UUV - Nhân tố làm suy yếu sức mạnh răn đe hạt nhân

Trong bối cảnh công nghệ mới không ngừng phát triển, sự xuất hiện nhanh chóng của những thiết bị không người lái dưới nước (UUV) có thể làm suy giảm sức mạnh răn đe của vũ khí hạt nhân.
UUV - Nhân tố làm suy yếu sức mạnh răn đe hạt nhân ảnh 1(Nguồn: defenseindustrydaily.com)

Trang mạng aspistrategist.org.au đưa tin, sức mạnh răn đe hạt nhân phụ thuộc vào khả năng sống sót và đáp trả của những vũ khí chiến lược trước đòn tấn công phủ đầu của kẻ thù, đảm bảo có thể gây thiệt hại cho cả đôi bên.

Các tàu ngầm tên lửa đạn đạo có năng lực hạt nhân (SSBN) được coi là bệ phóng hạt nhân có sức bền lớn nhất nhờ các năng lực ẩn náu, tính lưu động và sự tự do hoạt động của chúng.

Việc đưa các thiết bị hạt nhân ẩn dưới mặt nước giúp chúng duy trì được một khoảng cách an toàn với một đòn phủ đầu hủy diệt.

Tuy nhiên, khi công nghệ phát triển và chiến trường dưới biển trở nên phức tạp hơn, những năng lực này còn có thể làm suy yếu khả năng sống còn của các lực lượng chiến lược trên khắp thế giới và khiến chúng càng dễ bị tổn thương hơn.

Công nghệ phát triển, như các thiết bị không người lái dưới nước (UUV), cũng làm gia tăng sự phức tạp của không gian chiến đấu và phá vỡ nguyên trạng.

Đội thiết bị không người lái dưới mặt nước có thể được triển khai để dò tìm các tàu ngầm tên lửa đạn đạo, nhắm vào một nền tảng quan trọng của sức mạnh răn đe hạt nhân.

Trong bài viết “Kỷ nguyên mới của sức mạnh đối kháng” năm 2017, hai tác giả Keir A. Lieber và Daryl Press đã biện luận rằng ở hầu hết thời đại hạt nhân, khả năng tồn tại của lực lượng đáp trả khá dễ hiểu.

Tuy nhiên, sự cải tiến trong công nghệ của sức mạnh đối kháng đã làm suy yếu nền tảng quan trọng của sự răn đe hạt nhân này.

Trong bối cảnh công nghệ mới tiếp tục làm gia tăng tiềm năng của những sự thay đổi lớn trong lĩnh vực quân sự, sự xuất hiện nhanh chóng của những thiết bị không người lái này có thể làm suy giảm tính tin cậy và sự hiệu quả của các SSBN.

Các UUV có thể hoạt động mà không cần sự điều khiển của con người và sở hữu nhiều ứng dụng kép (dân sự và quân sự).

Một số được sử dụng trong các mục đích thương mại, nghiên cứu hải dương học và thủy văn học.

["Trung Quốc dùng UUV ở Biển Đông nhằm phô trương sức mạnh"]

Tuy nhiên, các công nghệ UUV đã được mở rộng từ mục đích phòng vệ sang tấn công. Các UUV ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong các hoạt động tác chiến chống tàu ngầm và thực hiện nhiệm vụ như cài đặt các thiết bị kiểm tra cảm biến dưới đáy biển để dò tìm tàu ngầm của kẻ thù.

Chúng có thể thu thập thông tin về đối thủ, phát hiện và vô hiệu hóa bom mìn, săn lùng tàu ngầm và lập hải đồ dưới đáy biển. Chúng còn có thể làm nổ các đầu đạn…

Mỹ, Nga và Trung Quốc đều đang đầu tư vào công nghệ này để củng cố năng lực tác chiến chống tàu ngầm (ASW) và hiển nhiên là tương lai gần các UUV sẽ được triển khai trong các chiến dịch tác chiến.

Hải quân Mỹ đã đưa ra bản kế hoạch vĩ mô về UUV từ năm 2004, trong đó đề ra 9 khu vực ưu tiên cho các năng lực UUV trong tương lai.

Năm 2015, Chuẩn tướng Frank Kelly trở thành người đại diện thứ nhất của Hải quân Mỹ phụ trách các hệ thống không người lái.

Năm 2016, Bộ Quốc phòng được cho là đã chi 232,9 triệu USD để mua các UUV. Nga và Trung Quốc cũng không để bị bỏ xa.

UUV - Nhân tố làm suy yếu sức mạnh răn đe hạt nhân ảnh 2Các UUV có thể hoạt động mà không cần sự điều khiển của con người và sở hữu nhiều ứng dụng kép. (Nguồn: aspistrategist.org.au)

Một số thông tin cho biết từ năm 2015, Nga đã tích cực phát triển một “thiết bị sát thủ không người lái dưới biển.”

Chiếc Cephalopod được thiết kế cho chiến trường dưới nước. Chuyên gia về chiến tranh dưới nước H.I. Sutton cho biết thiết bị này có thể nhắm đến các tàu vận chuyển song ngư lôi của nó lại được dùng để phá hủy các tàu ngầm.

Còn theo một báo cáo của Tập đoàn RAND mang tên “Những xu hướng đang nổi trong sự phát triển hệ thống tự động của Trung Quốc,” Bắc Kinh đã tài trợ cho 15 trường đại học thực hiện các chương trình nghiên cứu UUV.

Các thông tin khác cũng cho biết Trung Quốc đang phát triển các UUV giá rẻ để phục vụ nhiều ứng dụng quân sự, trong đó có tấn công “liều chết” vào các tàu của kẻ thù.

Những xu hướng nói trên cho thấy sự phổ biến UUV sẽ tác động đến sự ổn định của chiến trường dưới nước.

Các năng lực mới thể hiện rằng nền tảng dưới biển của bộ ba tàu ngầm tên lửa, tên lửa đạn đạo liên lục địa mặt đất và các đội máy bay ném bom sẽ ngày càng trở nên dễ tổn thương.

Tuy nhiên, một số chuyên gia biện luận rằng công nghệ thiết bị không người lái dưới biển vẫn đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển và đối mặt với nhiều thách thức trong các hoạt động và liên lạc độc lập.

Tỷ trọng của nước biển khiến UUV khó có thể hoàn thành được các nhiệm vụ phức tạp đòi hỏi tốc độ ra quyết định.

Sẽ mất nhiều thời gian để công nghệ thiết bị không người lái dưới biển trở nên chín muồi và có thể đặt ra một mối đe dọa với các SSBN vốn có khả năng ẩn náu rất tốt, nhưng nếu một đội các thiết bị này hoạt động cùng nhau thì các tàu ngầm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc lẩn tránh sự phát giác.

Sự phát triển trong công nghệ UUV sẽ làm suy yếu tính ổn định của năng lực răn đe và mở ra một cuộc chạy đua vũ trang dưới nước mới, gia tăng những nguy cơ của sự leo thang thành một cuộc khủng hoảng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục