Việt Nam-Iran còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác song phương

Để cải thiện quan hệ thương mại song phương, Tiến sỹ Akbari cho rằng ngoài các mặt hàng truyền thống, Việt Nam cần tập trung xuất khẩu các mặt hàng máy tính, điện tử, quần áo, giày dép, trái cây.
Việt Nam-Iran còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác song phương ảnh 1Hạt điều là một trong các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Iran. (Ảnh: K GỬIH/TTXVN)

Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Iran ngày càng được củng cố và phát triển trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa, kinh tế và thương mại.

Nhân kỷ niệm 50 năm Việt Nam và Iran thiết lập quan hệ ngoại giao (4/8/1973-4/8/2023), phóng viên TTXVN tại Trung Đông đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Abed Akbari, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Tehran (Iran) về quan hệ Việt Nam-Iran cũng như triển vọng hợp tác giữa hai nước trong tương lai.

Theo Tiến sỹ Akbari, Iran và Việt Nam đều có lịch sử văn hóa và nền độc lập rực rỡ. Mối quan hệ Việt Nam-Iran hình thành và phát triển trong 50 năm qua dựa trên 3 thành tố là sự tôn trọng, phát triển quan hệ song phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa, và hợp tác mang tính xây dựng tại các tổ chức đa phương.

Trên cơ sở đó, Việt Nam và Iran có rất nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong tương lai.

Tiến sỹ Akbari khẳng định Iran rất coi trọng và sẵn sàng củng cố, phát triển quan hệ với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.

Trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hai nước đã có sự liên lạc và tham vấn chặt chẽ ở các cấp độ khác nhau.

Trong 2 năm trở lại đây, bất chấp các điều kiện bất lợi và diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, Việt Nam và Iran vẫn trao đổi nhiều đoàn các cấp.

Hợp tác trên các diễn đàn quốc tế giúp củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai nước trên cơ sở hợp tác xây dựng và hỗ trợ lẫn nhau.

Iran luôn ủng hộ Việt Nam ứng cử vào vị trí thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021-2025.

[Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Iran]

Bên cạnh đó, hai nước đều mong muốn tiếp tục hợp tác mang tính xây dựng tại các tổ chức đa phương. Tiến sỹ Akbari đánh giá với khả năng và tiềm lực hiện có, hai nước có nhiều dư địa để phát triển hơn nữa mối quan hệ hệ hữu nghị truyền thống.

Theo ông Akbari, số liệu từ các báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy Việt Nam là hình mẫu thành công về phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô nhờ cơ cấu nền kinh tế nhiều thành phần.

Việt Nam đang tiếp tục tiến hành các cải cách để trở thành một nền kinh tế đang phát triển mạnh và là điểm đến hứa hẹn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Quan hệ kinh tế-thương mại giữa Iran và Việt Nam hiện có mức tăng trưởng tốt so với nhiều thập kỷ trước. Hai nước đang rất nỗ lực để thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại ở mức độ mong muốn và theo hướng cân bằng.

Mặc dù vậy, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Iran trong những năm gần đây mới đạt bình quân 100 triệu USD/năm, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước.

Hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Iran chủ yếu là hạt điều, càphê, hạt tiêu và chè. Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm nhựa, sản phẩm dầu mỏ, kim loại và dược phẩm từ Iran.

Tiến sỹ Akbari cho rằng trở ngại lớn nhất đối với quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Iran chính là các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Tehran.

Từ năm 2018 đến nay, hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai nước gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thanh toán dưới hình thức chuyển khoản qua ngân hàng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai nước chưa có đầy đủ thông tin về năng lực, luật pháp, quy định và thủ tục kinh doanh tại mỗi nước.

Việt Nam-Iran còn nhiều tiềm năng để tăng cường hợp tác song phương ảnh 2Sản xuất chuối xuất khẩu tại huyện Đắk Đoa, Gia Lai. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Ngoài ra, hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước cũng bị hạn chế do những vấn đề khác như thiếu đường bay thẳng giữa hai nước, hệ thống vận tải không phù hợp, việc hai bên chưa quan tâm đến mô hình thương mại "hàng đổi hàng" như một phương tiện hiệu quả để tăng kim ngạch thương mại...

Để cải thiện quan hệ thương mại song phương, Tiến sỹ Akbari cho rằng ngoài các mặt hàng truyền thống, Việt Nam cần tập trung xuất khẩu các mặt hàng khác như máy tính, điện tử, quần áo và giày dép.

Ngoài ra Việt Nam cũng cần đẩy mạnh xuất khẩu các loại trái cây nhiệt đới như dừa, dứa, xoài, thanh long, chanh dây, bưởi và đu đủ rất được ưa chuộng tại thị trường Iran.

Về phía Iran, cần có các giải pháp để cải thiện quan hệ thương mại với Việt Nam, trong đó có việc hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; có tầm nhìn dài hạn về phát triển thị trường Việt Nam như tăng cường sự hiện diện của doanh nghiệp Iran tại các triển lãm ở Việt Nam, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề giao thông cũng như các phương thức tài chính thay thế...

Tiến sỹ Akbari đề xuất hai nước cần thống nhất ký Hiệp định Thương mại ưu đãi (PTA) cũng như Bản ghi nhớ (MoU) về kiểm dịch và kiểm dịch thực vật.

Ông Akbari cho rằng trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Tehran chưa được dỡ bỏ, hoạt động giao thương "hàng đổi hàng" là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, hai bên cần thảo luận và xác định những doanh nghiệp và sản phẩm cụ thể tham gia vào thỏa thuận này.

Theo Tiến sỹ Akbari, Việt Nam là quốc gia có nền văn hóa, lịch sử truyền thống và hệ tư tưởng nhân văn. Yếu tố này có thể thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực văn hóa và giao lưu nhân dân. Khuôn khổ tốt nhất để hai quốc gia tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau là mở rộng hợp tác du lịch.

Ông cho rằng Iran sẽ là điểm đến ưu thích đối với du khách Việt Nam nhờ có nhiều điểm du lịch hấp dẫn và chi phí thấp. Trong khi đó, với sự phong phú về văn hóa, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách Iran.

Văn hóa và sự sâu sắc của yếu tố văn hóa trong quan hệ giữa hai nước có thể là trọng tâm và hỗ trợ cho sự phát triển của mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Iran./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục