Tướng K. Hafter nhậm chức Tổng tư lệnh quân đội Libya

Ngày 9/3, Tướng Khalifa Haftar đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Libya tại một buổi lễ được tổ chức miền Đông Tobruk.
Tướng K. Hafter nhậm chức Tổng tư lệnh quân đội Libya ảnh 1Tướng Khalifa Haftar. (Nguồn: Reuters)

Ngày 9/3, Tướng Khalifa Haftar đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Libya tại một buổi lễ được tổ chức ở thị trấn miền Đông Tobruk, nơi đặt trụ sở của Quốc hội và Chính phủ được quốc tế công nhận ở Libya.

Trước đó, ngày 2/3 vừa qua, Tướng Haftar đã được Chủ tịch Quốc hội (HoR) được quốc tế công nhận của Libya Aqila Issa bổ nhiệm vào vị trí này, đồng thời được thăng hàm trung tướng.

Người phát ngôn của HoR Faraj Buhashim cho biết lễ nhậm chức của ông Haftar được tổ chức tại một căn cứ hải quân ở Tobruk dưới sự chứng kiến của Chủ tịch HoR và các tướng lĩnh cấp cao của quân đội quốc gia Libya.

Các biện pháp an ninh đã được siết chặt trên khắp thị trấn nhằm ngăn chặn âm mưu tấn công của các lực lượng Hồi giáo vũ trang đối địch.

Kể từ tháng 5/2014, Tướng Haftar, nhân vật có vai trò chính trong việc lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, đã phát động chiến dịch quân sự chống khủng bố tại Libya. Hiện lực lượng phi chính quy của ông Haftar đã sáp nhập quân đội quốc gia Libya chống các nhóm phiến quân Hồi giáo cũng như các lực lượng trung thành với liên minh Hồi giáo Fajr Libya (Bình minh Libya).

Ngày 9/3, các lực lượng trung thành với Tướng Haftar tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào nhóm phiến quân Hồi giáo Ansar Al-Sharia và các tay súng thuộc "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng tại thành phố thủ phủ miền Đông Benghazi. Theo các nhân chứng, các đợt pháo kích liên tiếp dội xuống khu vực Suq Al-Hout ở Benghazi, trong khi lực lượng không quân tấn công vào sân bay Mitiga - sân bay duy nhất còn hoạt động tại thủ đô Tripoli do Faij Libya kiểm soát.

Liên quan tình hình an ninh tại Libya, truyền thông Libya đưa tin Áo và Czech đã cử các nhà ngoại giao tới Libya nhằm nỗ lực tiếp xúc với IS sau khi công dân của hai nước bị nhóm thánh chiến này bắt cóc tại mỏ dầu Ghani ở phía Nam thành phố Sirte hôm 6/3 vừa qua. Nhóm công nhân bị IS bắt gồm 9 người mang quốc tịch Áo, Czech, Bangladesh, Ghana và Philippines.

Trước đó, các tay súng IS đã tấn công 4 mỏ dầu ở phía Nam Sirte. Giao tranh khiến Tập đoàn dầu khí Quốc gia Libya phải đóng cửa 11 mỏ dầu tại địa phương này.

Trong khi đó, Algeria - quốc gia đóng vai trò trung gian hòa giải tại Libya - thông báo 15 quan chức cấp cao và các nhà hoạt động Libya sẽ tham gia tiến trình hòa bình do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ vào ngày 10/3 nhằm thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc cũng như khôi phục an ninh tại Libya./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục