[Video] Về Đông Giang xem người Cơ Tu gìn giữ nghề dệt truyền thống

Với đồng bào người Cơ Tu ở Quảng Nam, nghề dệt không chỉ là một truyền thống quý báu, mà còn là niềm tự hào, là sợi dây vô hình kết nối các thế hệ tại mảnh đất núi rừng Tây Trường Sơn.

Đặt chân đến những bản làng của người Cơ Tu ở Quảng Nam, không khó để bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ, các chị và các em gái ngồi trước hiên nhà, trong tay là những sợi chỉ đủ sắc màu đưa đi đưa lại.

Đối với người phụ nữ Cơ Tu, việc chính bàn tay dệt nên tấm váy, tấm khăn cho gia đình thể hiện sự khéo léo và độ trưởng thành của người con gái, bởi vậy mà tại đây không ai là không biết dệt.

Điều đặc biệt ở những tấm vải của người Cơ Tu là những hoa văn thường được đính thêm những hạt cườm lấp lánh. Đó có thể là những họa tiết truyền thống nhiều đời, cũng có thể là những hoa văn do trí tưởng tượng của những người thợ sáng tạo mỗi ngày.

[Người Cơ Tu Quảng Nam chung tay gìn giữ văn hóa truyền thống trăm năm]

Hoa văn càng cầu kỳ càng thể hiện sự tinh xảo và trình độ của đôi tay người dệt. Từ loại đơn giản như hoa văn cườm lá a tút, hàng rào, hình chiếc chong chóng… đến hoa văn cầu kỳ hơn như Mặt Trời, Mặt Trăng, thần linh... phải mất nhiều tiếng đồng hồ mới tạo thành. Chính vì thế, để dệt hoàn chỉnh một chiếc váy, áo, đôi khi phải mất nhiều tháng, có khi là cả năm trời.

Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng những người bà, người mẹ vẫn xem việc truyền lửa, truyền nghề cho con cháu là một sứ mệnh không thể lãng quên. Bởi với họ, nghề dệt không chỉ là một truyền thống quý báu, mà còn là niềm tự hào, một sợi dây vô hình nối liền thế hệ. Những bộ váy, bộ trang phục, những tấm khăn nhiều màu sắc, lấp lánh ánh cườm hàng trăm năm nay đã trở thành một phần không thể thiếu của núi rừng Tây Trường Sơn./.

(Vietnam+)