Tuyên Quang chú trọng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tuyên Quang có nhiều tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa, khai thác hệ thống di tích lịch sử cách mạng.
Tuyên Quang chú trọng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn ảnh 1Du khách tham quan Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào. (Ảnh: Quang Đán/TTXVN)

Trong những năm gần đây, thành phố Tuyên Quang luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Mục tiêu của Tuyên Quang là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế ở các lĩnh vực khác. Để thực hiện được mục tiêu này, thành phố tập trung phát triển nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp để đánh thức tiềm năng du lịch.

Nhiều tiềm năng du lịch

Tuyên Quang có nhiều tiềm năng lớn để phát triển du lịch, nhất là các sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa, khai thác hệ thống di tích lịch sử cách mạng.

Tuyên Quang sở hữu nhiều điều kiện để phát triển tốt các loại hình du lịch, trong đó nổi bật là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình; Khu du lịch sinh thái Na Hang với diện tích rừng nguyên sinh rất lớn, với trên 8.000ha lòng hồ cùng với nhiều hang động, danh lam, thắng cảnh là điều kiện phát triển du lịch sinh thái, mạo hiểm.

Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm với nguồn nước khoáng nóng 680C độc đáo tốt nhất miền Bắc cùng với hệ sinh thái hài hòa là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Tuyên Quang là một vùng văn hóa đa hương sắc với nhiều dân tộc anh em, mỗi một dân tộc lại có những nét văn hóa riêng của mình. Cái riêng kết hợp cùng với cái chung tạo thành nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng.

Giống như một bảo tàng văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, Tuyên Quang đã và đang là điểm đến ưa thích của khách du lịch tâm linh trong và ngoài nước.

[Gần 500.000 lượt khách về thăm Khu di tích lịch sử đặc biệt Tân Trào]

Điểm nổi bật là thành phố Tuyên Quang, nơi có 13 ngôi đền thờ mẫu “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” và càng ý nghĩa hơn khi được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đặc biệt, lễ hội Thành Tuyên - điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch, quảng bá con người, quê hương Xứ Tuyên đến bạn bè, du khách gần xa và đã được sách kỷ lục Guinness Việt Nam xác nhận kỷ lục lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, lớn nhất Việt Nam.

Lễ hội Lồng tông, nghi lễ hát Then của người Tày; Lễ hội cấp sắc, hát Páo Dung của người Dao; hát Soọng Cô của người Sán Dìu; hát Sình Ca của người Cao Lan, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tạo đà cho du lịch phát triển

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030. Đồng thời, tỉnh đã lập hồ sơ và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng các di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Di tích quốc gia đặc biệt địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, huyện Chiêm Hóa và Khu danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang-Lâm Bình.

Tuyên Quang chú trọng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn ảnh 2Thác Mơ Na Hang. (Nguồn: tuyenquang.gov.vn)

Tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phối hợp tỉnh Bắc Cạn lập hồ sơ xây dựng Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn)-Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) trình UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Hoàn thành Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử Địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng; triển khai xây dựng đề án phát triển du lịch tâm linh; đề án Điểm dừng chân Đèo Gà gắn với du lịch cộng đồng tại xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa.

Tỉnh hoàn thành quy hoạch một số điểm như: Quy hoạch khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng soi Tình Húc; triển khai dự án công viên Bách Thảo Ngân; các điểm du lịch văn hóa tâm linh, di tích lịch sử ở thành phố Tuyên Quang; hoàn thành đầu tư đường giao thông phân khu du lịch Lâm viên Phiêng Bung, thuộc Khu du lịch sinh thái Na Hang; đầu tư đường trục chính nối từ trung tâm xã Hồng Thái tiếp giáp với tỉnh Bắc Cạn, thuộc Dự án hạ tầng du lịch khu du lịch sinh thái Na Hang; đầu tư hạ tầng Điểm di tích thắng cảnh Động Tiên (Hàm Yên); Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; Khu du lịch cộng đồng thuộc huyện Lâm Bình.

