Việt Nam với một số mô hình, phong trào trong phòng chống COVID-19

Trong quá trình triển khai phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, tổ chức triển khai một số mô hình, chương trình, phong trào và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Việt Nam với một số mô hình, phong trào trong phòng chống COVID-19 ảnh 1Tổ phòng, chống COVID cộng đồng thôn Phúc Ninh, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Tại Việt Nam từ khi ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên (ngày 23/01/2020) đến nay, cả nước ghi nhận hơn 11,6 triệu trường hợp mắc, 43.206 trường hợp tử vong. Việt Nam trải qua 2 giai đoạn chống dịch với 4 đợt bùng phát dịch.

Trong quá trình triển khai phòng, chống dịch COVID-19, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng, tổ chức triển khai một số mô hình, chương trình, phong trào và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào việc đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh.

1. Tổ COVID-19 cộng đồng

Tổ COVID-19 cộng đồng là một trong những giải pháp phát huy sức mạnh toàn dân, hoạt động với nòng cốt là các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tại cộng đồng, người tình nguyện tại khu dân cư được tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương và thực hiện các hướng dẫn về chuyên môn kỹ thuật của ngành Y tế.

[Thủ tướng chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống COVID-19]

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người,” Tổ COVID cộng đồng đã phát huy vai trò quan trọng trong việc phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh như người đi về từ vùng dịch, người tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh, người có biểu hiện mắc bệnh... và báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế để xác minh, sàng lọc, truy vết, xử lý kịp thời mầm bệnh để hạn chế lây lan rộng trong cộng đồng.

Các Tổ COVID-19 cộng đồng cũng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy định về phòng, chống dịch như thực hiện 5K, chủ động tham gia tiêm chủng, tạo và quét mã QR Code đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ... và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, chủ động khai báo y tế, hỗ trợ trạm y tế lưu động trong việc quản lý và điều trị F0 tại nhà...

Bên cạnh đó, các Tổ COVID-19 cộng đồng tham gia tích cực trong công tác hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do dịch bệnh, kịp thời rà soát các đối tượng khó khăn đề nghị chính quyền và các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ, góp phần bảo đảm công tác an sinh xã hội.

Tổ COVID-19 cộng đồng là một mô hình sáng tạo, hiệu quả phát huy sức mạnh toàn dân phòng, chống dịch bệnh, góp phần tạo thành thế trận lòng dân hiệu quả trong cuộc chiến chống COVID-19 đồng thời thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền và nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là cầu nối trực tiếp giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước với nhân dân và là minh chứng cho chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.

2. Trạm Y tế lưu động

Việc thành lập các Trạm Y tế lưu động đã có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho người mắc bệnh COVID-19 được tiếp cận dịch vụ y tế một cách nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở để phát hiện các dấu hiệu chuyển nặng, hỗ trợ ôxy, cung cấp thuốc điều trị (gói A, B, C) và chuyển tuyến kịp thời để hạn chế tối đa tử vong.

Các Trạm Y tế lưu động cũng thực hiện khám bệnh, sơ cấp cứu các bệnh thông thường khác để bảo đảm người dân trong vùng dịch vẫn được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản kịp thời.

Việt Nam với một số mô hình, phong trào trong phòng chống COVID-19 ảnh 2rạm y tế lưu động được xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) kích hoạt sau khi số lượng F0 trên địa bàn xã có dấu hiệu gia tăng. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Mô hình Trạm Y tế lưu động đã phát huy hiệu quả trong chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19 tại nhà góp phần giảm tỷ lệ chuyển nặng và tử vong. Việc kết hợp triển khai gói chăm sóc điều trị tại nhà cho bệnh nhân COVID-19 cùng với cung cấp gói an sinh và đồng bộ với các biện pháp điều trị khác đã góp phần giảm áp lực cho cán bộ và cơ sở y tế, giảm áp lực cho các khu cách ly tập trung và đảm bảo chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19.

3. “Tháp 3 tầng” trong phân tầng điều trị COVID-19

Mô hình “tháp 3 tầng” trong phân tầng điều trị điều trị COVID-19 được triển khai trong bối cảnh các cơ sở điều trị và bệnh viện dã chiến bị quá tải.

Tầng 1 là điều trị các trường hợp triệu chứng nhẹ và không triệu chứng.

Tầng 2 là các bệnh viện dã chiến, bệnh viện chuyển đổi công năng chuyên thu dung các trường hợp có triệu chứng trung bình, có bệnh nền, có yếu tố nguy cơ cao.

Tầng 3 là điều trị các trường hợp nặng và nguy kịch. Các bệnh viện hồi sức ở tầng 3 có trách nhiệm liên kết với các bệnh viện ở tầng 2 tạo nên một hệ thống bệnh viện “chị-em”, thường xuyên hội chẩn các ca bệnh nặng, tổ chức đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật hồi sức cấp cứu người bệnh COVID- 19 cho tuyến dưới và trực tiếp đến hỗ trợ tuyến dưới, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp chuyển nặng ở tuyến dưới đưa lên tuyến trên, góp phần giảm tỷ lệ tử vong của người bệnh.

Các bệnh viện ở tầng 2 liên kết chặt chẽ với các cơ sở cách ly tại phường, xã, thị trấn, quận, huyện và cách ly tại nhà (tầng 1) để giảm tỷ lệ chuyển nặng phải chuyển lên tầng 3 điều trị, góp phần giảm tỷ lệ tử vong. Mô hình này được triển khai đầu tiên tại Bắc Giang, sau đó tiếp tục được triển khai hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương...

Việt Nam với một số mô hình, phong trào trong phòng chống COVID-19 ảnh 3Đội ngũ y bác sỹ tận tâm ngày đêm điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 Việt Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN phát)

Mô hình “tháp 3 tầng” điều trị COVID-19 khởi đầu được áp dụng tại Bắc Giang trong bối cảnh số ca mắc tăng nhanh, xảy ra tại khu công nghiệp và một số địa bàn dân cư; 5 cơ sở thu dung, điều trị ban đầu đã được thiết lập với công suất 3.718 giường; 2 Trung tâm Hồi sức đã được thiết lập tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang và Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang.

4. Hỗ trợ tư vấn từ xa

Mô hình hỗ trợ tư vấn từ xa được triển khai với nhiều hình thức như: đường dây nóng, tổng đài 1800, 1900, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành. Việc triển khai các giải pháp hỗ trợ người nhiễm thông qua tư vấn từ xa đã giúp người cần được hỗ trợ tiếp cận với các thông tin chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ điều trị, chuyển tuyến, tiếp cận với dịch vụ y tế sớm, kịp thời, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, đã góp phần phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp có diễn biến nặng và hạn chế tử vong.

Tính đến 10/10/2021, Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành với 9.300 bác sỹ, tình nguyện viên đã hỗ trợ cho 241.108 người bệnh, thực hiện 2.498.313 phút gọi; Tổng đài tiếp nhận phản ánh của người dân 1900 9095 đã tiếp nhận và xử lý gần 7,3 triệu cuộc gọi; Tổng đài hỗ trợ khai báo y tế 1800 1119 đã tiếp nhận hơn 289.000 cuộc gọi và thực hiện hơn 7,3 triệu cuộc gọi ra.

5. Xét nghiệm sàng lọc cho lái xe luồng xanh, đảm bảo lưu thông hàng hóa thiết yếu

Người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh đã được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ nhận diện ưu tiên luồng xanh trên các tuyến giao thông, có QR code sẽ được xét nghiệm miễn phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người vận chuyển hàng hóa.

Khi lưu thông trong phạm vi địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, sẽ không cần kiểm tra giấy chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa (lái xe, người phục vụ trên xe, nhân viên bốc, xếp dỡ hàng hóa đi theo xe) và tổ chức phân luồng giao thông, điều phối các điểm dừng nghỉ thuận lợi, đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, tránh tình trạng ùn tắc.

6. Tiếng loa Biên phòng kết hợp với phong trào toàn dân tham gia phòng chống dịch COVID-19

Với phương châm tuyên truyền “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà,” mô hình “tiếng loa Biên phòng” được các chiến sỹ bộ đội biên phòng triển khai tuyên truyền liên quan đến công tác phòng, chống COVID-19 và giám sát xuất, nhập cảnh trái phép tại khu vực biên giới đã phát huy hiệu quả tối đa, giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch COVID-19, hiểu về mức độ nguy hiểm của COVID-19 và chấp hành nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch.

7. Phong trào thi đua của Bộ Công an phòng, chống COVID-19

Phong trào thi đua đặc biệt của Bộ Công an với chủ đề: “Lực lượng Công an nhân dân - Lá chắn phòng, chống dịch COVID-19 - Thanh bảo kiếm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội” của Bộ Công an với phương châm “Kiên định bản lĩnh chính trị Người chiến sỹ Công an nhân dân, triệu trái tim, một ý chí, quyết tâm chiến thẳng đại dịch COVID-19.”

Bộ Công an là cơ quan đầu tiên tổ chức lễ phát động hưởng ứng phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Lực lượng Cảnh sát giao thông bố trí xe dẫn đoàn, hỗ trợ người dân di chuyển về quê đảm bảo an toàn, thông suốt và cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân.

8. Một số mô hình, phong trào, cách làm khác

Bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, công nhân lao động, người dân trong các khu phong tỏa như: “Gian hàng 0 đồng,” Chương trình “Đi chợ thay - Đi chợ giúp dân,” “Chuyến xe nghĩa tình,” Đội hình “Người vận chuyển,” “ATM gạo,” “ATM oxy,” “Xe cứu thương miễn phí,” “Quán cơm thiện nguyện”..., hệ thống phân phối theo hình thức “dã chiến” như điểm bán hàng/xe bán hàng lưu động, “Mang chợ ra phố,” bán hàng online, đi chợ hộ...

Chương trình “Dân hỏi-Thành phố trả lời” tại Thành phố Hồ Chí Minh74, nội dung sáng tạo, đa dạng, sâu sắc đạt được hiệu quả cao.

Mô hình “Dân quân tự vệ phụ trách hộ gia đình” phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt trong vận chuyển hàng hóa thiết yếu giúp người dân yên tâm thực hiện giãn cách.

Mô hình điểm hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản trong mùa dịch với các tiêu chí đảm bảo chất lượng nông sản, đảm bảo có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh và các điểm bán hàng trực tiếp đảm bảo an toàn phòng dịch.

Các mô hình, mô hình, chương trình, phong trào cần được đánh giá, tổng kết để nghiên cứu, áp dụng trong phòng, chống đại dịch và các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục