Tuần hành tưởng nhớ huyền thoại chống mafia Falcone

Hàng vạn học sinh, sinh viên, dân thường và chính trị gia đã tuần hành kỷ niệm 22 năm ngày công tố viên nổi tiếng Giovanni Falcone thiệt mạng trong một vụ ám sát của mafia.
Tuần hành tưởng nhớ huyền thoại chống mafia Falcone ảnh 1Người dân Italy tuần hành tưởng nhớ công tố viên Falcone. (Nguồn: ilfattoquotidiano.it)

Hàng vạn học sinh, sinh viên, dân thường và cả các chính trị gia đã xuống đường tuần hành ở nhiều nơi trên đảo Sicily hôm 23/5, trong dịp kỷ niệm 22 năm ngày công tố viên nổi tiếng Giovanni Falcone thiệt mạng bằng bom trong một vụ ám sát của mafia ngày 23/5/1992 ở Capaci, ngoại ô Palermo, thủ phủ đảo Sicily.

Phát biểu ở đài tưởng niệm công tố viên Falcone tại Capaci, Bộ trưởng Nội vụ Italy Angelino Alfano nói rằng trách nhiệm của những người có lương tri Italy trong ngày này không chỉ là tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong cuộc chiến chống mafia, mà còn không ngừng chiến đấu vì lẽ phải.

Ông Alfano trước đó đã đặt hoa ở đài tưởng niệm, đúng nơi đã diễn ra vụ ám sát, khi một khối bom nặng nửa tấn đặt dưới mặt đường do mafia kích nổ đã giết chết ông cùng vợ và đội cận vệ bốn người của ông, khi Falcone đang từ sân bay về Palermo để tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống mafia của ông.

Chuyến thăm của ông Alfano đến Capaci là một trong số các hoạt động kỷ niệm diễn ra rộng khắp tại nhiều nơi ở Sicily nhằm kêu gọi người Italy không quên tội ác của mafia và thúc đẩy cuộc chiến chống lại chúng.

15.000 học sinh, sinh viên đã tuần hành trên các đường phố chính của Palermo, tay giơ cao những tấm ảnh của công tố viên Falcone.

Trước đó, hôm 22/5, một chuyến tàu chở 1.500 học sinh cũng khởi hành từ Civitavecchia đến Palermo. Trên chuyến tàu này có cả Tổng thống Italy Giorgio Napolitano và Chủ tịch Thượng viện Pietro Grasso, từng là một công tố viên nổi tiếng chống mafia.

Hôm 23/5, một lễ tưởng niệm với sự tham gia của Bộ trưởng Tư pháp Andrea Orlando và Bộ trưởng Giáo dục Stefania Giannini cùng hàng trăm học sinh, cũng được tổ chức ở nhà tù Ucciardone tại Palermo, nơi Falcone và các cộng sự đã tiến hành một phiên tòa lớn chưa từng có trong những năm 1980, xét xử hơn 400 kẻ tình nghi mafia. Đó được coi là sự mở đầu của những chiến dịch truy quét lớn nhắm vào Cosa Nostra, hệ thống mafia lớn nhất Italy thời bấy giờ, trên đảo Sicily.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Thượng viện Grasso đã kêu gọi mọi giai tầng xã hội Italy đoàn kết chống lại mọi hình thức xâm nhập của mafia vào các hoạt động kinh tế trong thời điểm hiện tại.

Trong một thông điệp gửi dân chúng, Tổng thống Napolitano cũng kêu gọi các lực lượng xã hội Italy hãy tìm cách để ngăn chặn quá trình thâm nhập sâu của mafia vào nền kinh tế.

Trong hơn 20 năm qua, kể từ khi công tố viên Falcone bị ám sát, mafia đã thay đổi nhanh chóng, để từ việc chỉ là những tổ chức tội phạm tham gia các hoạt động tội ác, như buôn lậu ma túy, bảo kê, cho vay nặng lãi, chúng đã thâm nhập sâu vào các hoạt động kinh tế của Italy nhằm rửa tiền.

Mafia đã tiến hành kinh doanh bãi rác thải trái phép, buôn người, thực hiện đầu tư vào các hoạt động khách sạn, nhà hàng và nhiều dịch vụ hợp pháp khác.

Theo ước tính sơ bộ của Cơ quan chống mafia quốc gia Italy (DIA), tổng "thu nhập" của mafia tăng dần theo từng năm. Năm 2014, ước tính, chúng kiếm được 180 tỷ euro, tăng 40 tỷ euro so với cách đây bốn năm.

Vào thời điểm năm 1992, khi công tố viên Falcone bị ám sát, người ta tin rằng, bằng những năm tháng chiến đấu không ngừng, Falcone và Borsellino, một công tố viên khác, là cộng sự và bạn thân của ông, đã trở thành những người đầu tiên trong các cơ quan tư pháp Italy xác định được nguồn gốc, cách thức hoạt động và các nhánh chân rết của mafia.

Hai tháng sau, công tố viên Borsellino cũng bị ám sát bằng một xe chở đầy thuốc nổ tại Palermo, khi mafia khai chiến với nhà nước Italy bằng một loạt các hoạt động khủng bố kéo dài đến năm 1993.

Mới đây, Quỹ Falcone, do gia đình ông lập ra, đã trao cho cảnh sát Italy chiếc máy tính cũ mà công tố viên Falcone đã sử dụng một thời gian trước khi bị ám sát. Người ta cho rằng, trong chiếc máy tính này, có thể vẫn còn lưu lại những tài liệu mật của ông.

Falcone và Borsellini được coi là những biểu tượng huyền thoại của Italy trong cuộc chiến chống mafia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục