Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn về đầu tư công nghệ cao

Liên minh châu Âu dự kiến sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022, đặc biệt là về công nghệ cao trong khi CSIS (Mỹ) nhận định Việt Nam đang trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á.
Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn về đầu tư công nghệ cao ảnh 1Một góc khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Theo trang Fibre2Fashion của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022, chủ yếu tập trung vào các ngành công nghệ cao cũng như các lĩnh vực kinh doanh “xanh” và bền vững.

Điều này sẽ góp phần thay đổi bức tranh đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam Jean-Jacques Bouflet cho biết tỉnh Bình Dương là một trong ba địa phương quan trọng nhất trong chương trình hợp tác của EuroCham ở Việt Nam.

Vào tháng 1/2022, một đoàn công tác của EuroCham tại Việt Nam do ông Bouflet dẫn đầu đã đến thăm tỉnh để tìm hiểu các cơ hội kinh doanh và đầu tư. Bình Dương, một trong những điểm đến đầu tư nước ngoài hàng đầu của cả nước, kỳ vọng EU sẽ đầu tư nhiều hơn nữa vào kinh tế “xanh,” kinh doanh bền vững, dịch vụ tài chính, năng lượng và logistics.

Trong tháng Một vừa qua, Việt Nam đã thu hút 2,1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 1,27 tỷ USD vốn tăng thêm của các dự án đầu tư hiện có.

[Doanh nghiệp EU đánh giá Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn]

FDI tăng nhờ sự đóng góp thông qua đầu tư lớn từ các nước thành viên EU, thể hiện cụ thể qua những con số như rtài trợ của Pháp tại Việt Nam trong tháng Một đã đạt 25,44 triệu USD, so với 2,28 triệu USD của cùng kỳ năm trước. Đầu tư của Đức vào Việt Nam đạt 12,77 triệu USD trong giai đoạn này, so với 0,96 triệu USD của tháng 1/2021.

Chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) - một chỉ số được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu và các nhà đầu tư từ EuroCham đánh giá cao - cho thấy các công ty châu Âu khép lại năm 2021 với tinh thần lạc quan hơn về môi trường thương mại và đầu tư của Việt Nam.

Có đến 43% doanh nghiệp dự định tăng đầu tư trong quý 1/2022, so với chỉ 17% của 3 tháng trước. Tương tự, 38,5% số doanh nghiệp dự định tăng số lượng nhân viên, lên khoảng 15%, trong khi hơn một nửa (51,5%) dự đoán về sự gia tăng đơn đặt hàng và doanh thu.

Cũng đánh giá cao về tiềm năng thu hút đầu tư công nghệ cao của Việt Nam như trang Fibre2Fashion, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định Việt Nam đang trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á.

Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn về đầu tư công nghệ cao ảnh 2Khu vực sản xuất của công ty ICT Vina (100% vốn Hàn Quốc). (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Trang csis.org của CSIS ngày 17/2 đã đăng bài viết cho hay Việt Nam nổi lên như một trung tâm phát triển năng động trong khu vực. Dù tổng giá trị hàng hóa của nền kinh tế Internet Việt Nam đang thua một số nước láng giềng, với ước tính khoảng 21 tỷ USD vào năm 2021, song con số đó dự kiến sẽ đạt 150-220 tỷ USD vào năm 2030.

Theo CSIS, các chính sách của Việt Nam đã định vị đưa đất nước trở thành một trung tâm khu vực về sản xuất công nghệ và chất bán dẫn. Những “gã khổng lồ” công nghệ như Apple, Samsung, LG và Foxconn, cùng với những công ty lĩnh vực khác, có sự hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam.

Bất chấp đại dịch COVID-19, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghệ vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam để phục vụ phát triển và sản xuất của các công ty như Microsoft, Sony, Pegatron, Nokia, Panasonic, Intel và Canon.

Việt Nam hiện cũng là một trung tâm của khu vực về nghiên cứu và phát triển (R&D) gia công phần mềm cho Cisco, Alcatel-Lucent, Toshiba, Hitachi, và Jupiter Networks, cùng nhiều công ty khác.

Việt Nam đang trên đường trở thành một nhà sản xuất chất bán dẫn quan trọng trong khu vực và là mắt xích ngày càng thiết yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu, CSIS nhận định.

CSIS cho hay Việt Nam đang áp dụng nhiều chính sách gồm cả các ưu đãi về thuế, tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư công nghệ. Là nền kinh tế đang phát triển, thị trường kỹ thuật số của Việt Nam có tiềm năng to lớn và đầy hứa hẹn.

Theo kế hoạch tổng thể của đất nước về Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam dự kiến lọt vào danh sách 40 quốc gia có thành tích hàng đầu trong Chỉ số Đổi mới toàn cầu, top 30 trong Chỉ số An ninh mạng toàn cầu của Liên minh viễn thông quốc tế và top 50 trong Chỉ số Phát triển chính phủ điện tử của Liên hợp quốc vào năm 2030.

Chính phủ Việt Nam mong muốn nền kinh tế kỹ thuật số đóng góp vào khoảng 30% GDP và năng suất tăng trung bình 7,5% hàng năm.

Việt Nam cũng hướng tới mục tiêu hoàn thiện và thiết lập các thành phố thông minh tại các khu kinh tế trọng điểm trên cả nước. Việt Nam hiện có tỷ lệ sử dụng Internet là 70,3%, đứng thứ 4 ở Đông Nam Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục