Vì sao có nghi lễ ban phát quạt trong ngày 'Tết sâu bọ' khi xưa?

Nghi lễ ban quạt trong triều đình xưa không chỉ là hình thức ban đồ vật để làm mát trong mùa Hè, mà còn thể hiện quyền uy và sự quan tâm của bậc thiên tử với bề tôi trong dịp Tết truyền thống này.

Nếu hằng năm chúng ta đã quen với tục ăn quả vải, rượu nếp hay bánh tro để diệt sâu bọ trong ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch, hay được gọi vui là "Tết sâu bọ"), thì năm nay, một nghi lễ hoàng cung đặc sắc đã được tái hiện tại không gian của Hoàng Thành Thăng Long. Đó là nghi lễ ban phát quạt cho các quan trong triều.

Ở thời Lê Trung Hưng khi xưa, nghi lễ ban quạt này diễn ra với mục đích khá đơn giản, đó là để quạt mát cho ngày Hè oi nóng. Việc này vừa thể hiện quyền uy của nhà vua, vừa thể hiện sự quan tâm của bậc thiên tử tới các quan trong triều với ý nghĩa ban phúc lành, sức khỏe và sự bình an.

Thời tiết giao mùa và nóng nực của Tết Đoan Ngọ cũng là khi các loại sâu bọ, côn trùng phát triển mạnh mẽ. Người Việt quan niệm rằng nếu ăn các các loại trái cây đầu mùa, đặc biệt là những loại chua, chát như mận, vải, dứa… sẽ giúp tiêu diệt các loại sâu bọ có trong cơ thể.

Ngày nay, các món ăn mở rộng ra đa dạng với rượu nếp, chè sen, bánh tro... và tiếp tục có các loại hoa quả đầu mùa trong mâm cúng dâng lên tổ tiên.

Việc tái hiện nghi lễ ban quạt trong Tết Đoan Ngọ đã giúp bổ sung, cung cấp cho cuộc sống hiện đại các kiến thức về truyền thống, nhắc nhở chúng ta về những giá trị sâu sắc của việc thực hành văn hóa vốn đã tồn tại từ lâu và được duy trì một cách rất gần gũi trong cuộc sống ngày nay./.

(Vietnam+)