UNFPA hỗ trợ hơn 158 tỷ đồng ngăn chặn bạo lực giới tại 4 tỉnh thành

Hội Nông dân Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm thay đổi những chuẩn mực xã hội trong giải quyết bạo lực trên cơ sở giới, bất bình đẳng giới…
Lễ công bố dự án “Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác”. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Lễ công bố dự án “Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác”. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 31/5, Hội Nông dân Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã công bố dự án “Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác” tại Hà Nội. Đây là dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia lần thứ 10 của UNFPA dành cho Việt Nam giai đoạn 2022-2026.

Với vai trò là chủ dự án, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế triển khai tại bốn tỉnh thành: Hà Nội, Thanh Hóa, Đà Nẵng và Lâm Đồng với tổng ngân sách 6,9 triệu USD (khoảng hơn 158 tỷ đồng).

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ của UNFPA về mặt kỹ thuật trong những năm qua, đặc biệt là trong việc thiết lập tổng đài trợ giúp miễn phí và cung cấp chăm sóc, trợ giúp cho phụ nữ nông thôn có nguy cơ bị bạo lực.

“Dự án mới ra mắt ngày hôm nay sẽ là đóng góp lớn của chúng tôi trong hành trình giải quyết bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam. Hội Nông dân Việt Nam cam kết thực hiện dự án theo hướng đổi mới thiết thực, hiệu quả nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam và đảm bảo sự an toàn cho họ đồng thời giải quyết các chuẩn mực xã hội, thực hành có hại liên quan đến định kiến giới, vốn là nguyên nhân gốc rễ của bạo lực trên cơ sở giới,” ông Định nói.

Dự án dự kiến sẽ hỗ trợ công tác vận động dựa trên bằng chứng và cung cấp tư vấn kỹ thuật cho việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và Luật Bình đẳng giới nhằm đảm bảo bất kỳ nội dung nào liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại sẽ được phản ánh đầy đủ trong các điều Luật này; đảm bảo các bộ luật tuân thủ các thông lệ quốc tếvà các chính sách liên quan trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam.

Dự án cũng sẽ xây dựng và triển khai những sáng kiến đổi mới và dựa trên kỹ thuật số về truyền thông xã hội và thay đổi hành vi nhằm huy động sự tham gia của cộng đồng, tập trung vào thanh thiếu niên; nam giới và trẻ em trai và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương khác. Mục tiêu của dự án là nhằm thay đổi thái độ, hành vi cũng như đưa ra các hành động ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới cũng như các thực hành có hại khác.

[Nhân rộng mô hình hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới tại nhiều tỉnh, thành]

Trong khuôn khổ dự án, các chiến lược dựa trên bằng chứng và đổi mới sáng tạo thu hút nam giới tham gia giải quyết các hành vi nam tính có hại và xây dựng mối quan hệ lành mạnh sẽ được xây dựng và thí điểm. Chương trình “Làm cha trách nhiệm” sẽ được nhân rộng ở ít nhất 3 tỉnh mới. Dự án sẽ triển khai thí điểm trung tâm xử lý khủng hoảng dành cho nam giới trong việc xây dựng mối quan hệ bình đẳng, lành mạnh và không có bạo lực.

Bà Naomi Kitahara,Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chia sẻ: “Giải quyết bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại là một trong ba trụ cột chính trong Kế hoạch Chiến lược mới của UNFPA cho giai đoạn 2022-2025 và cũng là một ưu tiên rõ ràng trong chương trình quốc gia mới cho giai đoạn 2022-2026 của UNFPA Việt Nam. UNFPA sẽ nhân rộng quy mô những nỗ lực của mình để chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại tại Việt Nam.”

Những kết quả mang tính chuyển đổi trong Kế hoạch Chiến lược tổng thể của UNFPA bao gồm: Không có tử vong mẹ có thể phòng ngừa được; không có nhu cầu kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng; không có tình trạng bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại khác đối với phụ nữ và trẻ em gái./.

Đầu năm 2022, Ban Điều hành Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc đã phê duyệt Chương trình Quốc gia lần thứ 10 dành cho Việt Nam với ngân sách 26,5 triệu USD nhằm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) đến năm 2030, hướng tới những nhóm dân số có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái, thanh thiếu niên, người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới.

Chương trình phù hợp với Khung Hợp tác Phát triển Bền vững của Liên hợp Quốc để Việt Nam thực hiện cam kết mang tính chuyển đổi “Không để ai bị bỏ lại phía sau.”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục