vấn đề môi trường Lưu Bân thuộc Trường đại học Thanh Hoa, cho rằng các nước công nghiệp đã đưa ra áp lực bất bình đẳng đối với các nước đang phát triển, và các cuộc thảo luận về thay đổi khí hậu chủ yếu đề cập tới vấn đề chính trị và quyền làm giàu hơn là vấn đề môi trường./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục