Ủy ban Pháp luật: Tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục xu hướng giảm

Năm 2020, các cơ quan hành chính tiếp nhận 305.769 đơn thư các loại, có 189.202 đơn đủ điều kiện xử lý, trong đó có 20.958 vụ việc khiếu nại, 8.120 vụ việc tố cáo.

Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 30, chiều 6/10, Ủy ban Pháp luật đã thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020.

Báo cáo tại Phiên họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương thường xuyên rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật là nguyên nhân phát sinh khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện quy định của pháp luật và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về công tác tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo.

Tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng giảm trên hầu hết các chỉ tiêu cơ bản. Kết quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đã góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự và thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, góp phần phục vụ thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phục hồi nền kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư có nhiều tiến bộ, nhiều đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng truyền hình trực tuyến, nhất là trong thời gian cao điểm của dịch COVID-19 và thực hiện giãn cách xã hội. Việc tiếp công dân của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước các cấp nhìn chung có chuyển biến tích cực.

[Nâng cao nhận thức về công tác xây dựng pháp luật của các bộ ngành]

Năm 2020, các cơ quan hành chính tiếp nhận 305.769 đơn thư các loại. Có 189.202 đơn đủ điều kiện xử lý (chiếm 62% tổng số đơn tiếp nhận), trong đó có 20.958 vụ việc khiếu nại, 8.120 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính nhà nước.

So với năm 2019, số đơn thư các loại tiếp nhận tăng 1,6%; số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giảm 15,5%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 0,8%.

Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.275 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 83,5%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 42,1 tỷ đồng; 72,7 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.020 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 13 đối tượng.

Ủy ban Pháp luật: Tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục xu hướng giảm ảnh 1Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong công tác chỉ đạo, điều hành, tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các bộ, ngành, địa phương và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.

Tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua đã có những chuyển biến tốt hơn so với các năm trước. Số lượt người, số đoàn đông người đến khiếu nại, tố cáo cũng như số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đều giảm. Qua đó góp phần tạo bầu không khí phấn khởi chào mừng các ngày lễ trọng đại của đất nước, bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự phục vụ tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Một số ý kiến cho rằng, Báo cáo của Chính phủ chưa có sự đi sâu, phân tích làm rõ sự khác biệt của năm 2020 so với các năm trước, chưa chỉ ra được đâu là nguyên nhân chính phát sinh khiếu nại, tố cáo. Phải chăng là do việc thi hành pháp luật chưa nghiêm, kể cả việc xử lý những hành vi lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để cố tình khiếu nại, tố cáo sai, kích động, gây mất trật tự xã hội? Hay là do pháp luật chuyên ngành có nhiều sơ hở, bất cập ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước?

Có ý kiến chỉ rõ, năm 2020, mặc dù dự báo tăng nhưng thực tế số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đều giảm (khiếu nại giảm 15,5%; tố cáo giảm 0,8%) và đây là năm thứ 2 liên tiếp sau năm 2019 giảm tỷ lệ số vụ việc này.

Đây là yếu tố tích cực, cần được phân tích, đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân, nhất là trong bối cảnh từ đầu năm 2020 đến nay diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp, để từ đó rút ra được kinh nghiệm trong quản lý, điều hành cho các năm tiếp theo.

Theo chương trình, trong phiên họp chiều nay, Ủy ban Pháp luật thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong đầu nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII đối với phần thuộc trách nhiệm của Ủy ban Pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục