Vì sao bề mặt đường băng Sân bay Vinh bị hư hỏng sau 5 năm khai thác?

Cục Hàng không Việt Nam cho hay sau 5 năm đưa vào khai thác, lớp bêtông nhựa trên cùng dày 7cm của đường băng Sân bay Vinh có dấu hiệu không kết dính bám với lớp bêtông bên dưới.
Vì sao bề mặt đường băng Sân bay Vinh bị hư hỏng sau 5 năm khai thác? ảnh 1Máy bay cất, hạ cánh tại Cảng hàng không Quốc tế Vinh ngày 4/7. (Ảnh: TTXVN phát)

Cục Hàng không Việt Nam cho biết vừa báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kết quả kiểm tra sự việc đường băng Sân bay Vinh bị hư hỏng và phải đóng cửa vào đầu tháng Bảy vừa qua.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam cho hay, qua rà soát quá trình xây dựng và bảo trì đường băng Sân bay Vinh cho thấy sau 5 năm đưa vào khai thác, mặt bêtông nhựa có dấu hiệu xuống cấp.

Lớp bêtông nhựa trên cùng dày 7cm có dấu hiệu không kết dính bám với lớp bêtông bên dưới.

Về yếu tố bất lợi của thời tiết, có thời điểm nhiệt độ lên 50 độ C làm giảm sức chịu tải của lớp mặt đường bêtông nhựa, dẫn đến lớp bêtông nhựa mặt đường dễ hằn lún, biến dạng và bong bật.

Vị trí hư hỏng lại ở khu vực máy bay quay đầu và cất cánh, có tính xung yếu, chịu lực kéo ngang và chịu tải trọng lớn khi cất cánh, nên lớp bêtông nhựa bề mặt càng dễ biến dạng, bong bật.

Cục Hàng không Việt Nam và Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thống nhất nhận định các nguyên nhân trên chỉ là kết quả xác minh ban đầu.

Còn để cụ thể, chính xác và toàn diện, việc đánh giá cần được thực hiện bởi tư vấn có đủ kinh nghiệm, năng lực. Nhiều việc sẽ phải triển khai như khoan khảo sát, đào hố thăm dò…

Để đảm bảo an toàn khai thác tại các cảng hàng không, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm xem xét, phê duyệt các danh mục bảo trì năm 2023-2024 để ACV sớm triển khai.

[Cục Hàng không phản hồi nguyên nhân sự cố nứt đường băng sân bay Vinh]

Về lâu dài, Cục Hàng không Việt Nam cho hay sẽ đánh giá và báo cáo Bộ Giao thông Vận tải tổng thể tình hình hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn tại các sân bay; trong đó có Sân bay Vinh.

Trên cơ sở đó mới kiến nghị xây dựng phương án cải tạo, sửa chữa lớn hoặc nâng cấp theo quy hoạch.

Đối với đơn vị đang quản lý các sân bay là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), sau sự cố trên, ACV cho biết đã tổ chức rút kinh nghiệm trong toàn hệ thống để không xảy ra sự cố tương tự trong tương lai.

ACV cũng yêu cầu đơn vị quản lý các sân bay khác rà soát, đánh giá thực tế hiện trạng đường băng các sân bay, làm cơ sở để bố trí kinh phí duy tu.

ACV dự kiến sẽ thuê tư vấn đánh giá hư hỏng mặt đường băng tại các sân bay đang quản lý để báo cáo Bộ Giao thông Vận tải bố trí nguồn lực sửa chữa, nâng cấp.

Bên cạnh đó, đơn vị này đang nghiên cứu phương án lắp camera giám sát đường băng đỗ để phát hiện hư hỏng, vật ngoại lai đảm bảo an toàn bay.

Theo ACV, đường băng Sân bay Vinh được đầu tư mới năm 1994, được sửa chữa lớn vào năm 2018.

Tới nay, đường băng Sân bay Vinh đã xuống cấp, xuất hiện nhiều hư hỏng, như lún, nứt, bong bật… dù đơn vị khai thác vẫn thường xuyên duy tu nhỏ.

Tháng 3/2023, ACV đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải ưu tiên đầu tư nâng cấp, cải tạo đường băng Sân bay Vinh, với tổng vốn hơn 598 tỷ đồng để thay toàn bộ 2 lớp bêtông nhựa mặt đường băng (dự án chưa kịp được xét đã xảy ra sự cố).

Như TTXVN đã đưa tin, sáng 3/7, giữa tim đường băng Sân bay Vinh xuất hiện vết nứt, ngay sau đó, Cục Hàng không Việt Nam đã yêu cầu tạm thời đóng cửa sân bay này để đảm bảo an toàn.

Vụ việc khiến hơn 30 chuyến bay phải hủy hoặc chuyển hướng hạ cánh ở các sân bay lân cận. Ngày sau đó, đại diện Sân bay Vinh cho biết nguyên nhân sự cố trên là do thời tiết nắng nóng. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng cần phải xem lại chất lượng đường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục