Ngày 28/7, Tổng thống Tunisia Kais Saied cho biết ông đang giải quyết các vấn đề kinh tế và dịch bệnh COVID-19, đồng thời ra lệnh mở cuộc điều tra toàn diện về tham nhũng sau khi sử dụng các quyền hạn khẩn cấp để giải tán chính phủ và đình chỉ hoạt động của Quốc hội vào cuối tuần trước.
Trong đoạn video do Phủ Tổng thống Tunisia đăng tải, Tổng thống Saied kêu gọi các doanh nghiệp nước này giảm giá hàng hóa và không tiến hành đầu cơ tích trữ.
Ông cho rằng “những lựa chọn kinh tế sai lầm” đã gây ra những vấn đề tài chính nghiêm trọng cho đất nước.
Trước đó, Tòa án Tunisia đã mở cuộc điều tra chống tham nhũng nhằm vào 3 chính đảng của nước này, bao gồm đảng Ennahda và đảng Trái tim của Tunisia. Những đảng này bị tình nghi nhận tiền của nước ngoài trong chiến dịch bầu cử năm 2019.
[Cộng đồng quốc tế quan ngại trước tình hình căng thẳng tại Tunisia]
Cuộc điều tra được bắt đầu từ ngày 24/7 vừa qua trước khi Tổng thống Saied miễn nhiệm chính phủ và đình chỉ hoạt động của Quốc hội. Đảng Ennahda và đảng Trái tim của Tunisia cáo buộc hành động này là "cuộc đảo chính."
Liên quan tới cuộc chiến chống dịch COVID-19, cùng ngày 28/7, Tổng thống Saied đã ban bố các sắc lệnh yêu cầu thành lập trung tâm ứng phó nhằm điều phối nỗ lực chống dịch.
Tổng thống Saied đồng thời sa thải Giám đốc đài truyền hình quốc gia Mohamed al-Dahach và chỉ định một nhân vật khác thay thế. Trước đó, ông đã cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Ibrahim Bartaji và quyền Bộ trưởng Tư pháp Hasna Ben Slimane.
Kể từ tháng 1/2021, Tunisia đã rơi vào bế tắc chính trị trong bối cảnh bất đồng giữa Tổng thống Saied và Thủ tướng Hisham al-Mashishi về một cuộc cải tổ chính phủ.
Đất nước này cũng đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế, trong khi số ca mắc COVID-19 tăng nhanh giữa lúc có cảnh báo về khả năng sụp đổ của hệ thống chăm sóc y tế.
Mới đây nhất, Tổng thống Saied ngày 25/7 đã giải tán chính phủ của Thủ tướng Mechichi và đình chỉ hoạt động của Quốc hội.
Động thái này được cho là đã khiến tình hình leo thang thành cuộc khủng hoảng chính trị khi có nhiều người dân quốc gia Bắc Phi đổ ra đường bày tỏ sự ủng hộ, trong khi những người phản đối đã gọi đây là một cuộc đảo chính.
Trước thông tin về cuộc khủng hoảng chính trị tại Tunisia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã bày tỏ sự ủng hộ đối với quốc gia Bắc Phi này, trong khi Qatar nhấn mạnh sự cần thiết phải vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị đồng thời kêu gọi các bên liên quan ở Tunisia tiến hành đối thoại.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Tunisia Othman Jerandi đã kêu gọi Tunisia sớm công bố danh tính mới của Thủ tướng và thành lập Nội các./.