Ngày 3/12, Ban Chỉ đạo Quốc gia về công nghệ thông tin (CNTT) đã tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ông Đỗ Trung Tá, Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT, Phó trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT, phát biểu nhấn mạnh vào những mặt hạn chế cần khắc phục của ngành này trong 10 năm qua, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được. Về ứng dụng CNTT, ông Tá nói rằng, một số mục tiêu và chỉ tiêu cơ bản vẫn chưa đạt được, hoặc đạt không đúng thời hạn. Chẳng hạn, mục tiêu đạt trình độ và hiệu quả ứng dụng CNTT trong cả nước tương đương mức trung bình của các nước trong khu vực phải đến năm 2008 mới đạt được, thay vì năm 2005 như chỉ tiêu ban đầu. Theo Báo cáo về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, Việt Nam mới chỉ đứng thứ 6 trong 11 nước Đông Nam Á., suốt 10 năm qua mới vượt được một nước là Indonesia. Trình độ ứng dụng CNTT đã được cải thiện nhưng lại đang có nguy cơ tụt hậu và cần rất nhiều nỗ lực mới đuổi kịp các nước đứng phía trên trong khu vực. Về mặt phát triển nguồn nhân lực CNTT, đội ngũ lao động hiện khá đông đảo, khoảng 226.000 người, song chất lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Sinh viên công nghệ sau khi ra trường chưa thể hòa nhập ngay vào thị trường lao động, thường phải mất công đào tạo lại. Để bắt kịp với sự phát triển của CNTT trên thế giới, ông Tá cho rằng trong 10 năm tới phải đặt ra những mục tiêu mới cao hơn cả về công nghệ, quy mô và tốc độ. Ngành CNTT phải đi trước, đạt trình độ nước công nghiệp để đạt được mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước đến năm 2020. Ngoài ra, ngành này cần sáng tạo và mở rộng hợp tác quốc tế nhằm đưa “hồn Việt Nam” trong các thiết kế, phần mềm, giải pháp, sản xuất chip... kết dính với thành tựu khoa học công nghệ của thế giới, tạo ra các sản phẩm quốc gia của Việt Nam./.
Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT” giai đoạn 2011-2015 đặt ra 6 mục tiêu chính: - 30% số lượng sinh viên CNTT, điện tử, viễn thông sau khi tốt nghiệp có đủ khả năng chuyên môn, ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt trên 50%. - Các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực thiết kế, sản xuất thiết bị, thay thế dần nhập khẩu. Đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vi mạch thích hợp, làm chủ thiết kế và sản xuất một số phần cứng mang thương hiệu Việt. Việt Nam nằm trong số 15 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số. - Cơ bản hoàn thành mạng băng thông rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối Internet đến tất cả các trường học, phủ sóng thông tin di động đến 85% dân cư. - Năm 2011, hầu hết hộ gia đình có máy điện thoại. Đến 2015, 20-30% hộ gia đình có máy tính và truy cập Internet băng rộng; trên 90% hộ gia đình có máy thu hình, trong đó 80% số hộ xem được truyền hình số. - Cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tới người dân. 80% doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh. Phổ cập ứng dụng CNTT trong giáo dục, y tế... - Phát triển các doanh nghiệp và tập đoàn CNTT đạt trình độ, quy mô khu vực và quốc tế, trong đó có một số doanh nghiệp có tổng doanh thu trên 10 tỷ USD. |
Trung Hiền (Vietnam+)