"Ưu tiên đào tạo nhân lực để phát triển tốt Tây Bắc"

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cho rằng muốn để Tây Bắc phát triển tốt, công việc cần ưu tiên trước hết là đào tạo nguồn nhân lực.
Nhân dịp Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc thăm, làm việc tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Phó Thủ tướng về những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc và nội dung liên quan xung quanh việc tập trung đông người ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé.

-Thưa Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, được Bộ Chính trị giao trọng trách chỉ đạo các vấn đề liên quan đến việc phát triển đời sống kinh tế-xã hội khu vực các tỉnh miền núi Tây Bắc, Phó Thủ tướng có nhận định gì về những chuyển biến trong đời sống của người dân nơi đây thời gian qua?

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Nhìn một cách tổng thể, Tây Bắc là khu vực khó khăn nhất trong cả nước với địa hình đồi núi cao, giao thông cách trở, kinh tế còn kém phát triển.

Tuy nhiên, những năm vừa qua, Tây Bắc đã có những bước tiến đáng kể trên các mặt: kinh tế-xã hội-giáo dục-văn hóa. Nếu như những năm trước, còn thiếu thốn nhiều về lương thực, thực phẩm thì hiện nay, đồng bào Tây Bắc đều đã đủ ăn. Có những tỉnh, lượng lương thực sản xuất dư thừa so với nhu cầu. Đặc biệt, hạ tầng giao thông vùng Tây Bắc cũng đang từng bước phát triển góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Đơn cử như Đèo Pha Đin, trước đây đi lại rất khó khăn, nay đã được hạ thấp và được xây dựng đường với chất lượng tốt, thuận tiện cho người và các phương tiện giao thông qua lại; hay như quốc lộ 70 nối liền từ Phú Thọ, qua Yên Bái lên đến Lào Cai.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng, tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa hai chiều giữa khu vực cửa khẩu với nội địa. Tây Bắc cũng đã có nhiều mô hình kinh tế rất hiệu quả, điển hình như nghề nuôi cá hồi, cá tầm và các loại nông, thủy sản giá trị kinh tế cao. Một số ngành nghề nông nghiệp khác như nuôi bò sữa, trồng chè sản lượng cao, trồng hoa, trồng cao su cũng được triển khai có hiệu quả... Các lĩnh vực khác như: giáo dục, xã hội, đặc biệt là văn hóa nghệ thuật cũng phát triển mạnh, góp phần bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho bà con.

Trên đà này, tôi tin tưởng rằng, trong 5 năm tới, với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Tây Bắc sẽ “thay da, đổi thịt” và có thêm nhiều thành tựu mới về mọi mặt.

-Thưa Phó Thủ tướng, chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần XI xuống cơ sở, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần phải lưu ý những vấn đề gì?

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng là sự kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc. Tất cả đảng viên, cán bộ và nhân dân cần giữ vững tinh thần này để từ đó vận dụng một cách linh hoạt vào từng nơi, từng chỗ, từng vùng miền, địa phương, phù hợp với điều kiện thực tế.

Tại vùng Tây Bắc, do đặc thù khí hậu khắc nghiệt, đồi núi hiểm trở, trình độ dân trí và một số mặt so với các vùng miền khác còn hạn chế, giao thông đi lại còn khó khăn, việc triển khai Nghị quyết của Đại hội cũng cần bảo đảm tính hợp lý, sao cho tinh thần của Nghị quyết thấm vào từng chủ trương, chính sách của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.

Muốn để vùng Tây Bắc phát triển tốt, có nhiều việc phải làm, công việc cần ưu tiên trước hết là đào tạo nguồn nhân lực. Cần tập trung sức người, sức của, thời gian cho công tác này. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng đến thế hệ trẻ, tầng lớp thanh, thiếu niên bằng nhiều hình thức như: Đào tạo tại chỗ hoặc tại các cơ sở của Trung ương, các tỉnh, thành phố lớn, thậm chí tại cả các nước có nền giáo dục tiên tiến.

Giao thông miền núi mặc dù đã có bước phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cần phải làm quyết liệt hơn nữa. Tây Bắc cần có thêm nhiều đường bộ, đường xe lửa, hàng không. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh việc giao thương với các nước láng giềng có chung đường biên giới như Lào, Trung Quốc nhằm khai thác hết các thế mạnh của vùng Tây Bắc. Có như vậy, mới nâng cao đời sống người dân.

-Phó Thủ tướng có nhận định như thế nào về vụ việc tụ tập đông người, gây rối vừa diễn ra tại bản Huổi Khon, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên?

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Sự việc xảy ra tại bản Huổi Khon được dư luận quan tâm, các cơ quan có trách nhiệm chỉ đạo giải quyết. Cho đến nay, tình hình tại đây đã yên ổn. Sự việc đã được giải quyết một cách rất thiện chí và nhân đạo. Mặc dù là vụ việc tụ tập đông người, gây rối, nhưng vẫn được giải quyết trong hòa bình. Tất cả đồng bào tụ tập theo lôi kéo, dụ dỗ của kẻ xấu, đều đã trở về quê quán.

Nguyên nhân của sự việc này có nhiều như trình độ nhận thức của một số đồng bào còn hạn chế; do luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu... Do đó, một số người nhẹ dạ, cả tin, hiếu kỳ đã nghe theo. Tuy nhiên, khi chúng ta làm rõ những luận điệu tuyên truyền sai trái này, thì đồng bào đã tự trở về địa phương.

Khi đồng bào trở về, chính quyền địa phương phải tiếp tục có trách nhiệm giải thích, giúp đồng bào hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu, tránh bị lôi kéo, dụ dỗ, đồng thời bảo đảm đời sống của đồng bào. Không để đồng bào bị đói; quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, đặc biệt chú ý tạo điều kiện cho con em đồng bào đi học, nhất là con em những đồng bào nhẹ dạ cả tin bị dụ dỗ, lôi kéo tập trung đông người, được tiếp tục trở lại học tập. Đảng và Chính phủ cũng sẽ có những chủ trương, chính sách cụ thể để đầu tư, thực hiện nhằm cải thiện đời sống cho bà con về giao thông, cơ sở vật chất, tín dụng, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, giải quyết việc làm cho đồng bào.

-Thưa Phó Thủ tướng, sau sự việc trên, thông điệp của Đảng, Nhà nước gửi đến đồng bào dân tộc ở Huổi Khon nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Bắc nói chung là gì?

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Thông điệp thì có nhiều, tuy nhiên, tôi đã chỉ đạo Đảng bộ, chính quyền huyện Mường Nhé cần tiếp tục gặp gỡ đồng bào, chia sẻ vui buồn với đồng bào, giúp đồng bào hiểu rõ những luận điệu, âm mưu của kẻ xấu để từ nay trở đi, không nghe theo những luận điệu này nữa mà tin tưởng vào những thông tin chính thống của các cấp chính quyền. Bà con cũng cần gìn giữ và vun đắp mối đại đoàn kết toàn dân tộc, yên tâm lao động, sản xuất. Đảng, Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện cần thiết để đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục