Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, đặc biệt là mục tiêu số 5 về bình đẳng giới, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) khẳng định.
Trước thềm Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Trưởng đại diện Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women), bà Elisa Fernandez hoan nghênh những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền cho phụ nữ.
Theo bà Elisa Fernandez, Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý vững chắc về bình đẳng giới thông qua Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, cũng như ban hành Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.
Thành tựu của Việt Nam còn được thể hiện qua những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ Việt Nam trong mọi lĩnh vực, trong đó có chính trị.
[Bình đẳng giới tại Việt Nam: Từ chính sách tới thực tiễn]
Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tháng 6/2021 là một minh chứng rõ ràng, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt 30,26%, cao nhất kể từ năm 1976 và cao hơn so với mức trung bình 25,5% của thế giới.
Với tỷ lệ này, từ vị trí thứ 65, Việt Nam đã vươn lên thứ 54 trong bảng xếp hạng Dữ liệu toàn cầu về Nghị viện Quốc gia - IPU tính đến tháng 8/2021, bà Elisa Fernandez nhấn mạnh.
Đây là một thành tựu đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, thông qua việc phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chính trị. S
Sự hiện diện và tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, cũng như quá trình hoạch định chính sách ở tất cả các cấp là vô cùng cần thiết để Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, bền vững và các mục tiêu SDGs trên nguyên tắc "Không để ai bị bỏ lại phía sau" - Người đứng đầu UN Women nhận định.
Trong phát triển kinh tế, bà Elisa Ferndandez nhấn mạnh, phụ nữ Việt Nam có những đóng góp đáng kể cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, bởi nữ giới chiếm 47,7% lực lượng lao động và lãnh đạo nữ trong các doanh nghiệp chiếm 26,5%, tỷ lệ cao so với bình quân ở khu vực.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong việc thực thi những chính sách về bình đẳng giới, bà Elisa Fernandez cũng khuyến cáo, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa tỷ lệ tham gia của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo ở khu vực công, thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ, giảm tỷ lệ bạo lực đối với trẻ em gái và phụ nữ, quan tâm hơn nữa tới các nhóm phụ nữ và trẻ em người dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật và nhiễm HIV, phụ nữ nông thôn hay những người bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và thiên tai.
Về hợp tác với Việt Nam trong thực hiện bình đẳng giới, bà Elisa Fernandez khẳng định, UN Women sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết về xóa bỏ phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao quyền của phụ nữ, tiến tới đạt bình đẳng giới.
Trong những năm qua, UN Women đã tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện chương trình thúc đẩy sự lãnh đạo và tham gia của phụ nữ trong phòng ngừa và ứng phó hiệu quả bạo lực giới cả trong gia đình và ngoài xã hội; hỗ trợ phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế thông qua khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội và các cơ hội việc làm bền vững; tư vấn lập kế hoạch và phân bổ nguồn lực phù hợp cho công tác thúc đẩy bình đẳng giới ở tầm quốc gia, bà Elisa Fernandez cho biết.
Bên cạnh đó, UN Women cũng thúc đẩy các chiến dịch truyền thông nhằm thay đổi những định kiến giới để phụ nữ cũng như nam giới, trẻ em trai cũng như trẻ em gái phát triển hết khả năng trong mọi lĩnh vực mà không có sự phân biệt về giới, bà Elisa Fernandez bày tỏ./.