Xác định du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính đa ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại, an ninh quốc phòng và giữ gìn môi trường sinh thái; thông qua du lịch để gìn giữ và bảo vệ cảnh quan môi trường, bản sắc văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Tỉnh đã tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống, nông nghiệp chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế và du lịch.

Một số sản phẩm du lịch của tỉnh đang khẳng định thương hiệu như du lịch lễ hội; du lịch lịch sử, văn hóa; Du lịch tâm linh: hình thành thương hiệu “Vùng đất linh thiêng,” “Miền đất mẫu”...

Du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng như Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đã thu hút 6 doanh nghiệp lớn đang đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, trong đó có Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Tuyên Quang, đầu tư hạng mục: Khu biệt thự nghỉ dưỡng; Khu dịch vụ khám chữa bệnh bằng liệu pháp trị liệu nước khoáng nóng; khu khoáng nóng; khu dịch vụ, sân Golf Mỹ Lâm. Dự án đầu tư xây dựng sân golf và làng du lịch sinh thái Mimosa…

Đây sẽ là điều kiện để đưa Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm trở thành khu du lịch dịch vụ tổng hợp cao cấp, tạo đà thúc đẩy du lịch Tuyên Quang phát triển bền vững.

Khu du lịch sinh thái Na Hang đang nằm trong diện tích bảo vệ của Di tích quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình, đây là điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế khi Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể (tỉnh Bắc Cạn) - Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Cùng đó là phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh đã xây dựng và công nhận bốn điểm du lịch cộng đồng của huyện Lâm Bình, là thôn Nà Tông, thôn Nà Đông (xã Thượng Lâm), thôn Nà Muông (xã Khuôn Hà) và thôn Nặm Đíp (xã Lăng Can).

Hiện nay, các điểm du lịch cộng đồng này đang thu hút rất đông du khách đến trải nghiệm, trở thành điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu của tỉnh và được doanh nghiệp lữ hành liên kết đầu tư cùng khai thác phát triển.

Nhận thức của người dân, doanh nghiệp và các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương về vị trí, vai trò của hoạt động du lịch dần được nâng cao, thể hiện thái độ cởi mở, chân thành với du khách và tích cực tham gia phát triển du lịch.

Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường; tạo điều kiện môi trường thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư; kết quả đã thu hút một số doanh nghiệp lớn có năng lực, chuyên nghiệp đầu tư vào hoạt động du lịch và đang triển khai phát triển dự án du lịch; tập trung huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất-kỹ thuật du lịch; thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được thực hiện với nhiều hình thức, quy mô lớn hơn và đã có hiệu quả nhất định; công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, cách mạng và văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch được quan tâm; công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch ngày càng được đẩy mạnh.

Nhiều sản phẩm du lịch hình thành rõ nét và được du khách đánh giá cao với sản phẩm du lịch nổi trội như Lễ hội Thành Tuyên, du lịch cộng đồng Lâm Bình, du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, du lịch sinh thái Na Hang, du lịch tâm linh, du lịch về nguồn (Tân Trào).

Việc liên kết, hợp tác liên vùng, liên tỉnh và quốc tế được tăng cường nhằm khai thác, phát triển du lịch như thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý, khai thác phát triển du lịch; thông qua các buổi làm việc trực tiếp, hội nghị, hội thảo, khảo sát thực tế với các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp du lịch của các tỉnh nằm trong chương trình hợp tác phát triển “Qua những miền di sản Việt Bắc”; và quốc tế như Châu Văn Sơn (Vân Nam-Trung Quốc), Xiangkhouang (Lào), Hàn Quốc; ký hợp tác giữa tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, trong đó có lĩnh vực phát triển du lịch lòng hồ Tuyên Quang-Hà Giang... để đa dạng hóa và phát triển thị trường nguồn khách cũng như thu hút đầu tư vào du lịch./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục