Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP tại Việt Nam, đã có bài viết về vị thế và vai trò của phụ nữ Việt Nam trong đời sống chính trị-xã hội nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Những ngày này, các con phố ở Hà Nội được tô điểm bởi muôn vàn sắc hoa, báo hiệu ngày Phụ nữ Việt Nam sắp đến, ngày lễ được tổ chức vào 20/10 hàng năm ở Việt Nam.
Đây cũng là dịp UNDP tại Việt Nam suy ngẫm về tầm quan trọng của việc đạt được bình đẳng giới, đặc biệt là sự tham chính và vai trò lãnh đạo của phụ nữ cũng như điểm lại những tiến bộ trong tiến trình này.
Yêu cầu này đã trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh nhiều cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến thế giới hiện nay trong đó có biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19, và các thách thức nhân đạo và phát triển khác đang đe dọa đảo ngược các thành tựu phát triển và gây ra tác động không cân xứng đối với phụ nữ.
Hậu quả của những cuộc khủng hoảng mới này đã thực sự cho thấy tầm quan trọng của việc phụ nữ tham gia đầy đủ vào quá trình xây dựng các chính sách công đáp ứng nhu cầu và quyền của mọi phụ nữ và trẻ em gái.
[Vai trò và vị thế quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ mới]
Việc trao quyền và sự tham gia của phụ nữ trong chính trị là để xây dựng các thể chế đại diện, công bằng và hiệu quả - một phần quan trọng trong quá trình phục hồi toàn diện sau các nguy cơ an ninh mới và đối phó với các thách thức về phát triển mới phát sinh.
Khi nói đến vai trò của phụ nữ trong tham gia vào quá trình ra các quyết định chính trị, Việt Nam đã có một khuôn khổ pháp lý đầy đủ để đảm bảo bình đẳng giới trong đời sống chính trị và hoạt động xã hội. Điều 26 Hiến pháp quy định rõ ràng nam và nữ có quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực. Quy định này cũng đã được củng cố trong Điều 11 của Luật Bình đẳng giới (2006). Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng khen ngợi so với các nước trong khu vực.
Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Khoảng cách giới năm 2022, Việt Nam đạt 0,705 trên thang điểm từ 0 đến 1 về chỉ số chênh lệch giới, xếp thứ 83 trong số 146 quốc gia (Việt Nam đã tăng 4 bậc từ 87 vào năm 2021 lên 83 vào năm 2022).
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có những mục tiêu tham vọng hơn về trao quyền cho phụ nữ và vai trò lãnh đạo của phụ nữ.
Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2018 của Đảng đặt ra mục tiêu, tỷ lệ nữ cấp uỷ viên các cấp đạt từ 20-25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%. Chiến lược bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Hãy điểm lại tiến độ của chúng ta nhằm hướng tới các mục tiêu này. Trong cuộc bầu cử năm 2021 gần đây, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội tăng lên 30,26%, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua ngưỡng quan trọng được xác định là cần thiết để phụ nữ có tác động rõ ràng đến quá trình ra quyết định.
Theo kết quả nghiên cứu ban đầu của chúng tôi về bình đẳng giới trong hành chính nhà nước tại Việt Nam, trong mười năm qua (2012-2022), mặc dù trung bình nữ giới chiếm 40% cán bộ các cấp Bộ, nhưng họ chỉ nắm giữ khoảng 21% các vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo trong Chính phủ có 2 nữ bộ trưởng trong tổng số 22 bộ và cơ quan ngang bộ.
Chúng ta cần nhìn nhận những lý do căn bản dẫn đến khoảng cách giữa các mục tiêu trên và thực tế và làm thế nào để biến tất cả các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới trong chính trị thành hiện thực.
Theo ấn phẩm “Tầm nhìn Phát triển Con người 2020: Vượt lên các chuẩn mực xã hội-Một yếu tố tối quan trọng sẽ làm thay đổi tình trạng bất bình đẳng giới” do Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố ngày 5/3/2020, một trong những lý do dẫn đến bất bình đẳng giới là thành kiến lâu đời đã đặt ra nhiều thách thức đối với quá trình tiến tới bình đẳng thực thụ.
Một số nghiên cứu chúng tôi đã thực hiện ở Việt Nam đã củng cố hơn nữa phát hiện này.
Báo cáo Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) của UNDP các năm 2019, 2020 và 2021 đã chỉ ra rằng niềm tin xã hội và văn hóa vẫn là một trong những trở ngại lớn để tăng cường sự tham gia của phụ nữ ở cấp thôn và cấp tỉnh, những nơi mà cử tri vẫn thích bầu cho ứng cử viên nam có gia đình hơn ứng cử viên nữ có gia đình.
Ngoài ra, theo nghiên cứu “Vai trò, hoạt động và đóng góp của nữ đại biểu dân cử Việt Nam trong giai đoạn 2016-2021,” các đại biểu nữ đang tập trung vào một số lĩnh vực chính sách công như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và việc làm trong khi sự tham gia của họ còn hạn chế trong các lĩnh vực quan trọng khác như tài chính công, an ninh quốc gia, an ninh, chính sách kinh tế.
Trong bối cảnh nói trên, UNDP Việt Nam luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết và mục tiêu về bình đẳng giới trong khu vực công.
Sự hỗ trợ của chúng tôi trong thời gian tới sẽ được định hướng bởi Chiến lược Bình đẳng Giới của UNDP giai đoạn 2022-2026, bao gồm các trọng tâm chính sau: tăng cường huy động sức mạnh, tiếng nói và ảnh hưởng tập thể của phụ nữ, thúc đẩy các chính sách và dịch vụ công đáp ứng giới, tăng cường sự lãnh đạo của phụ nữ và sự tham gia của phụ nữ trong hòa bình và phục hồi, thay đổi các chuẩn mực xã hội tiêu cực và tạo điều kiện thu thập dữ liệu và phân tích tốt hơn phục vụ cho công tác hoạch định chính sách.
Trong năm 2022 đánh dấu 45 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc, UNDP tại Việt Nam đã bắt tay mạnh mẽ vào công tác tăng cường huy động sức mạnh, tiếng nói và ảnh hưởng tập thể của phụ nữ thông qua một số sáng kiến cụ thể.
Trên thực tế, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để phát triển và nuôi dưỡng đội ngũ nữ lãnh đạo tương lai trong các tổ chức Đảng và cơ quan Chính phủ bằng cách hỗ trợ và bồi dưỡng các cán bộ nữ trẻ vào các vị trí lãnh đạo, chúng tôi đã hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập 3 mạng lưới nữ lãnh đạo tại Nghệ An, Thái Bình và Kon Tum.
Các mạng lưới tại địa phương này được thiết lập nhằm bồi dưỡng khuyến khích phụ nữ nắm giữ các vị trí lãnh đạo thông qua tập huấn, học hỏi đồng nghiệp và kết nối.
Ngoài ra, thông qua hợp tác với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chúng tôi đã đồng tổ chức chương trình tập huấn đặc biệt với chủ đề “Phụ nữ trẻ chuẩn bị sẵn sàng tham gia lãnh đạo” thông qua chương trình kèm cặp bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cho 30 nữ lãnh đạo trẻ triển vọng.
Điều cốt yếu trong lúc này là thời gian, không chỉ vì không còn lâu nữa chúng ta sẽ đến thời hạn hiện thực hóa các mục tiêu của Việt Nam vào năm 2025 và năm 2030, mà quan trọng hơn là vì sự tham gia bình đẳng và đầy đủ của phụ nữa là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững và toàn diện, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chúng ta phải cùng nhau hành động ngay từ bây giờ, với quyết tâm tập thể và tầm nhìn chung để có thể đạt được bình đẳng giới trong chính trị.
Vào ngày hôm nay, tôi muốn khích lệ phụ nữ Việt Nam từ mọi tầng lớp trong xã hội hãy phá vỡ các khuôn mẫu định kiến giới, vượt lên các thành kiến xã hội; tin tưởng vào khả năng và tiềm lực của mình cho sự phát triển của Việt Nam.
UNDP tại Việt Nam mong muốn được hợp tác với tất cả các bạn, các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác phát triển để thúc đẩy các nỗ lực của quốc gia nhằm đặt được sự tham gia bình đẳng và có ý nghĩa thiết thực của phụ nữ trong chính trị tại Việt Nam ./.