Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố hai bị can: Lại Thị Vân (sinh năm 1980, trú tại xã Trọng Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), Phạm Bá Trạc (sinh năm 1959, trú tại phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”
Hai bị can bị Viện Kiểm sát cáo buộc về hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động sang Australia, chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng của 97 bị hại.
Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2017-4/2020, Cơ quan điều tra, Công an thành phố Hà Nội nhận được đơn của nhiều người tố cáo Lại Thị Vân và Phạm Bá Trạc có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc nhận tiền để làm thủ tục xin cho họ đi xuất khẩu lao động tại Australia nhưng sau khi nhận tiền lại không làm như đã cam kết.
Khi bị hại đến đòi tiền, Trạc, Vân bỏ trốn và chiếm đoạt số tiền đã nhận.
Qua điều tra cơ quan công an đã xác định, trong thời gian từ năm 2015-2017, Phạm Bá Trạc và Lại Thị Vân mặc dù không có chức năng, không có khả năng làm thủ tục đưa người khác đi xuất khẩu lao động tại Australia nhưng vẫn đưa ra thông tin gian dối, giới thiệu với nhiều người là Lại Thị Vân nhiều năm làm việc trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, Phạm Bá Trạc là cán bộ cấp cao trong cơ quan Nhà nước, có nhiều mối quan hệ có khả năng xin được cho nhiều người đi xuất khẩu lao động tại Australia.
Hai đối tượng cam kết người đi xuất khẩu lao động tại Australia sẽ được làm việc từ 2-4 năm với mức lương khoảng từ 3.000-4.000 USD/tháng.
Người lao động phải nộp tiền chi phí từ 5.000-30.000 USD tùy theo từng công việc: lao động làm mía đường có chi phí từ 5.000-10.000 USD/người, lao động hái cà chua với chi phí từ 20.000-30.000 USD/người.
Sau khi nộp tiền đặt cọc (từ 2.000-10.000 USD) khoảng 3 tháng, người lao động được xuất cảnh sang Australia làm việc và phải nộp nốt số tiền còn lại.
[Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng mạo danh Vụ trưởng Thanh tra Chính phủ]
Để mọi người tin tưởng, Trạc, Vân đã đưa họ đến phòng làm việc của Phạm Bá Trạc tại một cơ quan Nhà nước.
Tin tưởng thông tin Trạc, Vân đưa ra là thật nên có nhiều người thuộc nhiều tỉnh, thành phố đã trực tiếp hoặc thông qua trung gian nộp tiền, hồ sơ để nhờ hai đối tượng làm thủ tục cho họ hoặc cho người thân của họ đi xuất khẩu lao động.
Sau khi nhận tiền, Phạm Bá Trạc, Lại Thị Vân tổ chức cho người lao động đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Tràng An, Hà Nội. Tiếp đó, hai bị can thông báo cho người lao động về thời gian, địa điểm học tiếng Anh tại Trung tâm dạy nghề và đào tạo lao động SONA (địa chỉ tại thôn Do Hạ, xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội) và thuê giáo viên dạy tiếng Anh cho người lao động tại Trung tâm này.
Sau đó, người lao động được đưa đến phố Lò Đúc (Hà Nội) làm các thủ tục lăn tay, chụp ảnh… để làm visa, nhằm mục đích tạo niềm tin và kéo dài thời gian chờ đợi của người lao động.
Tuy nhiên, Trạc và Vân đã không làm thủ tục gì để đưa họ đi xuất khẩu lao động tại Australia. Hết thời hạn cam kết, các bị hại không được đi xuất khẩu lao động đến đòi tiền. Trạc, Vân viết cam kết sẽ trả lại tiền nhưng không trả mà bỏ trốn, chiếm đoạt số tiền đã nhận.
Ngày 11/7/2020, Phạm Bá Trạc đến Cơ quan điều tra đầu thú. Ngày 3/2/2021, Lại Thị Vân bị bắt theo lệnh truy nã của Cơ quan công an. Tại Cơ quan điều tra, hai đối tượng khai nhận về hành vi phạm tội của mình như trên.
Cơ quan tố tụng xác định, Lại Thị Vân và Phạm Bá Trạc đã lừa đảo chiếm đoạt của 97 bị hại với tổng số tiền hơn 29,3 tỷ đồng.
Các bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án yêu cầu Lại Thị Vân và Phạm Bá Trạc hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt của họ./.