USAID/HPI và thành tựu 5 năm hỗ trợ người có HIV

Trong vòng 5 năm qua, USAID/HPI đã hỗ trợ cho những người bị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS về việc làm, giáo dục, y tế...
Trong vòng 5 năm qua, Dự án Sáng kiến Chính sách Y tế của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/HPI) đã hỗ trợ 6 văn phòng trợ giúp pháp lý cho những người bị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS về việc làm, giáo dục, y tế và các lĩnh vực khác.

Thông tin trên đã được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đưa ra trong Hội nghị tổng kết Dự án USAID/HPI tổ chức sáng 14/8, tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Joakim Parker - Giám đốc USAID Việt Nam, trong vòng 5 năm qua USAID đã hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam để xây dựng các chính sách liên quan đến HIV nhằm ứng phó hiệu quả hơn với đại dịch HIV/AIDS. Tuy nhiên, ông Joakim Parker cũng nhấn mạnh rằng, thách thức đối với tất cả các nước phát triển là phải tạo dựng được một môi trường chính sách dài hạn, cho phép cung cấp các dịch vụ cứu sống dành cho những người chung sống với HIV.

[Hơn 17.000 cán bộ y tế tập huấn kiểm soát dịch bệnh]

Từ năm 2008, dự án USAID/HPI đã hỗ trợ khung pháp lý của Việt Nam và tập huấn cho cán bộ của trên 300 cơ quan nhà nước và tổ chức cộng đồng tại địa phương để họ có thể tham gia hiệu quả hơn vào quá trình đối thoại và vận động chính sách nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho những người có nguy cơ hoặc chung sống với HIV. 

USAID/HPI đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nhóm người sống chung với HIV và các nhóm cộng đồng khác, hỗ trợ họ đăng ký tư cách pháp nhân và xây dựng cẩm nang hướng dẫn cho các tổ chức dân sự.

Bên cạnh đó, dự án USAID/HPI đã góp phần giúp sửa đổi và ban hành mới 13 chính sách và quy định về HIV/AIDS và các chính sách này đã đem lại những thay đổi tích cực. Đó là quá trình vận động chính sách của dự án USAID/HPI đã dẫn đến việc Chính phủ Việt Nam quyết định đóng cửa các trung tâm 5 (trung tâm chữa bệnh-giáo dục-lao động xã hội dành cho phụ nữ mại dâm). Nhờ những sự hỗ trợ hiệu quả của dự án, đến nay, đa số người bán dâm được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ dự phòng HIV quan trọng.

Theo thông tin từ USAID, thông qua việc hợp tác với các ban ngành địa phương, USAID/HPI đã hỗ trợ xây dựng chương trình 100% sử dụng bao cao su theo tiếp cận đa ngành và bền vững đầu tiên ở Việt Nam cho những phụ nữ mại dâm và khách hàng của họ. Hiện, dự án đang hỗ trợ xây dựng một thông tư liên bộ về cung cấp bao cao su nhằm nhân rộng và duy trì chương trình trên.

Về việc đào tạo nguồn lực, các cán bộ dự án USAID/HPI cũng đã tập huấn cho 65 nhóm tự lực của những người có HIV/AIDS nhằm giúp họ lãnh đạo và quản lý nhóm tốt hơn.

Để việc hoạt động được hiệu quả, những người thực hiện dự án đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hoàn thiện luật và chính sách trong các lĩnh vực điều trị nghiện ma túy, dự phòng HIV trong hoạt động mại dâm và vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc cung cấp các dịch vụ HIV/AIDS.

Dự án USAID/HPI được triển khai trong 5 năm (2008-2013) với tổng kinh phí tài trợ 10 triệu USD từ Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR)

Những năm qua, chính phủ Hoa Kỳ thông qua chương trình PEPFAR đã tài trợ trên 500 triệu USD kể từ năm 2005 để hỗ trợ phòng chống lây lan HIV tại Việt Nam và chăm sóc cho những người chung sống hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và gia đình của họ./.

Thùy Giang (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục