Ứng phó kịp thời 'khủng hoảng kép,' PVN tránh khỏi tình trạng thua lỗ

Cùng với sự hồi phục của giá dầu thế giới, kết quả tài chính của PVN trong tháng Năm cũng có sự khởi sắc. Nổi bật là tổng doanh thu toàn Tập đoàn 5 tháng đạt 237.800 tỷ đồng.
Ứng phó kịp thời 'khủng hoảng kép,' PVN tránh khỏi tình trạng thua lỗ ảnh 1Kiểm tra thiết bị trên giàn khoan. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mặc dù chịu tác động của cuộc "khủng hoảng kép" do giá dầu suy giảm và dịch bệnh COVID-19, song Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vẫn ghi nhận những kết quả sản xuất kinh doanh khả quan. Nổi bật trong 5 tháng đầu năm, PVN vẫn nộp Ngân sách Nhà nước ở mức cao.

Để đạt được kết quả đó, trong công tác quản trị, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đại diện PVN, tập đoàn đã chủ động xây dựng và triển khai kịp thời các gói giải pháp cấp bách ứng phó với tác động kép của dịch bệnh và giá dầu thấp.

Lãnh đạo PVN đã có chỉ thị yêu cầu toàn bộ Tập đoàn và các đơn vị thành viên chủ động nắm bắt, cập nhật thông tin thị trường về cung cầu, biến động giá dầu thô, sản phẩm dầu khí, từ đó xây dựng phương án, kịch bản điều hành cụ thể để ứng phó, kể cả những kịch bản cho phương án xấu nhất.

Bên cạnh đó, lãnh đạo PVN thường xuyên có các buổi giao ban với đơn vị, từng khối lĩnh vực nhằm nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng đơn vị, từng khối lĩnh vực.

“Tinh thần được Tổng giám đốc quán triệt tại tất cả các cuộc họp là phải bám sát diễn biến tình hình, quản trị biến động, chủ động đưa ra các dự báo, đánh giá, có các giải pháp, phương án cụ thể cho từng thời điểm, cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn, kịp thời báo cáo các khó khăn, vướng mắc để tìm cách tháo gỡ, thực hiện tốt nhất các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra, thậm chí cao hơn, áp lực hơn,” đại diện PVN thông tin.

Ngoài ra, PVN và các đơn vị thành viên đã khẩn trương xây dựng quy định nội bộ trong toàn PVN nhằm quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời kỳ dịch COVID-19 một cách an toàn.

Tập đoàn cũng rà soát công việc, tăng cường quản trị, triển khai các giải pháp nhằm tiết giảm chi phí; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa ra các kịch bản đối phó với từng tình huống giá dầu xuống thấp nhất, thậm chí là kịch bản xấu nhất như buộc phải dừng hoạt động các mỏ, nhà máy lọc dầu; các đơn vị tăng cường chia sẻ thông tin, nguồn lực, thị trường... nhằm tối ưu hiệu quả hoạt động trong cả chuỗi giá trị của PVN.

[Kêu gọi doanh nghiệp ưu tiên tiêu thụ xăng dầu sản xuất trong nước]

Qua 2 tháng triển khai, gói giải pháp ứng phó “khủng hoảng kép” đã phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả. Điều này được nhìn nhận rõ nhất qua kết quả sản xuất kinh doanh tháng 5 của PVN.

Ứng phó kịp thời 'khủng hoảng kép,' PVN tránh khỏi tình trạng thua lỗ ảnh 2Giàn khoan mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thống kê cho thấy, tổng sản lượng khai thác quy dầu 5 tháng đạt 8,99 triệu tấn, vượt 4,4% kế hoạch 5 tháng. Sản lượng khai thác dầu thô đạt 0,96 triệu tấn, lũy kế 5 tháng đạt 5,01 triệu tấn, vượt 8,6% kế hoạch 5 tháng...

Cũng theo đại diện PVN, sản xuất điện sau 5 tháng đạt 9,05 tỷ kWh. Kết quả này đánh dấu tháng vượt kế hoạch do các nhà máy điện của PV Power vận hành liên tục, ổn định, đáp ứng yêu cầu huy động của hệ thống cũng như tham gia thị trường điện hiệu quả.

Một tín hiệu tích cực khác là mức tồn kho sản phẩm dầu khí cuối tháng 5/2020 có xu hướng cải thiện so với tháng trước. Trong đó, sản phẩm xăng dầu tồn kho tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu Nghi Sơn (PVNDB) giảm từ 23% - 65%, trong khi sản phẩm đạm tồn kho của Nhà máy Đạm Cà Mau giảm hơn 48%.

Với những kết quả khả quan từ sản xuất kinh doanh, cùng với sự hồi phục của giá dầu thế giới, kết quả tài chính của PVN trong tháng Năm cũng có sự khởi sắc.

Nổi bật là tổng doanh thu toàn Tập đoàn tháng 5 đạt 38.300 tỷ đồng, tăng 1,6% so với tháng 4/2020, lũy kế 5 tháng đạt 237.800 tỷ đồng. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn tháng 5 đạt 4.300 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thực hiện tháng 4/2020 và lũy kế 5 tháng đạt 28.900 tỷ đồng.

Bên cạnh việc triển khai gói giải pháp, PVN cùng các đơn vị thành viên đã triển khai quyết liệt việc tiết giảm chi phí, tăng cường quản trị, tối ưu nguồn lực và nâng cao năng suất lao động… nhờ đó, đến hết tháng 5/2020, toàn Tập đoàn đã tiết giảm chi phí trên 8.700 tỷ đồng, đem về lợi nhuận sau thuế hợp nhất 7.100 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm.

Trong thời gian tới, dựa trên việc phân tích, đánh giá, PVN nhận định mặc dù nhu cầu dầu thô và các mặt hàng xăng dầu tiếp tục có hướng gia tăng, tỷ lệ thuận cùng với mức phục hồi kinh tế thế giới và trong nước nhưng đồng thời cũng có muôn vàn khó khăn đang tiềm ẩn phía trước.

“PVN và các đơn vị sẽ tiếp tục trao đổi thông tin, thường xuyên cập nhật gói giải pháp, sẵn sàng ứng phó với các biến động của thị trường, bám sát mục tiêu sản xuất kinh doanh, quyết liệt tiết giảm chi phí, chủ động, bình tĩnh vượt qua thách thức,” đại diện PVN chia sẻ thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục