VNR: Năm 2024, mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt trên 6.250 tỷ đồng

Tổng công ty Đường sắt VN phấn đấu làm tốt vai trò nòng cốt trong chiến lược phát triển ngành đường sắt, tập trung huy động mọi nguồn lực vào sản xuất, kinh doanh.

Đoàn tàu tốc độ cao dừng đỗ ở một ga tại châu Âu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Đoàn tàu tốc độ cao dừng đỗ ở một ga tại châu Âu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sự phục hồi của vận tải đường sắt vẫn còn nhiều khó khăn khi gặp phải cạnh tranh khốc liệt từ đường bộ và hàng không, trong thời gian tới, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) sẽ tập trung huy động các nguồn lực, đổi mới phương thức điều hành, phấn đấu có lãi và sẵn sàng cho công tác chuẩn bị cho đầu tư Đường sắt Tốc độ cao Bắc-Nam, đặc biệt là nguồn nhân lực.

Phấn đấu có lãi, hoàn thành chiến lược phát triển

Tại Hội nghị tổng kết triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 của VNR vào chiều 9/1, theo ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc VNR, năm 2024, Công ty Mẹ phấn đấu doanh thu đạt 6.258 tỷ đồng, bằng 100,18% so với cùng kỳ; trong đó tăng sản lượng vận tải khoảng 7,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

“VNR quyết tâm hoàn thành kế hoạch được Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp giao, phấn đấu duy trì đà tăng trưởng của các chỉ tiêu hợp nhất về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của Người lao động, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước và thực hiện tốt nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt,” ông Khánh nói.

Đưa ra chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035, VNR cam kết sẽ làm tốt vai trò nòng cốt trong sứ mệnh phát triển ngành đường sắt, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đường sắt; tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư phương tiện, máy móc, trang thiết bị, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới phương thức điều hành, quản trị đáp ứng nhu cầu vận hành, sử dụng và khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt Quốc gia hiện có cũng như các đoạn tuyến đường sắt quốc gia mới được đầu tư xây dựng được giao.

Lộ trình kế hoạch sản xuất kinh doanh giai đoạn 2021-2025, VNR phấn đấu mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất đạt 39.544 tỷ đồng; doanh thu Công ty Mẹ đạt 26.190 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân năm sau so năm trước giai đoạn 2024-2025 phấn đấu đạt 4,7%/năm. Lợi nhuận trước thuế của VNR giai đoạn 2023-2025 là lãi 327 tỷ đồng.

vnp-khanh-vnr-5742.jpg
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam báo cáo tại hội nghị. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến công tác chuẩn bị cho đầu tư Đường sắt Tốc độ cao Bắc-Nam, ông Khánh cho biết VNR thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác do lãnh đạo Tổng công ty trực tiếp tham gia để nghiên cứu xây dựng các đề án liên quan, làm cơ sở tham gia phối hợp với các bộ, cơ quan chuyên môn bao gồm: Tổ tái cơ cấu, mô hình tổ chức VNR; tổ phát triển công nghiệp đường sắt; tổ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ Đường sắt Tốc độ cao.

Song song đó, VNR tích cực trao đổi, hội thảo với đường sắt các nước Trung Quốc, Algeria, Kazakhstan, Hàn Quốc, Nhật Bản..., các tổ chức, Hiệp hội Đường sắt Quốc tế (UIC), Tổ chức Hợp tác Đường sắt (OSJD), Hiệp hội đường sắt ASEAN… để tham khảo kinh nghiệm, học hỏi mô hình tổ chức, đầu tư, vận hành và khai thác Đường sắt Tốc độ cao.

Khai thác các khu ga có lợi thế về thương mại

Để hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh, VNR kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ căn cứ nhu cầu và khả năng quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt giao Tổng công ty lập phương án theo phương thức tính thành vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và giao tăng vốn cho Tổng công ty các khu ga có lợi thế thương mại để khai thác, phát huy nguồn lực giảm ngân sách Nhà nước đầu tư.

VNR đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải giao cơ quan chuyên ngành lập quy hoạch chi tiết đường sắt; xác định công năng, mục đích sử dụng thực tế đối với diện tích đất kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng và công trình công nghiệp đường sắt.

tau-hang-duong-sat-04012023-7.jpg
Đoàn tàu vận tải hàng hóa của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xuất phát tại Ga Yên Viên, thành phố Hà Nội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Để đảm bảo an toàn, êm thuận và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, Bộ Giao thông Vận tải xem xét việc thực hiện hàn ray liền trên đường sắt hiện hữu như các nước trên thế giới. Trước mắt, ngành có thể xem xét tập trung cho tuyến Hà Nội-Hải Phòng để tổ chức chạy tàu liên vùng đô thị, phục vụ nhu cầu của người dân có thể đi và về trong ngày giữa Hải Phòng, Hải Dương và Hà Nội; tiến tới sẽ thực hiện hàn ray trên các tuyến khác như Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Vinh...

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đường sắt đi qua, thống nhất áp dụng các chính sách ưu đãi về sử dụng đất dành cho đường sắt, giải quyết thủ tục đất đai, miễn tiền thuê đất tại các đơn vị.

Các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý trong việc giải quyết thủ tục đất đai, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những khu đất chưa có hồ sơ pháp lý (trong đó cho cấp nguyên trạng những diện tích đất ngành đường sắt đang sử dụng làm bãi hàng, quảng trường ga, là những công trình không thể thiếu để phục vụ khai thác vận tải đường sắt nhưng chưa có điều kiện đầu tư theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật) làm cơ sở cho công tác quản lý theo quy định của Luật Đất đai.

Sự phục hồi vẫn còn nhiều khó khăn

Trước đó, trình bày báo cáo tại hội nghị, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc VNR cho biết tổng doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 8.503,8 tỷ đồng (đạt 101,7% kế hoạch năm). Lợi nhuận sau thuế 94,8 tỷ đồng (đạt 115% kế hoạch).

Với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, các hoạt động du lịch trong nước phục hồi và phát triển trở lại, vì vậy thị phần vận tải hành khách bằng đường sắt đã có sự tăng trưởng cao; năng lực chạy tàu trên tuyến Đường sắt Bắc-Nam đã được cải thiện sau khi các hạng mục đầu tư sửa chữa, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt, mở mới các ga (thuộc gói 7.000 tỷ) được đưa vào khai thác.

vnp-tau-hoa-7-4364.jpg
Ngành đường sắt vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2024. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tuy nhiên, ông Khánh cũng nhìn nhận sự phục hồi của vận tải đường sắt vẫn còn nhiều khó khăn, đó là cận tải hành khách tiếp tục bị cạnh tranh với phương tiện vận tải hàng không và đường bộ về giá vé, thời gian vận chuyển và sự tiện lợi; vận tải hàng hóa cơ cấu luồng hàng vận chuyển thay đổi, làm giảm thị phần vận tải hàng hóa bằng đường sắt; năng lực vận chuyển còn hạn chế, bị giới hạn bởi cả năng lực thông qua của tuyến và năng lực của ga; mạng lưới đường sắt Quốc gia chưa thống nhất về khổ đường, quy mô đường ga chưa đáp ứng tổ chức chạy tàu với chiều dài lớn và tải trọng cao, tốc độ khai thác hạn chế.

Bên cạnh đó, Tổng công ty còn một số tồn tại như bộ máy cồng kềnh, lao động đông, tư duy chuyển biến còn chậm dẫn đến hiệu quả công tác vận tải chưa cao.

Năm 2023, VNR triển khai nhiều các giải pháp nâng sản lượng, doanh thu vận tải như tận dụng tối đa năng lực chạy tàu, chủ động xây dựng giá vé linh hoạt, thực hiện nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn; tập trung nâng cao chất lượng phục vụ, thu hút khách hàng, cắt giảm tối đa toa xe để tiết kiệm chi phí vào các thời kỳ thấp điểm; có nhiều chính sách để thu hút các đối tác thuê nguyên toa từ các doanh nghiệp tổ chức du lịch; phối hợp ưu tiên chạy tàu hàng chuyên tuyến, vận chuyển hàng liên vận quốc tế và chạy thêm các đoàn tàu hàng thường;…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục