Uy tín và trách nhiệm tạo thành công cho Liên hợp quốc

Liên hợp quốc đã làm tròn hai chức năng cơ bản nhất là thúc đẩy hòa bình và phát triển với uy tín và trách nhiệm cao.
Uy tín và trách nhiệm tạo thành công cho Liên hợp quốc ảnh 1Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổ chức nào họp nhiều nhất? Liên hợp quốc. Tổ chức nào lo cho nhân loại nhiều nhất? Liên hợp quốc. Và tổ chức nào có khả năng ngăn chặn chiến tranh hay thúc đẩy hòa bình cao nhất? Cũng là Liên hợp quốc.

Năm 2013, khi bước sang tuổi 68, tổ chức này đã làm tròn hai chức năng cơ bản nhất là thúc đẩy hòa bình và phát triển với uy tín và tinh thần trách nhiệm cao.

Với hàng nghìn cuộc họp tại trụ sở chính ở quận trung tâm Manhattan thuộc thành phố New York, Mỹ trong tòa nhà chọc trời hình bao diêm không lẫn vào đâu được và trụ sở thứ hai 2 ở Geneva (Thụy Sĩ), trong năm 2013, Liên hợp quốc đã giải quyết "một núi công việc" liên quan tới 170 đề mục của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 67 và kịp thảo luận, đề ra một số nghị quyết trong số 174 đề mục của Đại hội đồng khóa 68.

Tại những cuộc họp này, hàng loạt chủ đề được bàn thảo, từ sức khỏe sinh sản, hạn hán, lũ lụt, giống cây trồng, đến buôn bán vũ khí và bảo vệ tầng ozon, hay Chương trình nghị sự phát triển sau 2015,... và ra những nghị quyết, lời kêu gọi, mà có cái tưởng như…cho vui, chẳng hạn rửa tay trước khi ăn, xây thêm nhà vệ sinh,... nhưng đã giúp hàng trăm triệu người được dùng nước sạch, được tiếp cận với thế giới văn minh, tránh được nhiều loại bệnh tật.

Đương nhiên, có không ít văn bản liên quan tới mạng sống của hàng triệu người, số phận của cả một dân tộc hay một khu vực như Nghị quyết 2085 (tháng 1/2013) cho Pháp đưa quân vào Mali, hay Nghị quyết 2118 (tháng 9/2013) giải giáp vũ khí hóa học ở Syria.

Nếu Đại hội đồng khóa 67 đã làm được việc "động trời" mà 66 năm trước không làm được là nâng cấp Palestine từ "Thực thể quan sát viên” lên “Nhà nước quan sát viên phi thành viên,” thì năm nay, Đại hội đồng khóa 68 đã hiện thực hóa được việc làm đó, mời đại diện của Palestine lần đầu tiên bỏ phiếu tại Liên hợp quốc hôm 18/11 vừa qua.

Sự kiện người Palestine được bỏ phiếu ở Liên hợp quốc đã nói lên nhiều điều, phân biệt rõ trắng-đen, chứng tỏ những nỗ lực của Palestine được trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc đang được cả thế giới ủng hộ, và dường như nó chỉ còn là vấn đề thời gian.

Nếu trước đây, không ít lần Liên hợp quốc bị một số nước "qua mặt," tự ý mang bom đạn gieo rắc chết chóc, khơi mào hận thù ở nhiều nơi, thì năm 2013, Liên hợp quốc đã chủ động đứng ra quyết định những vấn đề "nóng hổi" của thế giới, điển hình là việc thông qua Nghị quyết 2118 về Syria vào đúng lúc súng ống của phương Tây đã lên nòng, chỉ chờ lệnh xả đạn vào quốc gia Trung Đông này.

Thế là nhờ Liên hợp quốc, đặc biệt hai nước thường trực Hội đồng Bảo an là Nga và Mỹ biết gác lại những mâu thuẫn, bất đồng, trải qua nhiều phiên họp thâu đêm suốt sáng, đặt hòa bình lên trên hết nên Syria, khu vực Trung Đông và cả thế giới đã thoát được một cuộc chiến, ít nhất là tính đến thời điểm này, nếu không hậu quả sẽ khôn lường.

Trong vấn đề hạt nhân của Iran, mặc dù không trực tiếp tham gia đàm phán, nhưng Liên hợp quốc đã đóng vai trò cầu nối rất quan trọng để dẫn tới thỏa thuận lịch sử ký tại Geneva (Thụy Sĩ), giải tỏa một trong những vấn đề gay cấn nhất của cộng đồng quốc tế hàng chục năm qua.

Chứng kiến những người có mặt trong khán phòng rộng mênh mông, chật ních người lắng nghe bài diễn văn của tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani vào dịp khai mạc Đại hội đồng 68 hồi tháng 9 và nhìn qua màn hình cảnh Ngoại trưởng Iran cùng những người đồng cấp Nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an và Đức) vui mừng sau khi ký thỏa thuận trên càng thấy rằng khi các bên thể hiện sự chân thành, biết lắng nghe lẫn nhau, tôn trọng lợi ích của nhau và cùng biết thỏa hiệp thì khó mấy cũng vượt qua, và đó luôn là ngôn ngữ đối thoại của Liên hợp quốc.

Gần 70 năm qua, có không ít lời phàn nàn rằng vì "ăn nhờ ở đậu" trên đất Mỹ nên Liên hợp quốc cứ chịu để Mỹ "chèn" mình, và muốn làm gì cũng phải "nhìn lên" Washington D.C. Thế nhưng, không hoàn toàn như vậy!

Việc cách đây vài năm, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) kết nạp Palestine; năm ngoái Liên hợp quốc nâng quy chế cho Palestine và mời đại diện Palestine tham gia bỏ phiếu; hay việc năm nay cùng với nhiều quốc gia thành viên khác, Liên hợp quốc đã mạnh mẽ tố cáo Mỹ lén lút do thám, theo dõi các hoạt động của mình,... đều chứng tỏ rằng tổ chức này đang ngày càng độc lập hơn và mạnh mẽ hơn.

Không dễ để làm được như thế nếu Liên hợp quốc không có nhà ngoại giao kỳ cựu người châu Á, nguyên Ngoại trưởng Hàn Quốc Ban Ki-moon.

Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã rất buồn lòng trước việc Arab Saudi bỏ chiếc ghế Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, coi đây là "nỗi đau không đáng có" của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, ông đã xử lý êm thấm mọi chuyện và Jordan đã được bầu thế chỗ.

Phải kể lại chuyện "độc nhất, vô nhị" này bởi ai cũng biết nhiều nước phải vất vả lắm, vận động nhiều năm trời mới có được chiếc ghế ấy. Thế mà, Arab Saudi đã "bỏ đi", gây ngỡ ngàng cho tất cả các nước, tác động tới một loạt mối quan hệ và làm xáo trộn đáng kể hoạt động của Liên hợp quốc.

Năm 2013 được ghi nhận là năm phát triển hết sức tốt đẹp của mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, thể hiện qua rõ nhất qua các cuộc tiếp xúc rất hiệu quả tại New York giữa Tổng Thư ký Ban Ki-moon và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Liên hợp quốc cũng đã hoàn tất những thủ tục cuối cùng để Việt Nam sớm tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của tổ chức này như một bằng chứng nữa về tính xây dựng, sự chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong những công việc chung của nhân loại.

Đó cũng là một trong những lý do để Việt Nam giành được số phiếu cao nhất trong số 14 quốc gia được bầu vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 trong cuộc bỏ phiếu hồi đầu tháng 11 vừa qua, bất chấp không ít rào cản, những chiến dịch tuyên truyền, vu khống của các thế lực thù địch.

Có thể nói, các hoạt động của Liên hợp quốc trong suốt năm 2013 vô cùng đa dạng và đã đạt được những kết quả nhất định trong một số vấn đề.

Uy tín và tinh thần trách nhiệm chính là những yếu tố quan trọng làm nên thành công đó, song còn rất nhiều việc phải làm và nhiều vấn đề đang chờ đợi tổ chức này giải quyết để đáp ứng sự mong đợi của các quốc gia và các dân tộc trên thế giới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục