Vào mùa làm thêm, sinh viên cần tránh 'bẫy việc làm' ngày Tết

Thay vì về quê nghỉ Tết sớm, nhiều sinh viên đã chọn ở lại Thủ đô tìm việc làm thêm, vừa để có tiền trang trải học tập, vừa tích lũy kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng.
Vào mùa làm thêm, sinh viên cần tránh 'bẫy việc làm' ngày Tết ảnh 1Nhiều sinh viên đã tranh thủ làm thêm dịp Tết Nguyên đán để có tiền trang trải học phí, vừa tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng. (Ảnh: Nguyễn Hương/Vietnam+)

Thay vì về quê nghỉ Tết sớm, nhiều sinh viên đã chọn ở lại Thủ đô tìm việc làm thêm, vừa để có tiền trang trải học tập, vừa tích lũy kinh nghiệm và trau dồi kỹ năng.

Muôn kiểu việc làm

Còn hai tuần nữa là Tết Nguyên đán, song Thu Quỳnh (21 tuổi, Yên Bái) vẫn đang mải mê nhận đơn, xếp lịch lau dọn nhà cửa cho khách. Hai năm nay, cô sinh viên Học viện Tài chính và nhóm bạn tự đứng ra nhận đơn dọn nhà.

Quỳnh cho biết, sát Tết nên mức lương khá cao, với giá khoảng 100.000 đồng/giờ. Chỉ là lao động chân tay lại có thể chủ động sắp xếp để kịp về quê ăn Tết nên dọn nhà trở thành một trong những công việc được sinh viên săn đón mỗi dịp Tết đến xuân về.

Không chỉ là những công việc phổ thông, Tết Nguyên đán cũng là dịp mà nhiều sinh viên có thể kiếm việc làm thêm hợp với chuyên môn đào tạo, vừa có tiền, vừa thực hành nghiệp vụ.

Vũ Đình Tuấn, quê Hà Nam, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã nhanh tay đăng ký làm 'phó nháy' cho một phòng chụp trên phố Đường Thành. Tuấn cho biết, cậu đang tất bật với lịch chụp ảnh dày đặc cho khách cả trước và trong những ngày Tết.


[Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm đêm Giao thừa]

“Với lịch chụp này thì Tết này em sẽ không về nhà sum vầy cùng với gia đình được. Đây cũng sẽ là cái Tết đầu tiên em xa nhà nên em rất buồn. Nhưng em nghĩ điều đó cũng sẽ giúp mình có một trải nghiệm mới. Công việc chụp ảnh cũng sẽ giúp em có thêm kỹ năng quan trọng cho nghề báo sau này và có một khoản tiền lo việc học kỳ tới,” Tuấn chia sẻ.

Ở lại làm thêm và không về quê ăn Tết Kỷ Hợi cũng là lựa chọn của Trà My (22 tuổi, quê Thanh Hóa, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn. Công việc My lựa chọn là lễ tân trực tại một khách sạn trên đường Tô Ngọc Vân.

“Em học ngành quản trị khách sạn nên làm ở đây sẽ đúng chuyên ngành, là cơ hội thực hành, lương lại cao gấp ba lần ngày thường, khoảng 500.000/ngày, làm 10 ngày dịp Tết bằng cả tháng lương,” My tính toán.

Vào mùa làm thêm, sinh viên cần tránh 'bẫy việc làm' ngày Tết ảnh 2Đội xe ôm sinh viên trước cổng trường Đại học Công nghiệp. (Ảnh: Quỳnh Trang/Vietnam+)

Tránh sập bẫy việc làm

Dịp cận Tết có rất nhiều nơi cần người phụ việc, là cơ hội việc làm cho sinh viên, nhưng cũng rất nhiều người đã tận dụng điều này để trục lợi. Đánh vào tâm lý nôn nóng muốn kiếm tiền dịp Tết của sinh viên, không ít nơi đưa ra những đề nghị hấp dẫn với mức lương cao để lừa tiền, lừa công của họ. Do đó, dù đã có rất nhiều lời cảnh báo, không ít bạn trẻ vẫn sập bẫy việc làm.

Với Thu Quỳnh, bài học được rút ra là không nhận đơn việc từ các phòng trung gian không uy tín.

“Tết năm ngoái, do mới bắt đầu làm thêm nên em ít khách. Vì thế, em đăng ký hồ sơ với một văn phòng môi giới việc làm. Dù đã nói chỉ nhận dọn nhà ở không quá 4 tầng, họ vẫn yêu cầu em dọn công trình thi công. Em từ chối thì trung tâm thông báo hết việc và sẽ không được hoàn trả số tiền đặt cọc một triệu đồng do em từ chối việc làm,” Quỳnh bức xúc kể.

Không chỉ bị lừa bởi các trung tâm môi giới, nhiều sinh viên còn bị bắt chẹt bởi chính chủ, nơi mình làm việc. Đó là kinh nghiệm mà Trà My rút ra sau khi phải bỏ việc làm thêm tại một khách sạn trên phố Hàng Trống.

Vào làm tại đây từ tháng 12/2018, công việc chủ yếu của My tại khách sạn này là trực lễ tân, hỗ trợ các bộ phận chăm sóc khách hàng và phục vụ phòng. Mức lương cô nhận được theo đúng hợp đồng là ba triệu đồng/tháng, nếu làm xuyên tết sẽ được tăng 200% lương.

Thỏa thuận là vậy, nhưng My liên tục bị trừ lương rất nặng vì những lỗi nhỏ như không trả lời điện thoại ngay sau hồi chuông thứ nhất dù lúc đó đang bận việc khác, khăn trên bộ đồng phục thắt quá lỏng, tiếng giày cao gót chạm sàn quá to… Các lỗi này đều được ghi lại bởi một quản lý luôn theo dõi sát sao tất cả các nhân viên.

“Cảm giác luôn bị theo dõi và án trừ tiền cứ lơ lửng trên đầu khiến em lúc nào cũng phải nem nép, vì thế cũng không học hỏi được gì. Em nghỉ việc sau đó 3 tuần. Kinh nghiệm rút ra là phải tìm hiểu kỹ lưỡng về chỗ làm việc và đọc kỹ các thỏa thuận để đảm bảo lợi ích của mình,” Trà My nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục