Vì sao Mỹ thúc đẩy quan hệ với các đồng minh mới ở châu Âu?

Mối quan hệ giữa Mỹ với các đối tác truyền thống trong EU đang rạn nứt, Washington đã điều chỉnh chiến lược đối với châu Âu theo hướng thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước EU “mới.”
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng của tạp chí Georgetown Journal of International Affairs (Mỹ) mới đây đăng bài viết của Michal Boksa - nhà nghiên cứu về Trung và Đông Âu tại Quỹ Marshall Đức của Mỹ và là thành viên nghiên cứu của Hiệp hội các vấn đề an ninh quốc tế - với tiêu đề “Mỹ và các đồng minh mới ở châu Âu.”

Bài viết nhận định rằng kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ năm 2016, mối quan hệ giữa Mỹ với các đối tác truyền thống trong Liên minh châu Âu (EU) đã rạn nứt đáng kể, và Mỹ đã điều chỉnh chiến lược đối với châu Âu theo hướng thúc đẩy quan hệ đối tác với các nước EU “mới.”

Theo bài viết, trong những năm gần đây, ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu đã suy giảm đáng kể.

Brussels ngày càng theo đuổi những chính sách được xem là mang tính cạnh tranh hơn là mang tính bổ trợ cho những lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ.

Hiện nay, các đồng minh truyền thống của Washington ở Tây Âu đang thúc đẩy chính sách độc lập chiến lược của EU đối với Mỹ, nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng nói riêng cũng như tăng cường hợp tác quân sự nội khối EU nói chung.

Thêm vào đó, việc Anh rời EU (Brexit) sẽ làm giảm ảnh hưởng của Washington ở châu Âu, bởi Anh là đồng minh đã hỗ trợ đắc lực cho Mỹ trong việc điều hướng chính sách của EU phù hợp với mục đích chiến lược của Mỹ.

Trong khi các nước Tây Âu ngày càng cảnh giác và chỉ trích chiến lược toàn cầu của Mỹ, các nước Đông Âu là thành viên “mới” của EU ngày càng cho thấy họ là niềm hy vọng lý tưởng nhất của Nhà Trắng để đảm bảo sự hiện diện chính trị mạnh mẽ của Mỹ trong EU.

Mặc dù bị chỉ trích về tình trạng xuống dốc của nền dân chủ, song các nước Đông Âu thuộc EU lại chia sẻ nhiều quan điểm và lợi ích chiến lược tương đồng với Mỹ.

Điều quan trọng hơn cả là do có vị trí địa lý gần với Nga, đa số các nước Đông Âu tiếp tục coi Mỹ là "chiếc ô" để đảm bảo an ninh và chủ quyền của họ.

Đây là yếu tố khiến các nước Đông Âu thường có xu hướng ủng hộ Mỹ nhiều hơn ủng hộ EU.

Điều này được thể hiện rõ trong các lĩnh vực hợp tác quân sự và an ninh năng lượng của châu Âu.

Các chính quyền Mỹ gần đây đã yêu cầu các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chia sẻ gánh nặng và tăng ngân sách quốc phòng.

Chính sách hội nhập quốc phòng nội khối của EU có thể giúp tiết kiệm chi phí cho Mỹ, song lại không nhận được sự hưởng ứng của Mỹ vì Nhà Trắng cho rằng chính sách này của EU có thể là sự cản trở chứ không phải mang lại lợi ích chiến lược cho Mỹ.

Được coi là “con ngựa thành Trojan của Mỹ” ở EU, Anh đã hỗ trợ hiệu quả Mỹ trong việc ngăn chặn chính sách này của EU.

Vì vậy, giới quan sát không cảm thấy ngạc nhiên khi Quỹ Quốc phòng của EU (EDF) và Thỏa thuận Hợp tác cấu trúc thường trực về quốc phòng của EU (PESCO) được ra đời ngay sau khi Anh quyết định rời EU.

[Mỹ khẳng định mối quan hệ 'đặc biệt' với Anh hậu Brexit]

Tuy nhiên, cho dù Anh có rời EU hay không, các sáng kiến quốc phòng mới này của EU vẫn đang bị một số nước Đông Âu phản đối, nhất là Ba Lan, vì họ cho rằng chính sách hội nhập quốc phòng của EU có thể dẫn tới hậu quả là làm suy yếu mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương - điều mà nhiều nước Đông Âu không mong muốn.

Dưới góc độ chính sách đối ngoại của Mỹ, khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra.

Bằng cách tận dụng xu hướng ủng hộ Mỹ trong các nước Đông Âu thuộc EU, Washington có thể dễ dàng tái khẳng định và duy trì ảnh hưởng chính trị của mình ở châu Âu, thậm chí sau khi Anh rời EU.

Một liên minh giữa Mỹ và các nước Đông Âu thuộc EU như vậy là rất phù hợp vì cả hai bên đều chia sẻ quan điểm chung về lợi ích chính trị chiến lược.

Bên cạnh vấn đề hợp tác quốc phòng của EU, đa số các nước Đông Âu đều ủng hộ Mỹ chống lại các đối tác Tây Âu trong vấn đề an ninh năng lượng.

Điều này được minh chứng rõ trong dự án Dòng chảy phương Bắc 2 gần đây nhằm xây dựng đường ống dẫn dầu để vận chuyển khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức.

Trong khi Berlin chủ trương thúc đẩy việc hoàn thành dự án này, Mỹ lại kịch liệt phản đối.

Một cách chính thức, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence gần đây đã nhắc lại sự thất bại của Đức trong việc đối phó với mối đe dọa an ninh từ Nga.

Một cách không chính thức, điều này có thể là do nỗ lực của Mỹ nhằm vận động các đối tác châu Âu mua khí hóa lỏng (LNG) của nước này.

Một số nước Đông Âu thuộc EU cùng chia sẻ với Mỹ về mối quan ngại an ninh từ Nga và đã nỗ lực gây sức ép để Brussels ngăn cản việc triển khai dự án này.

Theo quan điểm của họ, việc EU phụ thuộc vào khí đốt của Nga đã gây phương hại cho an ninh châu Âu. Do đó, họ lo ngại Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ làm gia tăng nguy cơ về mối đe dọa an ninh đối với châu Âu từ Nga.

Quan điểm phản đối dự án xây dựng đường ống dẫn dầu này đã bắt đầu hình thành tại các nước Đông Âu.

Với nỗ lực nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của EU, nhiều nước Trung và Đông Âu đã thông qua các biện pháp để tái định hướng thị trường năng lượng theo hướng nhập khí hóa lỏng của Mỹ.

Điều này phù hợp với lợi ích của Mỹ. Hiện tại, một số nước đồng minh truyền thống EU như Pháp và Tây Ban Nha vẫn là đối tác chính nhập khẩu LNG của Mỹ.

Trong khi đó, đối với các nước Đông Âu như Ba Lan và Lithuania, việc tái định hướng chính sách nhập khẩu năng lượng hiện nay đã chính thức trở thành yếu tố trong chiến lược an ninh quốc gia của họ và điều này trùng với lợi ích của Mỹ.

Do vậy, khác với các nước Tây Âu, các nước Đông Âu không chỉ chia sẻ quan điểm chính trị-quân sự chung với Mỹ về mối đe dọa an ninh từ Nga và an ninh năng lượng, mà còn trao cho Mỹ cơ hội trong việc tìm kiếm thị trường mới để xuất khẩu khí hóa lỏng.

Sự song trùng về lợi ích cũng như sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước Đông Âu và Mỹ đã vượt qua các vấn đề nội bộ của châu Âu.

Trong khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước Trung và Đông Âu để thực hiện tham vọng chính trị của mình đối với EU, Mỹ cũng chia sẻ quan điểm chung với chính phủ các nước này.

Điều này được thể hiện rõ qua việc từ tháng 3-5/2019, tất cả Thủ tướng của 4 nước Trung Âu gồm Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary và Ba Lan đã được mời tới Nhà Trắng.

Việc chủ nghĩa dân túy chiếm ưu thế ở một số nước Đông Âu là thành viên EU “mới,” nhất là Hungary và Ba Lan, có thể coi là điểm tương đồng giữa chính phủ các nước này với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Những quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư và kiểm soát biên giới, chỉ trích phương tiện truyền thông thiếu khách quan và nỗ lực chống lại toàn cầu hóa là một số mẫu số chung giữa các nước Đông Âu thuộc EU và Mỹ.

Nhiều chính trị gia ở Đông Âu đã ủng hộ ông Trump trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, trong đó có Thủ tướng Hungary Victor Orban và Tổng thống Cộng hòa Czech Milos Zeman.

Bài viết kết luận: đối với Tổng thống Trump, việc xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước Đông Âu thuộc EU có thể được xem là một chiến lược thắng lợi. Làm suy yếu sự đoàn kết của Brussels bằng cách tạo ra mâu thuẫn trong nội khối EU nói chung, trong đó có sự khác biệt quan điểm về mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, có thể giúp Mỹ củng cố sự hiện diện về chính trị ở EU hậu Brexit./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục