Cát có thể được sử dụng trong hoạt động sản xuất máy tính, giấy, thủy tinh, rượu vang, thẻ tín dụng và thậm chí là mỹ phẩm. Nhưng ngành xây dựng mới là nơi tiêu thụ lượng cát lớn nhất, khi thế giới đang trải qua quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh.
Nhu cầu sử dụng cát đã tăng vọt trong thời gian gần đây. Trung Quốc chiếm 1/4 lượng cát được sử dụng trên toàn thế giới mỗi ngày. Dubai hiện đã cạn nguồn cát dự trữ, sau khi phải dùng chúng để phục vụ các dự án xây dựng khổng lồ.
Ít người biết rằng phải mất hàng trăm ngàn năm để cát có thể được tạo ra thêm và việc khai thác chúng đặc biệt khó khăn do nhiều lý do.
Trước tiên, các mỏ cát đang dần cạn kiệt.
Thứ hai, việc hút cát từ đáy sông làm tăng nguy cơ xói lở đất, lũ lụt, vỡ bờ, khiến nhiều nơi phải ban lệnh cấm hút cát từ đáy sông.
Thứ ba, hút cát từ dưới biển sâu có thể hủy diệt hệ sinh thái tại khu vực bị khai thác. Hút cát quá gần bờ có thể khiến bãi biển bị thu hẹp diện tích, do số cát còn lại sẽ phải lấp đầy những khoảng trống hình thành sau hoạt động khai thác.
Nhu cầu sử dụng cát rất cao đã khiến giá cả của loại vật liệu này tăng vọt và khiến giới tội phạm nhảy vào cuộc.
Cát đang bị đánh cắp từ nhiều bãi biển, từ Maroc tới Ấn Độ, từ Sierra Leone tới Singapore. Mỗi năm có 75 triệu tấn cát bị đánh cắp trên toàn cầu.
Hiện đã xuất hiện một số giải pháp có thể thay thế cát. Người ta có thể nghiền vụn thủy tinh, gạch đá vụn từ các công trình bị phá hủy hoặc thậm chí là vỏ sò.
Tuy nhiên không phải loại cát nào cũng có thể sử dụng trong hoạt động xây dựng.
Đơn cử như cát sa mạc quá mịn và hạt cát quá tròn nên không phù hợp. Với tốc độ khai thác cát như hiện nay, khoảng 2/3 bãi biển của thế giới đang thu hẹp lại./.