Vai trò quan trọng của Việt Nam đối với khối doanh nghiệp Canada

Kể từ năm 2015 đến nay, Việt Nam luôn giữ vững vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN. Kim ngạch trao đổi thương mại Canada-Việt Nam trong năm 2021 vượt 6 tỷ USD.
Vai trò quan trọng của Việt Nam đối với khối doanh nghiệp Canada ảnh 1Kim ngạch trao đổi thương mại Canada-Việt Nam trong năm 2021 vượt 6 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. (Ảnh: Quang Châu/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, trong buổi điều trần chiều 27/4 tại Ủy ban thường trực về thương mại quốc tế thuộc Hạ viện Canada, Giáo sư Julie Đài Trang Nguyễn, Giám đốc Hiệp hội Canada-Việt Nam (CVS), đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của Việt Nam đối với các doanh nghiệp Canada, không chỉ trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), mà còn trên cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng lớn.

Kể từ năm 2015 đến nay, Việt Nam luôn giữ vững vị thế là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong khu vực ASEAN. Kim ngạch trao đổi thương mại Canada-Việt Nam trong năm 2021 vượt 6 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020.

Theo Giáo sư Julie Nguyễn, đa dạng hóa thương mại có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Canada và Ottawa cần xây dựng mối quan hệ bền chặt với các nước châu Á.

ASEAN - khối thương mại với tổng dân số 700 triệu người và quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên tới 5.000 tỷ CAD - hiện là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada.

[Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN]

Trong năm 2020, giá trị trao đổi hàng hóa giữa Canada và ASEAN đạt 26,7 tỷ CAD, trong khi giá trị thương mại dịch vụ ở mức 5,8 tỷ CAD.

Các con số này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng, trong bối cảnh Canada đã có cơ quan đại diện ngoại giao thường trực tại toàn bộ 10 quốc gia thành viên ASEAN.

Không chỉ đại diện cho một trong những khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, ASEAN còn là trung tâm trong cấu trúc an ninh khu vực của châu Á.

Phát biểu trước các nghị sỹ Canada, Giáo sư Julie Nguyễn khẳng định Việt Nam cũng sẽ là đối tác an ninh quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada, khi hai nước đều cam kết hướng tới chủ nghĩa đa phương, an ninh toàn cầu và chống biến đổi khí hậu.

Giáo sư Julie khuyến nghị Canada có thể cân nhắc tham gia mạng lưới các thỏa thuận thương mại tự do của Việt Nam - hiện bao trùm 60 nền kinh tế đại diện cho 90% GDP của thế giới.

Trong phiên điều trần ngày 27/4, với nội dung chính xoay quanh các cơ hội đối với các doanh nghiệp Canada tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Giáo sư Julie Nguyễn cũng nhắc lại những nhân tố mang tính nền tảng của mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa Canada và Việt Nam.

Đó là cả hai nước đều là thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ (La Francophonie), cùng tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Hiệp định Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Canada được ký kết năm 2017. Năm 2019, Việt Nam đã trở thành một trong 5 quốc gia có nguồn sinh viên quốc tế hàng đầu tại Canada. Canada mở Văn phòng tùy viên quốc phòng tại Hà Nội vào năm 2020.

Đầu năm nay, hai nước thành lập Ủy ban hỗn hợp về kinh tế (JEC) giữa Việt Nam và Canada.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Ottawa, Giáo sư Julie Nguyễn, hiện cũng là Giám đốc Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam, bày tỏ tin tưởng hợp tác giữa hai nước sẽ tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, khi Canada nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đối với chuỗi cung ứng, sức tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của quốc gia Bắc Mỹ này.

Trong thời gian tới, Hội đồng Thương mại Canada-Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục tổ chức các sự kiện cung cấp thông tin, kết nối, tạo thuận lợi cho hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục