Trung Quốc vận hành một phần đường ống dẫn khí đốt từ Nga

Đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia nối với đường ống dẫn khí đốt An Bình (tỉnh Hà Bắc) và Thái An (tỉnh Sơn Đông) ở miền Đông Trung Quốc đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 16/9.
Trung Quốc vận hành một phần đường ống dẫn khí đốt từ Nga ảnh 1Mỏ khí đốt Bovanenkovo do Tập đoàn năng lượng Gazprom phát triển trên bán đảo Yamal thuộc vùng Tây Bắc Siberia, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin Sputnik, ngày 16/9, công ty chịu trách nhiệm thực hiện dự án đoạn đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia qua Trung Quốc, PipeChina, thông báo Bắc Kinh đã chính thức đưa vào vận hành một đoạn đường ống dẫn khí đốt được cung cấp từ Nga trong khuôn khổ dự án này.

Thông báo nêu rõ đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia nối với đường ống dẫn khí đốt An Bình (tỉnh Hà Bắc) và Thái An (tỉnh Sơn Đông) ở miền Đông Trung Quốc đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 16/9.

[Nga thay thế Nord Stream 2 bằng đường ống dẫn khí đốt tới Trung Quốc]

Có thông tin cho rằng đoạn đường ống An Bình-Thái An là phần quan trọng của đường ống dẫn khí đốt của Trung Quốc, được nối với đường ống Sức mạnh Siberia của Nga.

Đoạn đường ống An Bình-Thái An dài 320 km, công suất 18,9 tỷ m3 khí/năm. Công trình xây dựng đoạn đường ống dẫn khí này khởi công vào tháng 10/2020.

Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Alexandr Novak cho biết đường ống dẫn khí đốt Sức mạnh Siberia 2, được thiết kế để cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, thực sự có thể thay thế đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.

Theo ông, Nga và Trung Quốc sẽ sớm ký các thỏa thuận cung cấp 50 tỷ m3 khí đốt/năm trong tương lai. Khối lượng này gần như ngang bằng công suất vận chuyển tối đa của Dòng chảy phương Bắc 1 (55 tỷ m3) đã ngừng hoạt động kể từ ngày 2/9.

Tuyến đường ống Sức mạnh Siberia hiện hành, chạy từ Nga sang Trung Quốc, được đưa vào vận hành từ cuối năm 2019 với công suất hằng năm lên đến 61 tỷ m3 khí đốt.

Tuyến đường ống này được xác định là nguồn doanh thu chủ chốt của Nga trong những năm tới, bởi châu Âu đang cố gắng xoá bỏ sự phụ thuộc lịch sử vào khí đốt của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục