Iran là một vấn đề đối với ông Joe Biden. Và hiện nay vấn đề này đang ngày càng trở nên phức tạp.
Vì các động thái khiêu khích của Iran và các hành động của chính quyền ông Donald Trump sắp mãn nhiệm, Tổng thống đắc cử Joe Biden đang phải đối mặt với một tình huống ngày càng bất trắc liên quan tới Iran - "kẻ thù truyền kiếp" của Mỹ và đang trở thành mục tiêu bị đổ lỗi rất nhiều về sự bất ổn của khu vực Trung Đông.
Chỉ trong tuần qua, chính quyền Tổng thống Trump đã điều động máy bay ném bom B-52 đến Vịnh Persia để đối phó nguy cơ tấn công của Iran và rút lệnh đưa tàu sân bay USS Nimitz về nước, tàu sân bay duy nhất của Mỹ ở trong khu vực này.
Ngày 4/1, Iran không chỉ tuyên bố nối lại hoạt động làm giàu urani - động thái vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015 - mà còn bắt giữ một tàu chở dầu gắn cờ Hàn Quốc và thủy thủ đoàn của con tàu này. Sự kết hợp dễ gây kích động này, diễn ra chỉ hai tuần trước lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ đắc cử, có nguy cơ làm sụp đổ hoặc ít nhất là trì hoãn những hy vọng của Biden về việc đưa Mỹ trở lại thỏa thuận hạt nhân mà Tổng thống Trump từng rút khỏi vào năm 2018. Hãy xem xét những diễn biến mới nhất:
Những động thái này sẽ gây leo thang căng thẳng nguy hiểm?
Lo ngại ngày càng dâng cao trong một vài tuần qua về việc Iran đang gây ra căng thẳng, đặc biệt là vào ngày 3/1 - tròn một năm ngày Mỹ sát hại một vị tướng hàng đầu của Iran ở Iraq. Các quan chức Mỹ đã cảnh giác cao độ về khả năng có động thái trả đũa từ Iran, bao gồm cả từ lực lượng dân quân đồng minh của Iran ở Iraq vốn trước đó đã phóng tên lửa vào các cơ sở của Mỹ ở nước này.
Mặc dù thông báo làm giàu urani hay vụ bắt giữ con tàu mang cờ Hàn Quốc dường như đều không liên quan gì đến cái chết của vị tướng này, nhưng hai động thái trên đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực vốn từ lâu đã trở nên khó lường.
Nguy cơ xảy ra xung đột quân sự?
Một phần của sự lo lắng là chỉ một hành động sai lầm - hay động thái cố ý khiêu khích - có khả năng sẽ châm ngòi chiến tranh. Không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ đang lên kế hoạch tấn công Iran, mặc dù Tổng thống Trump tuyên bố rằng sẽ đáp trả bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran hoặc lực lượng dân quân có mối liên hệ với nước này ở Iraq.
Quân đội Mỹ từ lâu đã có nhiều loại vũ khí và binh sỹ ở Trung Đông, theo đó có thể được huy động nếu xung đột nổ ra. Tuy nhiên, chính Trump đã chế nhạo ý tưởng lún sâu hơn nữa vào các cuộc chiến ở Trung Đông.
Kịch bản khiến các quan chức quân sự Mỹ lo ngại là Iran tiến hành một cuộc tấn công, bên trong Iraq hoặc ở những nơi khác trong khu vực Vùng Vịnh, kích động ông Trump trả đũa, dẫn đến tình trạng leo thang căng thẳng và có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh rộng hơn.
Đó là một phần lý do tại sao Mỹ duy trì tàu sân bay ở khu vực này gần như liên tục kể từ tháng 5/2019, khi Nhà Trắng lần đầu tiên khẳng định rằng Iran đang lên kế hoạch tấn công vào các lực lượng của Mỹ.
Tại sao USS Nimitz được yêu cầu trở về nước, sau đó lại được điều động trở lại?
Việc bất ngờ thay đổi quyết định liên quan tới việc điều động tàu USS Nimitz của quyền Bộ trưởng Quốc phòng Christopher Miller dường như đã làm ảnh hưởng tới nỗ lực của Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) trong việc thuyết phục Iran rằng nước này sẽ phải trả giá nếu tấn công vào các lực lượng Mỹ.
Con tàu khổng lồ USS Nimitz, được bổ sung máy bay tấn công và hỗ trợ, đang rời khỏi khu vực khi nó nhận được lệnh phải quay đầu và trở lại. Việc yêu cầu tàu USS Nimitz trở về nước đã được cân nhắc trong nhiều tuần, vì tàu sân bay đã được triển khai trong một thời gian dài và dự kiến sẽ về nước vào cuối năm 2020.
[Lãnh đạo tối cao Iran hối thúc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đơn phương]
Hoạt động của tàu sân bay này đã được kéo dài thêm vài tuần để hỗ trợ các đợt rút quân của Mỹ ở Afghanistan, Iraq và Somalia. Tuy nhiên, khi căng thẳng với Iran gia tăng vào giữa tháng 12, CENTCOM muốn giữ USS Nimitz ở lại. Mặc dù vậy, ngày 31/12/2020, Miller thông báo rằng ông đã yêu cầu tàu sân bay này trở về Mỹ. Ba ngày sau, ông Miller đã tự đảo ngược quyết định và nói rằng tàu USS Nimitz sẽ ở lại.
Việc hủy bỏ lệnh yêu cầu trở về nước đối với tàu USS Nimitz đã khiến một số quan chức quốc phòng ngạc nhiên, cho thấy quyết định này có thể được đưa ra tại Nhà Trắng chứ không phải do những tranh luận mới của các tướng lĩnh quân đội.
Việc điều máy bay ném bom B-52 tới vùng Vịnh có ý nghĩa gì?
Việc điều động loại máy bay ném bom tầm xa này không phải là chuyện phổ biến, nhưng đã trở nên thường xuyên hơn một chút trong những tuần gần đây nhằm phô trương sức mạnh quân sự. Đã có ba chiến dịch điều động máy bay ném bom B-52 đến khu vực trong vòng chưa đầy hai tháng, gần đây nhất là vào ngày 30/12.
Các chiến dịch điều động máy bay B-52 tới khu vực rồi trở về Mỹ nhằm cho thấy những máy bay ném bom này có thể đến khu vực nhanh như thế nào. Chúng có thể được trang bị tên lửa hạt nhân hoặc tên lửa thông thường.
Tướng Thủy quân lục chiến Frank McKenzie, chỉ huy hàng đầu của Mỹ tại Trung Đông, đã đưa ra thông điệp rõ ràng trong tuần này, ông nói: "Chúng tôi không tìm kiếm xung đột, nhưng không ai nên đánh giá thấp khả năng của chúng tôi trong việc bảo vệ các lực lượng của mình hay hành động quyết liệt để chống lại bất kỳ cuộc tấn công nào."
Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với chính sách Iran của Biden?
Nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden đã từ chối bình luận chi tiết về những diễn biến mới nhất nói trên và tác động của chúng tới các kế hoạch của họ. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Biden và các trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu của ông đã cho thấy những nét chính trong cách tiếp cận của họ với Iran.
Đứng đầu danh sách đó là đưa Iran trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và sau đó là mở rộng thỏa thuận này để điều chỉnh cả các hành vi phi hạt nhân vốn không được đề cập đến trong thỏa thuận ban đầu.
Bản thân ông Biden ủng hộ thỏa thuận với Iran nhưng vẫn còn một số dè dặt. Các cựu trợ lý cho biết ông Biden tin rằng thỏa thuận này là vững chắc nhưng vẫn có những lo ngại, bao gồm cả việc liệu cuối cùng thỏa thuận có ngăn được Iran phát triển vũ khí hạt nhân hay không.
Nhân vật được ông Biden lựa chọn vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia, Jake Sullivan, đã tham gia vào những ngày đầu trong quá trình tiếp cận Iran của chính quyền Obama, nhưng ông lại giành được lời khen ngợi từ những người chỉ trích thỏa thuận này vì đã tỏ ra hoài nghi về một số yếu tố của thỏa thuận.
Trong một dấu hiệu cho thấy đàm phán với Iran có thể là một ưu tiên của ông Biden, một nguồn thạo tin về quá trình chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng nói rằng tổng thống đắc cử dự định đề cử Wendy Sherman - trưởng đoàn đàm phán của chính quyền Obama với Iran về thỏa thuận năm 2015 - làm thứ trưởng ngoại giao.
Bà Sherman, người cũng đã tham gia vào các cuộc đàm phán trước đây với Triều Tiên, có thể phải đối mặt với một quá trình khó khăn để được chấp nhận vào vị trí này do đảng Cộng hòa phàn nàn về cách bà xử lý các cuộc đàm phán với Iran.
Ngoài ra, nguồn tin này - yêu cầu giấu tên - cho biết Jon Finer, người từng là Chánh văn phòng của Ngoại trưởng John Kerry trong quá trình diễn ra các cuộc đàm phán với Iran, sẽ được bổ nhiệm làm cấp phó của ông Jake Sullivan tại Hội đồng An ninh Quốc gia.
Tuy nhiên, Iran cho biết họ sẽ chỉ trở lại tuân thủ thỏa thuận nếu Mỹ tái tham gia thỏa thuận và hủy bỏ các lệnh trừng phạt mà Trump đã áp dụng trong 2 năm qua. Đồng thời, các trợ lý của ông Biden cho biết Iran không thể được nới lỏng trừng phạt trừ phi và cho tới khi nước này tôn trọng thỏa thuận.
Các động thái mới nhất của Iran, cùng với việc điều động lực lượng của chính quyền Trump, đã làm phức tạp các nỗ lực ngoại giao và làm tăng nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm, đặc biệt là khi căng thẳng giữa Iran và các nước láng giềng tiếp tục dâng cao.
Căng thẳng gia tăng, vốn đã khiến các lực lượng của Mỹ ở Iraq phải ở trong tình trạng cảnh giác cao độ, có thể khiến chính quyền Biden sắp nhậm chức gặp khó khăn trong việc xoay trục quân sự mạnh mẽ hơn về phía Nga và Trung Quốc./.